Đào núi khai thác quặng trên cao 700m, khoét ngạch dẫn thải xuống bể chứa be bờ đắp đất cẩu thả, kết quả là sáng 9/3/2017, vỡ bờ, một “thác bùn” hàng trăm mét khối tràn xuống dòng suối và đồng ruộng của các hộ dân bên dưới. Sông ngập bùn đen, cá thi nhau “phơi bụng”, người dân lại hoang mang với câu hỏi: Cái quy trình phá hoại môi trường theo kiểu “làm ẩu - sự cố - khắc phục - làm tiếp” của các công ty khai thác quặng, khoáng sản liệu còn đeo đẳng đến bao giờ?
Thác bùn thải “nhân tạo”
Sáng 9/3, người dân các xã Châu Thành, Châu Cường, Châu Quang của xã Quỳ Hợp, Nghệ An bất ngờ phát hiện trên dòng suối Bắc, dòng Nậm Huống - hệ thống đầu nguồn chính của sông Dinh (Quỳ Hợp) nhiều bùn đen quánh và nước thải màu vàng tràn xuống. Lần theo dấu vết, người ta phát hiện bể chứa chất thải của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc (thuộc Công ty cổ phần kim loại màu Nghệ Tĩnh) đã bị vỡ.
Vị trí đập chứa bùn thải nằm cheo leo ở độ cao khoảng trên 600m, trên đỉnh Lan Toong. Sau khi bể chính bị vỡ, đã có hàng trăm m3 bùn và chất thải tràn ra ngoài theo sông suối đổ xuống hạ lưu. Việc vỡ đập chứa bùn thải đang ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân, môi trường các xã Châu Thành, Châu Cường, Châu Quang của huyện Quỳ Hợp.
Bể chứa lớn, lại đắp đất cẩu thả, sự cố vỡ đập đã được báo trước.
Bể chứa bùn thải quặng vừa bị vỡ có thiết kế khoảng 10.000m3, tuy nhiên, thân bể chỉ được đắp bằng đất. Cung cách xử lý cẩu thả, thủ công của doanh nghiệp này hiện rõ khi bùn thải được đổ ra từ nơi sàng tuyển thiếc, đi qua các mương đất lộ thiên lót bao bố tạm bợ rồi đổ thẳng xuống đập chứa. Bùn vương vãi, ròng ròng khắp nơi. Trung bình mỗi ngày xí nghiệp này nghiền khoảng 30m3 khối đất đá để lấy quặng thô, tương đương với 10m3 bùn thải quặng tuồn về bể chứa. Và cách xử lý khi khối lượng bùn thải tăng lên là công ty lại lấy đất đắp cao thân bể lên.
Một cán bộ môi trường xã Châu Thành phân tích: “Cung cách đắp đập đất thủ công như thế này để chứa bùn thải hết sức nguy hại. Chưa nói đến nguy cơ vỡ đập có thể xảy đến bất cứ lúc nào thì với việc đường vận chuyển từ núi cao xuống không có, một khi đập hết sức chứa, doanh nghiệp sẽ lợi dụng thời tiết để xả thải bùn xuống khe và sườn núi…”.
Ngoài sự cố trên, đại diện UBND xã Châu Quang còn bức xúc cho biết, từ nhiều năm nay, 22/26 xóm dân cư của xã Châu Quang bị ảnh hưởng nặng nề bởi nguồn nước ô nhiễm mà nguyên nhân là do Xí nghiệp thiếc Suối Bắc xả thải. Biểu hiện cụ thể nhất là những diện tích gieo cấy lấy nước trực tiếp của nguồn nước không qua lắng lọc nên lúa đều không thể phát triển, rễ cây lúa quắt lại, thâm đen và còi cọc, dân đã phản ánh về nguồn nước ô nhiễm nhiều lần nhưng chưa được giải quyết.
Đừng nghe doanh nghiệp “hứa”
Để được cấp phép khai thác khoáng sản thiếc tại núi Lan Toong, xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp, Công ty CP kim loại màu Nghệ Tĩnh từng cam kết thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường bằng những báo cáo đánh giá tác động môi trường và dự án cải tạo, phục hồi môi trường rất tuyệt vời gửi đến các cơ quan chức năng. Trong đó, công ty “hứa” sẽ xây dựng 2 hồ chứa bùn (đập chứa) với khả năng chứa thải là 521.536m3. Riêng với hồ chứa tại nơi khai thác, xây dựng đập cao 15m, mặt đập rộng 4m, được đào rãnh và xây kè tràn xả lũ bằng đá hộc và xi măng mác 75… với khả năng chứa thải lớn sẽ lưu giữ được toàn bộ lượng thải từ quá trình hoạt động của mỏ. Nước thải sẽ chảy vào hồ lắng. Tại đây, phần lớn chất rắn lơ lửng trong nước bị lắng đọng, sau khi kết thúc dự án, bùn cát chưa thể lấp đầy hồ chứa nên vào mùa mưa, dòng chảy của suối không bị cản trở.
Nhưng thực tế thế nào chắc ai cũng đã biết. Có mặt ở hiện trường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An - ông Hồ Sỹ Dũng cho biết, về mặt thiết kế an toàn đập chứa, Công ty CP kim loại màu Nghệ Tĩnh chưa thực hiện cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Nguyên nhân vỡ đập chứa bùn theo ông Dũng là do thân đập được làm bằng đất ngấm nước nên không đủ sức chịu tải, bị vỡ và nứt, sụt.
Trả lời báo chí, ông Vi Thanh Tường - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, vào tháng 4/2016, cũng tại vị trí đập chứa chất thải bị vỡ này cũng đã xảy ra tình trạng bị rò rỉ. Ngay sau khi phát hiện, UBND huyện và xã Châu Thành đã tiến hành lập biên bản và yêu cầu đơn vị này xử lý, khắc phục sự cố.
Những doanh nghiệp khai thác khoáng sản, xây dựng, sản xuất công nghiệp… vẫn thường hứa đủ điều với địa phương và người dân trong việc đảm bảo môi trường, an toàn xử lý chất thải. Tuy nhiên, những cam kết đó không khác chi lời hứa “học chăm chỉ” của… những đứa trẻ mải chơi với cha mẹ. Bài học từ vụ vỡ đập bùn thải của các doanh nghiệp khai thác than ở Mông Dương, Quảng Ninh hồi năm 2015 là rất giống với quy cách cẩu thả, vô trách nhiệm của Xí nghiệp thiếc Suối Bắc nói trên.
Nếu chỉ trông chờ vào sự cam kết của các doanh nghiệp mà thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên thì những sự cố kiểu này sẽ còn tái diễn. Ở vụ việc trên, rõ ràng là ngoài trách nhiệm từ phía đơn vị khai thác trực tiếp, câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của những cơ quan giám sát môi trường địa phương như phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp, Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An và Sở TN&MT tỉnh Nghệ An ở đâu khi nguy cơ vỡ đập chứa bùn này là hiện hữu và hoàn toàn có thể lường trước được?