Vợ điều dưỡng, chồng bộ đội, gửi con nhỏ xung phong vào "tuyến lửa" chống dịch

27-08-2021 12:35 | Y tế
google news

SKĐS - Đêm qua là một đêm đầy thao thức đối với chị Trần Thị Quỳnh – điều dưỡng Khoa Sản, BV Bưu điện. Trưa nay 27/8, chị sẽ cùng 29 đồng nghiệp tạm biệt đồng nghiệp và gia đình lên đường vào TP.HCM thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho các bệnh viện nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19.

Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, điều dưỡng Trần Thị Quỳnh thường xuyên theo dõi thông tin và rất lo lắng khi dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp với những biến chủng nguy hiểm, số người nhiễm và tử vong do dịch bệnh không ngừng gia tăng.

Là một nhân viên y tế chị hiểu hơn lúc nào hết nhân dân và cộng đồng cần sự hỗ trợ vào cuộc của các y bác sĩ như thế nào.

Chính vì vậy, mặc dù biết rõ những khó khăn, nguy hiểm tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, nơi dịch bệnh đang căng thẳng nhất nhưng khi lãnh đạo bệnh viện có lời kêu gọi, chị Quỳnh ngay lập tức tình nguyện đăng ký tham gia hỗ trợ cho tuyến đầu.

Chồng công tác trong Quân đội, tham gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 nên hơn tháng nay anh chưa về nhà, 2 con gái còn nhỏ nhưng rất hiểu chuyện.

Cả nhà hay nói với nhau về sự nguy hiểm của dịch bệnh, các con của chị rất thương các bệnh nhân, hiểu rõ những vất vả, hy sinh thầm lặng của các y bác sĩ nên khi chị Quỳnh nói ra ý định tình nguyện tham gia hỗ trợ các bệnh viện tuyến đầu chị được cả gia đình, nhất là các con ủng hộ.

Các con gửi ông bà nội chăm sóc, công việc tại Bệnh viện đã có đồng nghiệp hỗ trợ, chị Quỳnh bảo rằng "việc nhà, việc viện mình đều đã thu xếp ổn thỏa nên chỉ chờ lệnh lên đường là đi".

Chị Quỳnh bên mẹ và các con gái trước giờ lên đường vào tâm dịch.

Chị Quỳnh cho biết, chị đã gắn bó với ngành Y và Bệnh viện Bưu điện được hơn 3 năm. Là một điều dưỡng làm việc tại Khoa có đông bệnh nhân nhất bệnh viện, hàng ngày chị đã quen với sự vất vả cùng những áp lực của nghề nghiệp.

Được rèn luyện trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, y đức, hiện không chỉ có nghiệp vụ vững về điều dưỡng hỗ trợ bác sĩ trong điều trị, chăm sóc người bệnh, chị Quỳnh còn có chứng chỉ tiêm vaccine COVID-19 do Bộ Y tế cấp.

Cùng với các kiến thức, kỹ năng về phòng chống COVID-19, kiểm soát nhiễm khuẩn, bảo vệ an toàn cho bản thân và người bệnh… điều dưỡng Trần Thị Quỳnh tự tin mình có thể góp phần tích cực hỗ trợ các y bác sĩ nơi tuyến đầu chăm sóc, điều trị, phục vụ bệnh nhân COVID-19.

Cũng là một trong số 30 cán bộ y tế của BV Bưu điện vào chi viện TP. Hồ Chí Minh chống dịch lần này, ThS. BS Vũ Ngọc Linh – Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu – Trưởng Đoàn công tác chia sẻ: Hiểu rõ tình hình phức tạp của dịch bệnh COVID-19, những khăn của đồng nghiệp tại các bệnh viện tuyến đầu, đặc biệt là nhu cầu được điều trị, chăm sóc và hỗ trợ của người dân ở nơi tình hình dịch bệnh đang vô cùng căng thẳng, tất cả các y bác sĩ, kỹ thuật viên tình nguyện lên đường lần này đều mong muốn có thể đóng góp một phần tâm sức, trí lực nhỏ bé của mình tham gia phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, bảo vệ an toàn cho người dân và cộng đồng.

Theo sự phân công của Bộ Y tế, Đoàn y bác sĩ của Bệnh viện Bưu điện sẽ tham gia điều trị, chăm sóc, phục vụ người bệnh tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 (trực thuộc Bệnh viện Dã chiến số 13 ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh).

Vợ điều dưỡng, chồng bộ đội, gửi con nhỏ xung phong vào "tuyến lửa" chống dịch - Ảnh 2.

Được biết, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Bệnh viện Bưu điện đã chủ động đề xuất với Bộ Y tế được tham gia hỗ trợ nhân lực y tế phục vụ phòng chống dịch tại TP.HCM.

Vợ điều dưỡng, chồng bộ đội, gửi con nhỏ xung phong vào "tuyến lửa" chống dịch - Ảnh 3.

Đoàn của bệnh viện gồm 8 bác sĩ, 19 điều dưỡng và 3 kỹ thuật viên thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Tất cả các thành viên trong Đoàn đều có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp vững, tận tâm với người bệnh và có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong công tác thăm khám, điều trị, chăm sóc người bệnh ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao.

Vợ điều dưỡng, chồng bộ đội, gửi con nhỏ xung phong vào "tuyến lửa" chống dịch - Ảnh 4.

Chi viện khẩu trang, thiết bị phòng hộ, thuốc thiết yếu và nhiều vật dụng khác cho TP.HCM chống dịch.

Tại lễ gặp mặt Đoàn công tác tham gia hỗ trợ TP.HCM chống dịch, TTƯT.TS. BS Đỗ Văn Tráng – Chủ tịch Hội đồng Quản lý và TTƯT.ThS.BS Trần Hùng Mạnh – Giám đốc bệnh viện cảm ơn các y bác sĩ đã tình nguyện lên đường hỗ trợ, giúp đỡ người dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong cuộc chiến chống đại dịch. Đồng thời chúc tất cả các thành viên trong Đoàn lên đường mạnh khỏe, đóng góp trí tuệ, công sức góp phần cùng đồng nghiệp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, trở về bình an.

Đặc biệt lưu ý các y bác sĩ phải luôn luôn đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu, bởi Đoàn sẽ trực tiếp tham gia điều trị, chăm sóc, hỗ trợ người bệnh COVID-19 nặng và rất nặng, phải bảo vệ bản thân an toàn thì mới có thể là chỗ dựa, giúp đỡ, hỗ trợ và đóng góp được nhiều nhất cho người bệnh, cho nhân dân trong giai đoạn khó khăn này.

30 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên được chọn đi đợt này được lựa chọn từ 74 người tình nguyện lên đường đều là những người có kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng chuyên môn vững, có thể đáp ứng tốt nhiệm vụ tại Trung tâm Hồi sức tích cực thuộc BV Việt Đức (trực thuộc Bệnh viện Dã chiến số 13).

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Đưa túi thuốc và gói an sinh đến tận tay người dân.


Lê Nguyên
Ý kiến của bạn