Vợ của bác sĩ...

08-03-2019 08:38 | Y tế
google news

SKĐS - Ai muốn làm vợ của bác sĩ nhỉ? Ngày xưa các cụ muốn gả con gái cho bác sĩ lắm.

Bố tôi kể thời Pháp thuộc: Thầy Tùng, thầy Thạch, thầy Chung khi còn là sinh viên Trường Y đã có nơi muốn gả con gái cho rồi. Ông đốc (docteur) hay quan đốc thời đó thật có giá: Là con cái nhà giàu rồi lại lấy vợ nhà giàu, có lương cao, có phòng mạch ngay sau khi ra trường. Rất nhiều dinh thự của các thầy vẫn còn đến bây giờ (tuy đã hiến cho Nhà nước một phần), các câu chuyện về cuộc sống sung túc trước khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra vẫn lưu truyền đến ngày nay.

Lớp người như bố tôi là học sinh kháng chiến. Sau giải phóng Thủ đô mới nhập học Trường Y. Chẳng có ai sung sướng hơn ai ở thời đó. Anh nhà giàu thì phải đi “vô sản hóa” hòa nhập với công nông. Anh nhà nghèo thì vẫn nghèo hơn những anh kia ở thành phần giai cấp. Sinh viên y nào có điều kiện hơn sẽ có chiếc xe đạp để tung tẩy đi học, vài bộ quần áo đẹp để diện phố, ăn quà vặt nhiều hơn chúng bạn và tất nhiên bác sĩ không phải là của hiếm để nhà giàu săn đón.

Nhờ những người vợ biết hy sinh, chăm lo cho gia đình mà các bác sĩ yên tâm công tác.

Nhờ những người vợ biết hy sinh, chăm lo cho gia đình mà các bác sĩ yên tâm công tác.

Những bà vợ của bác sĩ thời đó cũng bình dân hơn, đẻ nhiều và vất vả khó tả xiết. Không có thu nhập thêm, công việc đan len, xay đậu phụ hay bán hàng của mẹ tôi không đủ để nuôi 4 đứa con đẻ liền tù tì trong 5 năm. Của cải tích được khi đi lấy chồng là vài chỉ vàng cũng bán dần đi ăn hết cả. Hậu quả của những năm sơ tán chống Mỹ, đông con, mất việc làm là căn nhà mua phải bán đi chuyển thành đi thuê nhà rồi cuối cùng là 10m2 trong nhà tập thể của bệnh viện. Cuộc sống cực nhọc, bù lại, bà có chúng tôi ngày càng phổng phao, ngoan ngoãn và học giỏi. Sức khỏe ngày càng tàn tạ, công việc cuối cùng của mẹ để kiếm tiền là trông trẻ con - một hình thức mẫu giáo tại gia. Công việc đó kèm thêm mấy nghề phụ thủ công giúp nhà tôi lần hồi qua thời bao cấp gian khó. Mẹ tiết kiệm lắm nhưng miếng ngon cho chồng đem cơm đi làm, quả trứng lạng thịt cho 4 đứa con cũng tạm đủ để bố tôi có thể làm việc ở viện, chúng tôi khỏi gầy trơ xương hay suy dinh dưỡng. Bộ quần áo của bố luôn là lành nhất, không có miếng vá. Cặp lồng cơm của ông được nhiều thức ăn nhất. Chúng tôi tị nạnh, mẹ rưng rưng nước mắt mà rằng: Phải ưu tiên cho bố mày còn đi làm cho Nhà nước, ông ấy còn dạy học và bảo ban chúng mày, mẹ chỉ nuôi các con thôi chứ không dạy được như bố...

Chúng tôi thi vào y rồi học nghề y, mẹ không có ý kiến gì. Sao biết là nghèo, là vất vả mà mẹ cũng không cản? Thế là hàng ngày mẹ phải chuẩn bị 2 cặp lồng cơm: 1 cho tôi đi học, đi trực bệnh viện; 1 cho bố. Mẹ cứ âm thầm nhường mãi, hy sinh mãi...

Ngày mới yêu, vợ tôi hay đem cho tôi quả quít, chai nước, cái bánh mỗi đêm trực. Tôi cảm kích và tự hào với tua trực lắm! Rồi lâu lâu tôi cũng phải nói thật với nàng: Anh còn vài chục năm trực nữa, em có mang đồ ăn cho anh mãi được hay không? Cảm ơn em, anh tự lo được, em để sức mà lo công việc, gia đình hai bên, con cái sau này... Vợ tôi thuộc tuýp người mới, con một nhưng không được chiều. Cả tuổi thơ cũng khó nhọc như tôi khi là con của bố mẹ đều làm công nhân, nhà máy giải thể rồi nghỉ hưu non. Phụ giúp cha mẹ kiếm thêm tiền từ bé, là sinh viên cũng phải đi dạy thêm. Lấy một bác sĩ mới vào Viện Mắt như tôi cũng có thể coi là dũng cảm. Mấy năm làm ngoài công ty nước ngoài tôi chẳng giữ được khoản nào gọi là vốn liếng. Vào viện khi tuổi đã 35, tôi phải nhanh chóng học lên cho bằng chúng bạn, ngoại ngữ cũng được nâng cấp rất nhanh nhờ vợ dạy cho, chịu khó làm bài tập do vợ giao. 1 năm tôi xa nhà du học ở Pháp, vợ tôi một mình chăm con, chăm bố mẹ hai bên. Không thư nào nàng than vãn vất vả, luôn khuyên chồng không phải tiết kiệm gửi tiền về, cứ chi tiêu thoải mái và giữ gìn sức khỏe. Khoái quá, tôi tha hồ đi du lịch và mua sắm. Rồi cháu thứ hai ra đời. Vẫn vậy, đó là sự chịu đựng, hy sinh, tôn trọng và vun đắp cho sự nghiệp của chồng. Nàng không học cao lên, bỏ nhiều chuyến tu nghiệp nước ngoài, nhường hết cho tôi. Tôi vẫn tự hào với chúng bạn là không bị vợ sờ ví bao giờ, thẻ tín dụng của tôi không bị tịch thu như nhiều anh khác... Cũng có lúc tranh cãi nảy lửa nhưng bình tĩnh lại tôi cũng cảm ơn số phận đã cho tôi một người vợ có lúc nóng tính và đanh đá nhưng nhìn chung là dễ chịu, vượng phu - ích tử.

Dịp 8/3 này. Muôn nẻo đường sẽ là hoa và quà cho phái nữ. Bó hoa cúc trắng là thứ tôi thường mua cắm lên bàn thờ mẹ vào ngày này. Đã lâu không mua hoa cho vợ, nhưng năm nay nhất định tôi sẽ có. Cảm ơn những người vợ bác sĩ!


BS. Hoàng Cương
Ý kiến của bạn