Mọi con đường đều dẫn vào ngõ cụt
Chính quyền tự trị người Kurd ở miền Bắc Iraq (KRG) thực sự lâm vào thế bí và không còn lựa chọn nào khác ngoài giải pháp đối thoại với chính quyền Trung ương Baghdad. Trước đó, mặc cho dư luận và Chính phủ Iraq tuyên bố phản đối , hồi cuối tháng 9 những người đứng đầu khu vực người Kurd vẫn tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về độc lập tại khu vực này. Và dù bị Chính phủ Iraq tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý là vi hiến, cấm mọi chuyến bay quốc tế đến sân bay của người Kurd, thậm chí dưới sức ép của Iraq, một số nước láng giềng của Iraq là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có hành động ủng hộ Chính phủ Iraq như đóng cửa biên giới, ngừng giao thương với vùng tự trị, những người đứng đầu ở khu tự trị người Kurd vẫn tuyên bố sẽ tiến hành bầu cử cơ quan lập pháp vào ngày 1/11 tới.
Khu tự trị người Kurd làm nóng bầu không khí ở Trung Đông
Sự việc chỉ dừng lại khi quân đội Iraq mở chiến dịch giành lại quyền kiểm soát các khu vực tranh chấp giữa chính quyền trung ương với vùng tự trị người Kurd. Việc mất quyền kiểm soát đối với các khu vực dầu mỏ quan trọng nhất là Kirkuk – nguồn thu nhập chính của vùng tự trị này - như đòn quyết định khiến chính quyền khu tự trị người Kurd bất ngờ ra đề nghị đối thoại song phương với Chính phủ Iraq. Đây được xem là một giải pháp cuối cùng và “không có lựa chọn” của các nhà lãnh đạo cộng đồng người Kurd ở Iraq.
Theo đó, KRG đưa ra 3 đề xuất với chính phủ Iraq cũng như dư luận quốc tế bao gồm: dừng ngay lập tức mọi hoạt động quân sự tại khu tự trị người Kurd, "đóng băng" kết quả cuộc trưng cầu ý dân, tổ chức đối thoại cởi mở giữa KRG và chính phủ liên bang Iraq dựa trên cơ sở hiến pháp.
Nguy cơ biến thành xung đột sắc tộc ở khu vực
Người Kurd là một dân tộc có nghìn năm lịch sử với hàng chục triệu dân sống ở nhiều khu vực Trung Đông, họ có mặt ở nhiều quốc gia như Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran. Đây là dân tộc mà chưa có quốc gia riêng của mình. Những khao khát kéo dài hàng nghìn năm về việc thành lập một quốc gia, có nền độc lập riêng luôn chực chờ cơ hội bùng cháy. Iraq được coi là cái nôi của phong trào giải phóng dân tộc của người Kurd. Tuy nhiên chỉ cần một “mồi lửa” nhóm lên có khả năng nó sẽ bùng lên thành một “đám cháy lớn” lan ra khắp khu vực. Chính vì thế nhiều quốc gia có cộng đồng người Kurd sinh sống sẵn sàng hỗ trợ Iraq dẹp bỏ tham vọng thành lập nhà nước độc lập của người Kurd ở Iraq bởi họ lo ngại sẽ lặp lại một kịch bản tương tự với cộng đồng người Kurd ở đất nước của mình.
Người Kurd ở Iraq
Mặc dù cả quân đội chính phủ Iraq và lực lượng người Kurd đều là những đồng minh chính của Mỹ trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Trung Đông, nhưng giờ đây họ lại đang đứng ở 2 chiến tuyến. Việc có chung một kẻ thù đã không khiến hai bên khép lại những mâu thuẫn liên quan đến vấn đề lãnh thổ và tài chính.
Trước khi bước vào bàn đàm phán với Chính phủ Iraq, dường như người Kurd đã có một lợi thế hơn hẳn với một vai trò và vị thế khác trên bàn cờ chính trị Trung Đông. Chưa biết các cuộc đàm phán sẽ đi đến đâu nhưng với một “bước lùi” tạm thời của cộng đồng người Kurd cho thấy người Kurd đã thấy trước những hậu quả nhãn tiền mà khu vực tự trị sẽ phải gánh chịu nếu thực sự tách khỏi Iraq. Mà điều này ngay chính bản thân Iraq cũng không chấp nhận được. Nếu điều này xảy ra không chỉ đẩy Iraq vào một cuộc nội chiến mà còn là một cuộc xung đột sắc tộc ở khu vực, nơi có cộng đồng người Kurd, người Hồi giáo Shiite và Hồi giáo Sunni, vốn đã rất phức tạp ở Trung Đông.