Vở diễn về Bác Hồ: Lan tỏa di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

19-05-2022 06:19 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhiều vở diễn sân khấu về Bác Hồ dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022), đã lan tỏa những giá trị tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người tới các khán giả.

Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ấn tượng bộ đôi ‘Nợ nước non’Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ấn tượng bộ đôi ‘Nợ nước non’

SKĐS - 2 tác phẩm nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh có cùng tên gọi ‘Nợ nước non’ vừa được giới thiệu đến công chúng trong những ngày tháng Năm lịch sử.

Lần đầu tiên nhạc kịch kể chuyện đời Bác Hồ, kịch ngắn gây ấn tượng

Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nhiều vở diễn do các đơn vị nghệ thuật nước ta thực hiện, tái hiện hình ảnh, câu chuyện gắn với Bác Hồ đã đến với khán giả dịp gần đây. Mặc dù chuyện về Bác Hồ nhiều người đã biết, đã thuộc từ trong sử sách nhưng thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, các nghệ sĩ kể lại theo cách riêng của mình, bảo đảm vở diễn mang tính nghệ thuật cao, khán giả thấy thuyết phục.

Bác Hồ

Cảnh trong "Người cầm lái"- tác phẩm nhạc kịch đầu tiên về Bác Hồ.

Người cầm lái - vở nhạc kịch về Bác Hồ do Nhà hát Công an nhân dân dàn dựng, vừa ra mắt tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã chinh phục khán giả khó tính nhất. Đại úy - diễn viên Lê Hồng Tuân đảm nhận vai diễn Bác Hồ từ khi là thanh niên Nguyễn Tất Thành tới khi là Già Thu. Theo chia sẻ của biên đạo múa Tuyết Minh, tổng đạo diễn nhạc kịch Người cầm lái, đây là lần đầu tiên hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng bằng ngôn ngữ nhạc kịch.

Vở nhạc kịch với 3 hồi Quê hương, Tiếng vọng non sông, Chuyến tàu định mệnh là cuốn phim quay chậm tái hiện cuộc đời Bác Hồ từ những năm tháng ấu thơ cho tới khi có những bước chuyển về nhận thức, nung nấu khát vọng giải phóng dân tộc và quyết bước chân lên chuyến tàu ở Bến Nhà Rồng để tìm đường cứu nước, chèo lái con thuyền cách mạng của dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi…

Bác Hồ 2

Đại úy, diễn viên Lê Tuân trong vai Nguyễn Tất Thành - Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc - Già Thu của nhạc kịch "Người cầm lái".

Qua nhạc kịch Người cầm lái, các nghệ sĩ đã làm nổi bật hình tượng vừa gần gũi vừa vĩ đại về Bác - người Anh hùng giải phóng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới và là vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam. Yếu tố để vở nhạc kịch chinh phục người xem bởi tác phẩm này có tất cả 200 diễn viên tham gia, sự mới lạ ở việc kết hợp truyền thống với hiện đại, có nghệ thuật opera hòa quyện với thi pháp thể loại của sân khấu truyền thống.

Trong khi đó, Nhà hát Kịch Việt Nam đem đến cho công chúng 3 vở kịch ngắn với những câu chuyện gần gũi, giản dị về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn kết là sức mạnh kể câu chuyện thời kỳ chống Pháp. Những chia rẽ nội bộ trong đơn vị bộ đội, sự đối lập giữa tính nghiêm minh và lòng trắc ẩn, vị tha đã được Bác Hồ "dàn hòa". Từ đó những cá nhân đơn lẻ tìm thấy con đường hòa vào cuộc chiến đấu chung.

Bác Hồ 3

Một cảnh trong vở kịch ngắn "Bác Hồ và mùa xuân".

Vở kịch ngắn Bác Hồ và mùa xuân lại cho thấy quan điểm gần dân, việc Bác quan tâm đến đời sống người nghèo. Với vở Đôi mắt sáng, đạo diễn NSƯT Tạ Tuấn Minh đã lại kể câu chuyện hậu chiến, khi người chiến sĩ trở về mù lòa tự cô lập mình, từ chối tình yêu cuộc sống. Cảm hứng sống của người chiến sĩ đã trở lại sau lần gặp Bác Hồ. Qua 3 vở kịch ngắn của Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng, các nghệ sĩ đã đưa hình tượng Bác Hồ đến với công chúng một cách thân thuộc, gần gũi, yêu thương.

"Tôi tin các tác phẩm sân khấu thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sẽ luôn luôn hấp dẫn khán giả" – NSƯT Lê Chức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, chia sẻ.

Bác Hồ luôn hết lòng vì dân, gần dân, quan tâm tới người yếu thế ở Lá đơn thứ 72

Đặc biệt phải kể đến vở kịch Lá đơn thứ 72 của Sân khấu Lệ Ngọc vừa đến với người dân Thủ đô Hà Nội. Vở diễn này do NSND Lê Tiến Thọ đạo diễn, dàn dựng dựa trên kịch bản của tác giả Hoàng Thanh Du. Lá đơn thứ 72 khai thác theo tư liệu có thật của luật sư Nguyễn Trọng Tỵ - nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, người đã tham gia giải mã nhiều vụ án oan sai.

Bác Hồ 4

Hình tượng Bác Hồ (nghệ sĩ Văn Hải đóng) trong vở "Lá đơn thứ 72".

Trong đó có vụ án năm 1966 của ông Đỗ Văn Chồi – người đảng viên từng là cán bộ địa phương đã phải lĩnh án tù vì tội danh giết người dù ông chỉ tình cờ có mặt tại hiện trường một vụ án. Trong suốt 8 năm ở trại cải tạo, ông Chồi liên tục gửi hơn 70 lá đơn kêu oan. Và đến lá đơn thứ 72, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được, vụ án mới được lật lại và ông Chồi được minh oan.

Ở vở diễn Lá đơn thứ 72, nguyên mẫu Đỗ Văn Chồi được đổi tên là Đỗ Minh, phải chịu ngồi tù đầy oan ức, liên tục viết thư kêu oan. Lá đơn kêu oan thứ 72 đến được với Hồ Chủ tịch, oan sai của nhân vật Đỗ Minh mới được hóa giải. "Chỉ là giấc mơ, một giấc mơ của một người dân bình thường. Vậy mà Người, Hồ Chủ tịch... Người đã quan tâm đến nhân dân. Người như là một vị thánh có thật trên đời này, để ra tay cứu những con người khốn khổ oan ức như tôi", lời thoại của nhân vật Đỗ Minh ở cảnh cuối vở Lá đơn thứ 72.

Bác Hồ 5

Hình tượng Bác Hồ được thể hiện xúc động trong vở kịch “Lá đơn thứ 72”.

Nhiều người đánh giá cao tài đạo diễn của NSND Lê Tiến Thọ vì ông đã chọn được những lát cắt đắt giá để làm nổi bật hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở Lá đơn thứ 72. Bác với bộ quần áo ka-ki giản dị, quen thuộc ngồi làm việc trên chiếc ghế mây ở Phủ Chủ tịch. Bác luôn trăn trở việc nước, việc dân. Khi cấp dưới làm việc còn thiếu sót, Người lập tức chấn chỉnh nhẹ nhàng mà thấm thía.

Ở vở diễn Lá đơn thứ 72 cũng cho thấy hình ảnh Bác Hồ sát sao với đời sống nhân dân khi đến các địa phương để tìm hiểu về cuộc sống của người dân. Bác luôn mong muốn người dân được sống trong ấm no, hạnh phúc.

Bác Hồ 6

"Lá đơn thứ 72" cho thấy hình ảnh Bác Hồ gần dân, quan tâm tới người yếu thế.

Trên hết, tác phẩm đã khắc họa chân thực nhất, thuyết phục nhất về "Người cha già" luôn hết lòng vì dân, vì nước, gần dân, quan tâm tới người yếu thế nhất. Và qua Lá đơn thứ 72, đồng thời thúc đẩy thế hệ hôm nay đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy tặng tranh Bác Hồ tại Bộ Tư lệnh Hải quânHọa sĩ Nguyễn Thu Thủy tặng tranh Bác Hồ tại Bộ Tư lệnh Hải quân

SKĐS - Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, hôm nay, 19/5, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy đã tặng Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân bức tranh sơn dầu Chân dung Bác Hồ đội mũ hải quân và phác thảo Tranh gốm Bác Hồ với các lực lượng Hải quân và ngư dân.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn