Vỏ hàu bình can, bổ âm

29-05-2011 07:36 | Y học cổ truyền
google news

Con hàu hay còn gọi là hầu, vỏ của nó còn được gọi là vỏ hàu, vỏ hà với tên thuốc là mẫu lệ. Thịt hàu có hương vị rất thơm ngon, chứa nhiều chất bổ: protid, chất béo, glucid, muối khoáng nên là món ăn được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Con hàu hay còn gọi là hầu, vỏ của nó còn được gọi là vỏ hàu, vỏ hà với tên thuốc là mẫu lệ. Thịt hàu có hương vị rất thơm ngon, chứa nhiều chất bổ: protid, chất béo, glucid, muối khoáng nên là món ăn được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Để có nguyên liệu làm thuốc từ hàu, sau khi lấy phần thịt hàu làm thức ăn, người ta thu lấy vỏ hàu, ngâm vào nước sạch cho bở các chất bẩn bám phía ngoài, sau đó lấy bàn chải cứng, chải nhiều lần theo các thớ vỏ. Rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Nếu dùng dưới dạng mẫu lệ sống, cho vỏ hàu vào túi vải dày, buộc đầu túi lại, dùng chày gỗ đập thành mảnh vụn; nếu dùng dưới dạng bột nung, cho vỏ hàu vào lò nung ở nhiệt độ 600 - 700oC khoảng 6 - 7 giờ liền. Để nguội, lấy ra, tán mịn.

Thành phần chủ yếu của mẫu lệ là canxi cacbonat, canxi photphat, canxi sunfat và Mg, Al, Fe…

 Vỏ hàu cho vị thuốc mẫu lệ.

Theo y học cổ truyền, mẫu lệ có vị mặn, sáp, tính hơi hàn. Quy kinh can, vị, đởm và thận. Có công năng an thần, bình can, tiềm dương, bổ âm, nhuyễn kiên, tán kết (làm mềm các khối rắn). Dùng trị can dương thịnh, gây chóng mặt, đau đầu, hoa mắt, mất ngủ; có thể phối hợp với long cốt, bạch thược, bạch vi, cúc hoa, hắc táo nhân… Trị di tinh, tảo tiết, ra nhiều mồ hôi, mồ hôi trộm. Làm mềm các khối rắn bị kết lại thành hòn cục trong cơ thể. Phối hợp với huyền sâm, hạ khô thảo, hải tảo, bối mẫu... trị  u xơ tuyến vú, lao hạch… Phối hợp với ngũ vị tử, hương phụ trị di tinh, băng lậu đới hạ, đau dạ dày, ợ chua. Cần lưu ý, trong trường hợp dùng với tính chất làm tiêu các u, cục (nhuyễn kiên)… thì nên dùng vị thuốc dưới dạng sống (không qua nung). Khi qua nung, mẫu lệ tăng cường tác dụng cố sáp, dùng tốt cho các chứng ra mồ hôi trộm, mồ hôi nhiều, di tinh, hoạt tinh,  băng lậu, đới hạ; đặc biệt các trường hợp đau dạ dày ợ chua, những trường hợp viêm loét dạ dày - tá tràng, ợ chua do bài tiết dịch vị quá nhiều. Do vị thuốc chứa nhiều muối canxi cacbonat, có thể trung hòa các axít trong dịch vị. Liều dùng mỗi ngày từ 9 - 30g.

Mẫu lệ thường được dùng làm thuốc trị một số bệnh sau:

Trị ra mồ hôi nhiều, mồ hôi trộm, đoản hơi: mẫu lệ, rễ ma hoàng mỗi vị 3g, phù tiểu mạch 9g. Tất cả làm thành bột thô, sắc uống, ngày một thang. Uống liền 3 - 4 tuần tới hết triệu chứng, có thể uống vài liệu trình.

Trị chứng dương hư ra nhiều mồ hôi: bá tử nhân 60g, mẫu lệ, rễ ma hoàng,  nhân sâm, bạch truật, bán hạ, ngũ vị tử mỗi vị 30g, tiểu mạch 15g. Làm hoàn, mỗi lần uống 10g. Uống liền 2 - 3 tuần, tới hết triệu chứng, có thể uống vài liệu trình.

Trị di tinh, hoạt tinh, đau lưng, tai ù, chân tay vô lực: tật lê, khiếm thực, liên tu mỗi vị 60g, long cốt (nung), mẫu lệ (nung) mỗi vị 30g, thêm  bột liên nhục làm hoàn. Mỗi lần uống 9g, ngày 2 - 3 lần. Uống liền 2 - 3 tuần lễ, tới khi hết triệu chứng, có thể uống vài liệu trình.

Trị khí hư bạch đới: mẫu lệ (nung), hoa hòe mỗi vị 40g. Dùng dưới dạng bột, ngày 12g, uống liền vài tuần, đến khi hết triệu chứng, có thể uống thêm vài liệu trình.

Bột mẫu lệ nung, còn được dùng làm phụ liệu trong chế biến thuốc y học cổ truyền, nhất là phương pháp “sao cách”, đối với các vị thuốc dẻo, dính, như các loại cao động vật (cao ban long, cao ngũ cốt...).

  GS.TS. Phạm Xuân Sinh


Ý kiến của bạn