1. Tác dụng của vỏ hàu
Theo các nghiên cứu hiện đại, vỏ hàu chủ yếu chứa lượng lớn canxi cacbonat, canxi photphat và canxi sunfat. Ngoài ra, trong vỏ hàu còn chứa nhiều yếu tố vi lượng như đồng, sắt, kẽm, mangan, stronti, crom cùng nhiều loại acid amin khác nhau.
Cũng theo các nghiên cứu dược lý hiện đại, vỏ hàu có nhiều tác dụng tốt với sức khỏe như an thần, chống co giật, kháng động kinh, giảm đau, bảo vệ gan, tăng cường miễn dịch, chống khối u, chống oxy hóa, chống lão hóa… Các polysaccharide chiết xuất từ vỏ hàu còn được chứng minh là có tác dụng hạ mỡ máu, chống đông máu, chống hình thành huyết khối.

Vỏ hàu có nhiều tác dụng tốt với sức khỏe như an thần, giảm đau, bảo vệ gan...
Vỏ hàu đồng thời là một vị thuốc được sử dụng tương đối phổ biến trong Đông y. Đông y dùng vị thuốc mẫu lệ, là tên gọi chung của các loại vỏ hàu, vỏ hà. Theo các thư tịch Đông y, mẫu lệ có vị mặn, tính hơi hàn, quy kinh can, đởm, thận, có các tác dụng trọng trấn, an thần, tiềm dương bổ âm, nhuyễn kiên tán kết.
Mẫu lệ có nhiều ứng dụng trong lâm sàng Đông y:
- Điều trị can dương thượng gây hoa mắt ù tai: Vỏ hàu có vị mặn, tính hàn, chất nặng lại vào kinh can nên có tác dụng bình can tiềm dương, đồng thời lại có tác dụng tư âm nên thường được sử dụng trong điều trị các chứng can dương thượng cang, âm hư dương vượng, hoa mắt chóng mặt.
- Điều trị chứng tâm thần bất an gây kinh sợ mất ngủ: Vỏ hàu có chất nặng, có tác dụng trấn tĩnh an thần, thường được dùng trong điều trị các chứng tâm thần bất an, hay kinh sợ, hồi hộp, mất ngủ, mơ nhiều.
- Điều trị các loại u bướu, nổi hạch: Vỏ hàu có vị mặn, theo Đông y, "hàm năng nhuyễn kiên" tức là vị mặn có thể làm mềm những chỗ kết rắn, chính vì vậy vỏ hàu thường dùng với tác dụng tán kết, trị các chứng đàm hỏa uất kết tạo thành u, nổi hạch, tràng nhạc, bướu cổ…
- Điều trị các chứng mồ hôi nhiều: Vỏ hàu sau khi nung có tác dụng thu liễm, có thể dùng trong điều trị các chứng tự hãn, đạo hãn, ra nhiều mồ hôi...
- Điều trị di tinh, hoạt tinh, băng lậu, khí hư: Vỏ hàu nung với tác dụng thu liễm của mình có thể dùng phối hợp với các vị thuốc khác trong điều trị di tinh, hoạt tinh, tiểu tiện nhiều lần, đái dầm, băng huyết, khí hư...
- Điều trị đau dạ dày, ợ chua: Vỏ hàu với thành phần chủ yếu là canxi cacbonat, sau khi nung có tác dụng giảm acid dạ dày và giảm đau, có thể sử dụng trong điều trị các chứng đau dạ dày kèm trào ngược acid.
- Dùng ngoài da: Vỏ hàu đã nung tán bột với tác dụng thu liễm, sinh cơ, có thể dùng ngoài da trong các trường hợp chàm, viêm da ướt, lở loét lâu ngày.

Vỏ hàu có nhiều cách sử dụng có lợi cho sức khỏe.
2. Cách chế biến vỏ hàu thành vị thuốc
Vỏ hàu sống: Vỏ hàu rửa sạch, phơi khô, tán vụn được sử dụng với tác dụng tiềm dương, bổ âm, trấn tĩnh an thần, nhuyễn kiên tán kết.
Vỏ hàu nung: Vỏ hàu rửa sạch, nung trên lò than đến khi thành màu trắng, xốp, để nguội rồi nghiền nhỏ, chuyên sử dụng với tác dụng thu liễm cố sáp, giảm đau, giảm acid dạ dày.
3. Một số bài thuốc từ vỏ hàu
Trị hoa mắt, chóng mặt: Vỏ hàu 18g, long cốt 18g, cúc hoa 9g, kỷ tử 12g, hà thủ ô 12g. Sắc nước uống.
Trị tiểu tiện nhiều: Dùng vỏ hàu đã nung 200g, sắc với 3 lít nước tiểu trẻ con, cô còn 2 lít, chia 3 lần uống.
Trị băng huyết, khí hư: Vỏ hàu và miết giáp, mỗi vị 100g, tán mịn, uống 1 thìa nhỏ (~1g) với rượu ấm, ngày 3 lần.
Trị hư nhược ra nhiều mồ hôi: Ma hoàng căn, hoàng kỳ, vỏ hàu (ngâm nước gạo, nung đỏ), mỗi vị 40g. Tán vụn, sắc với 300ml nước và hơn 100 hạt tiểu mạch, bỏ bã, cô còn 240ml, uống nóng, ngày 2 lần.
Trị mồ hôi trộm: Vỏ hàu, bạch truật, phòng phong, mỗi vị 100g. Tán mịn, uống 1 thìa nhỏ với rượu, ngày 2 lần.
Trị ợ chua: Vỏ hàu, mai mực mỗi vị 18g, chiết bối mẫu 12g. Tán mịn, mỗi lần uống 10g, ngày 3 lần.
Khi dùng vỏ hàu cần lưu ý:
- Vỏ hàu tính lạnh không dùng cho người tỳ vị hư hàn, dễ đầy bụng, tiêu chảy, lạnh bụng.
- Vỏ hàu tính thu liễm nên dùng liều cao hoặc dùng lâu có thể tăng nguy cơ táo bón.
- Không dùng thời gian dài ở người có nguy cơ sỏi thận, sỏi mật.
- Vỏ hàu ẩm dễ sinh độc tố, nấm mốc nên cần bảo quản kỹ, tránh ẩm mốc trong quá trình sử dụng.