Hà Nội

Vợ chồng người dân tộc mày mò làm TikTok bán nông sản thu trăm triệu mỗi tháng

08-11-2023 21:41 | Xã hội
google news

SKĐS - Ít ai nghĩ đôi vợ chồng trẻ người dân tộc vốn quanh năm gắn bó với nương rẫy, núi rừng lại có thể tự mày mò làm TikTok, livestream bán hàng nông sản thu trăm triệu mỗi tháng.

Chiều 8/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức Chương trình Gala "Gia đình trẻ hạnh phúc" năm 2023, biểu dương 15 gia đình trẻ tiêu biểu toàn quốc và ra mắt Mạng lưới đồng hành xây dựng "Gia đình trẻ hạnh phúc".

15 gia đình trẻ tiêu biểu được biểu dương năm nay là những thành viên đầu tiên của mạng lưới. Họ tham gia mạng lưới như những hạt nhân để lan tỏa giá trị của hạnh phúc gia đình.

Đáng chú ý là gia đình anh Lường Quang Đại – chị Lý Thị Xuân ở thôn Tổng Ngay, xã Dương Phong, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn. Chồng là người dân tộc Tày, vợ là người dân tộc Dao, với họ hạnh phúc chỉ đơn giản là được "cùng nhau lên nương". Anh chị đã mày mò làm TikTok để quảng bá hình ảnh, văn hóa và bán các sản phẩm sẵn có của địa phương để cải thiện kinh tế tăng thu nhập cho gia đình.

Anh Lường Quang Đại và chị Lý Thị Xuân làm TikTok để quảng bá hình ảnh, văn hóa và bán các sản phẩm sẵn có của địa phương, từ đó cải thiện kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình.

Anh Đại chia sẻ, cuộc sống của vợ chồng anh chị đã thực sự thay đổi 2 năm trở lại đây khi anh Đại "biết chơi" TikTok. "Lướt TikTok nhiều, tôi nảy ra ý tưởng chia sẻ về cuộc sống của người nông dân ở vùng núi. Thế là tôi tự mày mò, học hỏi cách quay dựng để làm thành những video ngắn vui vui nói về chính cuộc sống và những công việc hằng ngày của mình như đi bắt cá suối, nướng khoai, sắn ăn bữa trưa trên rừng… Không ngờ, những video được đưa lên kênh "Đại Bắc Kạn" lại nhận được sự tương tác của nhiều người…", anh Đại kể.

Một thời gian sau, anh có ý tưởng quảng bá nông sản, bán các sản vật của địa phương trên mạng. Anh vận động vợ tham gia để chia sẻ về cuộc sống gia đình. Ngoài nội dung hấp dẫn, vợ chồng anh Đại còn mang lại nhiều tiếng cười và giây phút thư giãn cho người xem qua những câu chuyện, hình ảnh hạnh phúc, đáng yêu. Có những video của anh đã đạt tới triệu view.

Bước ngoặt thay đổi cuộc đời anh là thời điểm tháng 6/2022, anh được tham gia chương trình của Trung ương Đoàn phối hợp TikTok tập huấn cho thanh niên nông thôn bán hàng trên Chợ phiên OCOP. Từ đó, anh được đi giao lưu, học hỏi và mở kênh bán các mặt hàng nông sản của địa phương trên nền tảng này, đã cho doanh thu lên tới 200 triệu đồng/tháng.

"Nếu trừ hết chi phí, tôi cũng được lãi đến 100 triệu đồng, bằng cả năm thu nhập của một nông dân ở nông thôn" - anh "Đại Bắc Kạn" nói.

Vợ chồng người dân tộc mày mò làm TikTok bán nông sản thu trăm triệu mỗi tháng - Ảnh 2.

Vợ chồng người dân tộc mày mò làm TikTok bán nông sản thu trăm triệu mỗi tháng - Ảnh 3.

Vợ chồng người dân tộc mày mò làm TikTok bán nông sản thu trăm triệu mỗi tháng - Ảnh 4.

Vợ chồng người dân tộc mày mò làm TikTok bán nông sản thu trăm triệu mỗi tháng - Ảnh 5.

Vợ chồng anh Đại cho hay, nhờ biết ứng dụng công nghệ, anh chị đã thay đổi cuộc đời mình.

Tại Gala "Gia đình trẻ hạnh phúc", ông Nguyễn Kim Quy - Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam cho biết, chủ đề của chuỗi chiến dịch truyền thông xây dựng Gia đình trẻ hạnh phúc là "Chạm để yêu thương", nhằm gửi gắm tâm huyết và những thông điệp sâu lắng của những người tổ chức.

"Gia đình nào cũng vậy, sẽ có những lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, nhưng những cặp vợ chồng trẻ hãy nhớ "Chạm để yêu thương", chạm để gắn kết. Chúng tôi mong muốn các bạn trẻ sẽ trân trọng giá trị của tình cảm gia đình, giá trị của tình yêu lứa đôi, để cùng đồng hành, sẻ chia và vượt qua bất đồng trong hành trình xây dựng và gìn giữ mái ấm của mình", anh Quy chia sẻ.

Vợ chồng người dân tộc mày mò làm TikTok bán nông sản thu trăm triệu mỗi tháng - Ảnh 6.

Biểu dương 15 gia đình trẻ tiêu biểu toàn quốc và ra mắt Mạng lưới đồng hành xây dựng "Gia đình trẻ hạnh phúc".

Lan tỏa yêu thương từ những sản phẩm thủ công của người khuyết tậtLan tỏa yêu thương từ những sản phẩm thủ công của người khuyết tật

SKĐS - Kymviet là ngôi nhà chung gắn bó con người tràn đầy nghị lực sống. Tạo hóa đã lấy đi của họ giọng nói, tai nghe, nhưng họ vẫn có thể sẻ chia yêu thương bằng ngôn ngữ ký hiệu. Số phận đã mang theo sự khiếm khuyết về cơ thể nhưng lại bù đắp cho họ một ý chí, một tâm hồn thật tuyệt vời.


Đăng Hải
Ý kiến của bạn