Cuối năm 1987, sau khi tốt nghiệp khóa y sĩ tại Trường Trung học y tế Đồng Tháp, anh Trí kết duyên với chị Lan Hương, quê ở thành phố Cao Lãnh, là bạn học chung trường. Mặc dù, được phân công làm việc tại tỉnh, nhưng anh Trí cùng vợ mới cưới quyết tâm tình nguyện về huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, để khám, chữa bệnh và phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân… Vợ chồng trẻ này được phân công nhiệm vụ tại Trạm y tế xã Phú Hiệp!
BS. Trí nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Một thời gian khổ…
Lúc bấy giờ, điều kiện sinh hoạt, công tác ở đây vô cùng khó khăn, khắc nghiệt. Đời sống người dân rất nghèo khổ, trình độ học vấn hạn chế, giao thông đi lại còn nhiều cản trở, không có đường bộ - chỉ đi lại bằng đường thủy. Mỗi ngày, từ xã muốn ra huyện chỉ có một chuyến đò. Nếu trễ đò thì phải đi bộ trên con đường mòn, qua nhiều cầu tre lắc lẻo… rất mất thời gian, công sức. Xã không có trụ sở Trạm y tế, vợ chồng anh Trí, chị Hương phải ở nhờ nhà của Phó chủ tịch UBND xã để tiện công tác. Nhà có 2 chiếc giường tre, vợ chồng và 2 đứa con anh Phó chủ tịch sử dụng 1 chiếc, nhường 1 chiếc cho vợ chồng anh Trí - chị Hương. Công tác chưa đầy một năm, anh Trí được UBND xã cất cho một căn phòng 16m2 bằng tre lá vừa để ở, vừa để làm việc. Mặc dù cơ sở vật chất, y dụng cụ còn nhiều thiếu thốn, nhưng mỗi năm, anh Trí và chị Hương phải khám - chữa bệnh, đỡ đẻ cho hàng ngàn lượt người dưới ánh đèn dầu tranh tối - tranh sáng vào ban đêm để chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân!
Anh Trí nhớ lại: “Tôi còn nhớ như in, những trường hợp cấp cứu người bệnh và người bị chấn thương, vợ tôi thì loay hoay cầm cái đèn dầu, còn tôi thì lo cấp cứu, khám - chữa bệnh, băng bó vết thương… Lúc sản phụ trở dạ, vợ tôi lo đỡ đẻ, còn tôi vừa cầm đèn dầu vừa phụ chăm sóc đứa bé mới chào đời… Những công việc mà ở trường Y tế chúng tôi chưa từng học, chỉ có học và thực hành ở Trường đời! Còn vào những ngày mưa dông - bão lũ thì vô cùng khủng khiếp, gió lốc, sấm sét nổi lên ầm ầm, nước lũ dâng cao… Trạm y tế bị nước ngập sâu, xuồng bệnh nhân vào thẳng cửa trạm, người bệnh trên xuồng, vợ chồng tôi đứng dưới nước khám bệnh, đỡ đẻ là chuyện bình thường”.
Vợ chồng thầy thuốc Trần Hữu Trí - Lan Hương
Anh Trí quay sang nhìn vợ rồi kể tiếp: “Gian nan, vất vả là thế, nhưng bù lại: có nhiều bà con vì yêu quý mình, cho dù gia đình rất nghèo, ban đêm phải đi soi từng con ếch, câu từng con cá… nhưng khi bắt được cá lớn, có một mớ khô ngon, một lít gạo, một rổ khoai… cũng mang đến nhà tôi để tặng. Nếu không nhận thì họ giận, không chịu về nên đành phải nhận cho họ vui. Xúc động nhất là khi tôi và hơn 10 thầy thuốc trong đoàn thực hiện đề tài nghiên cứu mô hình sức khỏe - bệnh tật cho người dân khoảng 2 tháng. Vậy mà hằng ngày đều được bà con trong xã đăng ký nấu ăn phục vụ miễn phí, không nề hà công lao, chi phí… Cuộc sống thật có ý nghĩa và hạnh phúc biết bao khi mình đã cống hiến và làm được việc có ích cho bà con”.
Anh Trí, chị Hương lúc bấy giờ chỉ mới là y sĩ, nhưng hai người luôn được mọi người thương yêu, tín nhiệm. Bởi anh, chị sống rất hòa đồng, luôn nỗ lực vượt khó và phấn đấu không ngừng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ khi anh Trí, chị Hương có mặt tại địa phương thì chuyện khám - chữa bệnh, sinh đẻ có kế hoạch, chăm sóc sức khỏe nhân dân đã được thay đổi theo hướng khoa học. Người dân không còn phải chịu sự may rủi khi phải “đi biển mồ côi một mình” hay chữa bệnh theo kiểu “mê tín dị đoan”, cúng vái, cầu khẩn Phật, trời che chở cho mau hết bệnh.
Công tác được 5 năm, vào năm 1991, y sĩ Lan Hương được điều động đến đảm nhiệm chức vụ Phó trưởng Trạm y tế xã Phú Đức. Năm 1993, y sĩ Lan Hương kiêm nhiệm luôn vai trò Phó trưởng Ban chuyên trách dân số - KHHGĐ xã Phú Đức cho đến năm 2013. Còn năm 1991, y sĩ Trần Hữu Trí được điều động đến đảm nhiệm chức vụ Trưởng Trạm y tế xã Tân Công Sính, cũng là một xã vùng sâu của huyện Tam Nông (chưa có trụ sở Trạm y tế). Một lần nữa, anh Trí phải ở và làm việc nhờ trong trụ sở Ban chỉ huy Quân sự xã. Vậy mà mỗi năm, y sĩ Trí phải khám - chữa bệnh cho hàng trăm lượt người trong điều kiện thiếu thốn - khó khăn mọi bề để giành giật lại sự sống từ tay tử thần. Nhiều loại dịch bệnh như: sốt xuất huyết, tả, lỵ, tiêu chảy, thương hàn… đã kịp thời được khống chế, đẩy lùi. Y sĩ Trí đã trở thành niềm tin, là chỗ dựa vững chắc của người bệnh và nhân dân nơi đây.
Vợ làm hậu phương, chồng tiếp tục “thăng tiến”
Đến năm 1994, thị trấn Tràm Chim được thành lập trên cơ sở chia tách từ xã Tân Công Sính. Y sĩ Trí được phân công làm Trưởng Trạm Y tế thị trấn Tràm Chim. Với mong muốn được trang bị kiến thức chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu chẩn đoán và điều trị bệnh nhân ngày càng cao…công tác được 6 năm, y sĩ Trí quyết định đi học chuyên tu bác sĩ 3 năm. Hoàn thành khóa học năm 2003, BS. Trần Hữu Trí ra trường trở về quê nhà và được phân công làm Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Nông. Đảm nhận nhiệm vụ không lâu, vào năm 2006, BS. Trí được đề bạt làm Phó trưởng Phòng Y tế huyện Tam Nông. Từ năm 2009 đến nay, BS. Trí được phân công là Phó giám đốc rồi làm Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Nông. Đây là trọng trách khá nặng nề! Tuy nhiên, với tinh thần đầy trách nhiệm của một thầy thuốc, không ngại khó khăn - nguy hiểm, BS.CKI. Trần Hữu Trí luôn rèn luyện đức - tài, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực - năng nổ trong công tác, vượt lên chính mình… để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của mọi người.
Đã có thâm niên công tác tại Trạm y tế xã - thị trấn nên BS. Trí rất trăn trở và thấu hiểu với những khó khăn, thiếu thốn và sự thiệt thòi của người dân khi thụ hưởng với dịch vụ y tế… Từ đó, BS. Trí đã có kế hoạch tham vấn trực tiếp sát thực với lãnh đạo ngành Y tế cấp trên, đề xuất cụ thể với cấp Ủy - UBND huyện kịp thời xây dựng nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, trang bị máy móc - thiết bị - y cụ dụng hiện đại… phục vụ tốt công tác khám - chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đến nay, ở Tam Nông, đa số các y, bác sĩ, dược sĩ… đều được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, luôn tận tâm phục vụ người bệnh. Các trạm y tế xã - thị trấn đều có bác sĩ, nữ hộ sinh - y sĩ sản nhi, dược sĩ trung học và y sĩ y học cổ truyền; 12 trạm y tế được xây dựng đạt chuẩn quốc gia - ngoài các y cụ thông thường, các trạm y tế này còn được trang bị thêm thiết bị hiện đại như: máy siêu âm, máy đo điện tim, máy tổng phân tích nước tiểu... để chăm sóc người bệnh được thuận tiện hơn. Nổi bật là trụ sở Trung tâm y tế huyện Tam Nông đạt chuẩn quốc gia cũng được xây dựng khang trang, góp phần thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, khám - chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân… BS.CKI. Trần Hữu Trí còn tích cực tham gia và chủ trì thực hiện trên 10 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở đánh giá tốt và 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh đang thực hiện và được hội đồng khoa học tỉnh đánh giá rất cao! BS. Trí còn vận động đội ngũ thầy thuốc Trung tâm Y tế huyện luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức theo 12 điều Y đức và 10 điều Dược đức; nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ - chăm sóc sức khỏe nhân dân gắn với việc triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống tham ô - lãng phí - quan liêu trong toàn Trung tâm Y tế huyện Tam Nông và các Trạm Y tế xã - thị trấn.
Đối với y sĩ Lan Hương, ở vùng quê xã Phú Đức, chị luôn thấu hiểu cảnh nghèo đói của nhiều hộ dân là sinh đẻ nhiều nên chị đã làm việc rất tích cực, không quản ngại gian nan, vất vả. Với tấm lòng đam mê và bằng sự kiên trì, xông xáo, quyết tâm phấn đấu, nỗ lực thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao. Y sĩ Lan Hương tâm sự:
“Trải qua hơn 25 năm công tác trong ngành Y tế và 20 năm phụ trách chương trình dân số - KHHGĐ, có rất nhiều lần tôi trực tiếp đi tuyên truyền, vận động thực tế, tiếp xúc với nhiều đối tượng, giáo dục, thuyết phục người dân tự nguyện chấp nhận áp dụng quy mô gia đình ít con - khỏe mạnh - hạnh phúc-giàu có. Từ đó, tôi đã tích lũy được khá nhiều kiến thức bổ ích và những kinh nghiệm quý để vận dụng vào nhiệm vụ kịp thời, đúng lúc và đạt hiệu quả cao. Là y sĩ sản nhi, tôi có điều kiện tiếp xúc, gần gũi với nhiều phụ nữ nên được nhiều chị em tin tưởng. Khi chị em đến sinh nở hoặc khám phụ khoa, tôi tranh thủ tìm hiểu hoàn cảnh, cuộc sống… Và khi nắm chắc đối tượng rồi mới đi vận động. Ít khi nào mình nói một lần mà họ nghe, phải nhiều lần giải thích, động viên, phân tích lợi - hại, họ mới đồng ý đi triệt sản. Nếu lúc vận động, gặp đối tượng phản ứng quyết liệt, tôi sẵn lòng cảm thông và bình tĩnh tìm mọi cách giúp đỡ đối tượng vượt qua khó khăn; tuyên truyền, thuyết phục đối tượng hiểu rõ về chính sách KHHGĐ là thiết thực và lợi ích cho gia đình mình. Vận dụng phương châm “mưa dầm thấm sâu”, “lạt mềm buộc chặt”…, tôi kiên trì giải thích cho đối tượng hiểu: nếu để sinh con nhiều thì sẽ có tác hại cho bà mẹ và trẻ em; rồi sẽ ảnh hưởng đến kinh tế gia đình và xã hội. Tiếp đó, tôi dẫn chứng cụ thể về trường hợp của những người đã áp dụng triệt sản trước, đến nay tình trạng sức khỏe và sinh hoạt vợ chồng vẫn bình thường; đời sống vật chất, tinh thần đã được cải thiện; con cái đều được học hành; gia đình đã hạnh phúc hơn trước… Và sau khi đối tượng đi triệt sản về nhà, tôi cùng với cộng tác viên thường xuyên đến thăm hỏi, động viên và giúp đỡ đối tượng… Từ đó, đã tạo được niềm tin cho mọi người”.
Chính sự kiên trì, bền bỉ như thế, y sĩ Lan Hương luôn nhẹ nhàng thuyết phục, không chỉ bằng lời nói mà bằng cả việc làm cụ thể nên nhận thức của nhân dân về công tác dân số-KHHGĐ đã được chuyển biến tích cực, nâng cao. Năm nào công tác dân số - KHHGĐ ở xã Phú Đức cũng đạt và vượt chỉ tiêu trên giao.
Vợ chồng BS. Trí và 2 con trai trước nhà riêng
BS. Trí bày tỏ: “Tôi đang theo học năm cuối chuyên khoa II. Cho dù ở bất cứ nơi đâu, đảm trách nhiệm vụ gì, vợ chồng tôi đều nương tựa, dìu dắt và động viên nhau cùng vượt qua khó khăn-hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, giữ vững phẩm chất cao quý của người thầy thuốc, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân, giữ gìn mạng sống quý giá của con người”.
Trải qua quá trình công tác, vợ chồng BS. Trí và y sĩ Hương đã đóng góp nhiều công sức, tài trí của mình cho thành tích chung của sự nghiệp phát triển ngành Y tế địa phương, đáp ứng kịp thời nhu cầu bảo vệ - chăm sóc sức khỏe nhân dân. BS.CKI. Trần Hữu Trí đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen… BS. Trí đang được đề nghị tặng thưởng danh hiệu cao quý “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” vào cuối năm 2015. Y sĩ Lan Hương đã vinh dự được tặng thưởng huy chương “Vì sự nghiệp dân số” và nhiều bằng khen, danh hiệu cao quý. Các bằng khen, giấy khen, danh hiệu cao quý của Trung ương và địa phương trao tặng cho vợ chồng BS. Trí - Hương trong những năm qua không chỉ là niềm vinh dự lớn lao, minh chứng cho tấm lòng hy sinh thầm lặng của đôi vợ chồng này mà tình cảm yêu mến, niềm tin mãnh liệt của người dân - bạn bè đồng nghiệp đối với vợ chồng thầy thuốc Trí - Hương là phần thưởng cao quý, là động lực mãnh liệt giúp cho đôi phu thê này thêm sức mạnh để cùng nhau bước tiếp trên con đường chăm sóc sức khỏe nhân dân.
TTƯT.BS. Võ Thị Tâm (đã nghỉ hưu, lãnh đạo cũ của BS. Trí và y sĩ Hương nhiều năm liền) nhận xét: “Vợ chồng bác sĩ Trí - Hương là tấm gương sáng về y đức và lòng chung thủy - sắt son. Dù trong gian khó, khổ cực, hai vợ chồng vẫn bền lòng, vững chí vượt qua, tận tâm với nghề, thầm lặng hy sinh, cống hiến trọn cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp dân số-KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vợ chồng BS. Trí - Hương thật xứng danh “Lương y như từ mẫu”.