Vợ chồng lương y gieo lòng tốt, gặt thân thiện

11-11-2013 11:03 | Y tế

Vợ chồng lương y Nguyễn Minh Lý (ấp 4, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) cả đời trị bệnh cứu người và chở che 14 mảnh đời bất hạnh. Y thuật cao, nhưng họ không xem đó là cơ hội làm giàu. Ngược lại, họ “nghèo đi”, sống nửa đời ở đậu và tận tâm cứu người giúp đời.

Vợ chồng lương y Nguyễn Minh Lý (ấp 4, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) cả đời trị bệnh cứu người và chở che 14 mảnh đời bất hạnh. Y thuật cao, nhưng họ không xem đó là cơ hội làm giàu. Ngược lại, họ “nghèo đi”, sống nửa đời ở đậu và tận tâm cứu người giúp đời.

“Lúc về chiều”, hai vợ chồng ông đã có căn nhà riêng khang trang từ sự giúp đỡ của những tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” trong thiên hạ. Trưa tháng bảy, cái nắng chang chang ở nơi cửa biển làm sáng thêm ngôi nhà mới của vợ chồng ông Nguyễn Minh Lý (thường gọi Tư Lý). Căn nhà nằm gần cuối một con đường đất ngoằn ngoèo. Ngoài hành lang nhà, nhiều bệnh nhân chờ đến lượt vào trị bệnh. Ông Tư Lý đang châm cứu trị chứng đau lưng cho một thanh niên ngoài 20 tuổi. Vợ ông Tư Lý - bà Quách Kim Kía cùng con gái út đang may mùng (màn) theo đơn đặt hàng.

Không tin nổi!

Vừa xếp mùng, bà Kía vừa nói: “Đến giờ tui vẫn không tin là mình đã có nhà riêng”. Tiếng máy may điện chạy ro... ro như một thứ âm thanh trong trẻo hòa cùng niềm vui nhà mới. Dừng tay, bà Kía đưa tôi đi tham quan ngôi nhà “có mơ cũng không dám nghĩ đến”. 24 năm ở đậu với 16 lần dời nhà, đôi vợ chồng tuổi 66 này thấm thía được nỗi khó khăn, bất tiện cảnh ở nhà không “chính chủ”. Dời nhà lui tới nhiều lần, cái tủ gỗ muốn rụm, phải dùng dây cột chằng lại. Nhiều kỷ vật của gia đình bị thất lạc…

Cách nay mấy năm, trong một lần cùng mẹ tát nước, Phước Thảo - người con trai lớn của bà Kía nói: “Chừng nào nhà mình mới hết ngập?”. Câu hỏi ấy vô tình làm nhói lòng bà. Không cục đất chọi chim thì lấy đâu ra nhà cửa cao ráo, đàng hoàng. Dù có làm đầu tắt mặt tối thì cái ăn cái mặc còn là chuyện khó đối với gia đình này, tính chi đến chuyện mua đất cất nhà.

Căn nhà mới còn chờ lợp laphông và lót gạch nền nữa là xong. Nhưng bà Kía lại nghĩ... ngược đời. Bà chưa muốn lợp la-phông. “Để vậy, tối nằm nhìn mái tôn mới cho nó đã!”, bà Kía nói. Có căn nhà là sướng nhất đời rồi, nóng một chút chẳng ăn nhằm gì. Có lẽ đó là suy nghĩ của cả gia đình này. Diệu Thảo - người con gái út trong nhà cho biết từ khi vô nhà mới, em ngủ ngon hơn.

Gieo lòng tốt gặt thân thiện

Sau khi biết hoàn cảnh của gia đình ông Tư Lý, một bác sĩ ở TP. Hồ Chí Minh đã cùng vợ lặn lội xuống đây - vùng đất thừa gió biển, đầy tình người. Nhìn căn nhà vách lá, mái tôn, nền đất, nóng hầm hập mùa hè, nước ngập lúc triều cường của gia đình ông Tư Lý, hai vợ chồng bác sĩ không kìm được xúc động. Cảnh này làm vị bác sĩ nhớ đến thủa hàn vi của gia đình ông lúc ở quê Bến Tre. Nhất là cảm kích tấm lòng bác ái của vợ chồng ông Tư Lý, vị bác sĩ này quyết định mua một nền đất ngang 10m tặng và trao thêm 50 triệu đồng cho gia đình ông Tư. Chưa dừng lại ở đó, vị bác sĩ này còn bảo vợ ra chợ mua 100kg gạo thơm - loại nhà ông vẫn dùng để giúp nhà ông Tư có những bữa cơm ngon. Có đất, nhà ông Tư Lý dự định dựng một căn nhà tạm lên ở. Mượn một vách tường của nhà bên, còn một bên căng cao su, nền đất, đủ che mưa che nắng.

Thấy vậy, một vài bệnh nhân đã góp ximăng, cát, đá giúp lương y Tư Lý tu bổ nhà cửa. Ông Dũng bột cá vào mướn người vẽ bản thiết kế ngôi nhà hai mái kiên cố. Người ta cầm bản vẽ căn nhà của mình mà vợ chồng ông Tư không dám lại nhìn, vì tiền đâu mà xây nhà to như vậy. Từ bản vẽ đó, ông Dũng bột cá, chị Hoa chủ vựa cá Tuấn Hoa và nhiều người bạn góp tiền xây cất. Tô tường xong, tiền của mạnh thường quân giúp cũng cạn. Bà Kía mang 2 cuốn sổ (sổ tiểu đường của bà, mỗi tháng được Nhà nước cấp 1.840.000 đồng và sổ nạn nhân chất độc da cam củangười con gái mù của bà) đi cầm được 20 triệu đồng, định mua nước sơn về sơn tường. Biết chuyện này, chị Hoa hỗ trợ thêm 22 triệu đồng. Tổng cộng, đến nay người dưng gần xa đã giúp 185 triệu đồng, ông Tư Lý nhẩm tính.

Mừng cho vợ chồng mợ có căn nhà lúc tuổi về chiều, một người cháu ở Trà Vinh đã xuống ở đây 3 tháng phụ giúp làm nhà. Tai điếc, chân gắn inox sau tai nạn giao thông. Dù mang tật như vậy nhưng cháu bà làm suốt, một tay dựng xong hàng rào, đâm le xong cái sân. Phước Thảo và một đồng nghiệp tranh thủ ngày nghỉ chạy từ Cần Thơ về mua thiết bị, dây dẫn lắp hệ thống điện trong nhà. Hai người hì hục làm từ 5 giờ chiều đến 2 giờ sáng hôm sau mới xong. Tiền tiết kiệm bấy lâu, Phước Thảo dồn hết vào việc mua thiết bị điện, nên khi lên Cần Thơ, trong túi anh chỉ còn 30 ngàn đồng.

Vợ chồng lương y gieo lòng tốt, gặt thân thiện 1
 Ông Lý cần mẫn trị bệnh giúp người.

Cưu mang 14 mảnh đời khôn lớn

Hai vợ chồng ông Tư Lý đều làm nghề y, từng công tác ở các cơ quan nhà nước. Cuộc đời run rủi, thế sự đổi thay đã đưa đẩy gia đình ông về nơi cửa biển Gành Hào khi nơi đây còn là miền biển thưa người, nói như mấy cụ lớn tuổi số lần sóng vỗ bờ mỗi ngày còn đông hơn số dân nơi đây. Mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu ngược xuôi Gành Hào - Giá Rai. Thấy gia đình ông Tư Lý chưa có nơi ở, lại có nghề thuốc nên Công ty Thủy sản Gành Hào đã cho mượn một căn nhà, vừa để ở, vừa chăm sóc sức khỏe cho công nhân. Vợ ông Tư Lý làm bà mụ vườn, còn ông thì bắt mạch, hốt thuốc, trị bệnh kết hợp cả Đông - Tây y. Một buổi tối nọ, vợ chồng ông nghe tiếng trẻ khóc oe oe ngoài cửa nhà. Một bé gái gói trong giấy nhựt trình với miếng băng rốn trên người. Ẵm đứa bé lên, nhìn qua màn đêm không thấy bóng người, vợ chồng ông nghĩ bụng đó là duyên số nên đưa đứa bé vào nhà nuôi nấng. Giờ đây đứa bé gái ấy đã 34 tuổi. Một phụ nữ sau 4 ngày nằm sinh tại nhà bà Tư Lý đã rón rén ra đi lúc trời chưa sáng, bỏ lại đứa con đỏ hỏn. Một đôi vợ chồng trẻ từ xứ khác về đây mần ăn, giữa đường đứa con nhỏ phát bệnh nặng. Cùng lúc đó, hai đứa con lớn ở quê nhà cũng lâm trọng bệnh. Giữa thế tiến thoái lưỡng nan ấy, hai vợ chồng này đã tìm đến nhà ông Tư Lý. Cái ngày ấy, ông Tư Lý nhớ dữ lắm, mưa dầm, đôi vợ chồng ấy ẵm đứa bé thập thò ngoài cửa. Ông Tư Lý gọi vào. Họ trần tình, gửi lại đứa con cho vợ chồng Tư Lý cứu chữa, nếu đứa bé được cứu sống thì nhờ vợ chồng ông Tư xem như con, còn nếu nó yểu mạng thì cậy ông bà lo hậu sự giùm. Nói rồi, hai vợ chồng trẻ chạy nhanh ra khỏi nhà, nước mắt chan hòa cùng nước mưa.

Chuyến tàu duy nhất trong ngày lúc 3 giờ chiều sắp khởi hành, họ phải ba chân bốn cẳng cho kịp. Cứ như thế, những đứa trẻ côi cút về trú ngụ dưới mái ấm gia đình ông Tư Lý ngày một nhiều, lên đến 14 người. 14 người con nuôi và 4 người con ruột sống chung một mái nhà và cùng mang họ của ông Tư Lý. Trong 18 người con, trừ người con gái đầu, còn lại đều tên Thảo, dù là trai hay gái, chỉ khác nhau chữ lót. Ông Tư Lý lý giải: “Đặt tên Thảo là để các con sống phải biết chia sẻ những gì mình có cho mọi người, hẹp là trong gia đình, rộng là cộng đồng, xã hội”. Việc lo cái ăn, cái mặc đã khó, nhưng ông bà Tư Lý quyết không để người con nào thất học, hay bỏ học giữa chừng. Có mắm ăn mắm, có muối ăn muối, nhưng cái chữ phải theo đến cùng. Cả hai vợ chồng ông Tư Lý làm nghề y, nhưng thu nhập chẳng đặng là bao bởi họ làm phước nhiều nên cơm canh cho con cái không đủ no, nhiều người bị suy dinh dưỡng.

Đến bây giờ, Diệu Thảo - con gái út tốt nghiệp THPT năm 2011 vẫn được gọi bằng cái tên Rí (ngò rí) vì lúc nhỏ Diệu Thảo thiếu ăn, ốm như cọng ngò. Nói đến Diệu Thảo, bà Tư Lý nói nhỏ vào tai tôi: “Mẹ con Rí ở gần đây thôi. Đi chợ, gặp tôi là bà ấy lấy nón lá che mặt lại vì ngượng. Tôi không kể cho con Rí nghe, nhưng tôi có hỏi con có muốn tìm về cha mẹ ruột không. Nó trả lời: “Không!”. Tôi đem câu hỏi này hỏi lại Diệu Thảo, câu trả lời của em cũng không thay đổi. Em cho biết: “Cha mẹ em là ông bà Tư Lý”. Không riêng Diệu Thảo mà nhiều người con nuôi khác cũng đã coi ông bà Tư Lý là cha mẹ ruột của mình. Công dưỡng bằng công sinh. Với ông bà Tư Lý, con nào cũng là con, không phân biệt con ruột hay con nuôi. Khi các con đang học cấp III, mỗi tuần mỗi người được ông bà Tư Lý cấp 25 ngàn đồng như nhau.

Trầy trật mà không đủ tiền nuôi con ăn học, vợ chồng ông Tư Lý quyết định bán căn nhà mà Công ty Thủy sản Gành Hào đã hóa giá. Cuộc sống ăn nhờ ở đậu bắt đầu từ đó. Mấy chục năm qua, ông Tư Lý sống khổ hạnh như thầy tu. Không một lần ngồi quán cà phê. Không ra tiệm cắt tóc. Tóc dài thì nhờ vợ, con hớt. Lần vào nhà mới cuối năm nay, bị vợ con kêu lắm, ông Tư Lý mới ra tiệm “tuốt lại vẻ đẹp lão”. Bao nhiêu tiền kiếm được ông đều dành cho con cái. Thấy vợ chồng ông Tư Lý ăn ở có đức, có chí cầu tiến như vậy nên hàng xóm và người dưng địa phương thương tình. Vợ chồng ông có thể mua chịu (thiếu) gạo, bao lâu trả cũng được. Gửi gạo, mắm lên Cần Thơ cho con ăn học, nhà xe không lấy tiền cước. Chỗ này lấy lại nhà thì đã có người khác mở lời cho mượn nơi che mưa nắng. Kham không nổi việc nuôi con ăn học, ông Tư Lý nhờ bạn bè ở chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) lo tiếp vài người, quyết không để con lỡ làng chuyện học. Nhờ đó, con cái ông được học đến nơi đến chốn. Đã có 8 người tốt nghiệp từ bậc trung học chuyên nghiệp, cao đẳng đến đại học.

Lương y hơn từ mẫu

Năm 1979, Trung úy Nguyễn Minh Lý đang công tác ở Bệnh xá Công an Minh Hải (cũ) được chuyển ngành, xuống làm ở Bệnh viện huyện Giá Rai (khi ấy huyện Giá Rai bao gồm cả huyện Đông Hải). Công tác vừa ấm chỗ, ông Tư Lý rời Bệnh viện huyện Giá Rai về Gành Hào vào năm 1983. Ông Tư Lý nói: “Tôi sanh ra ở xã Long Điền. Trước đây xã này ôm trọn cả Gành Hào nên tôi về Gành Hào là về lại cố hương”. Thời ấy, ông Tư Lý là một thầy thuốc giỏi của cả vùng, nhưng ông không xem đó là cơ hội làm giàu. Ông Bùi Công Bê, một người sống cùng thời và công tác chung với ông Tư Lý trong Hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ huyện Đông Hải cho biết: “Ông Tư Lý trị bệnh, ai cho nhiêu thì lấy, không đòi hỏi. Ông làm phục vụ chứ nếu làm kiểu thương mại thì đã giàu có rồi”. Bà Trương Thị Út (57 tuổi, ấp 2, TT. Gành Hào) vẫn mang ơn cứu chữa của lương y Tư Lý dù bà đã được trị khỏi bệnh cách nay hơn 20 năm. Bà Út kể bà bị “bệnh đàn bà”, nằm Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh trên một tháng thì bệnh viện kêu về. Bệnh nhân mất tinh thần. Tiệm tạp hóa của nhà bà Út cũng đã sập tiệm theo bệnh của bà. Chồng bà tìm đến ông Tư Lý. Ông Tư Lý kêu mang toàn bộ hồ sơ bệnh án tới. Xem qua, ông Tư Lý kêu chồng bà Út đi kiếm cái mật con mèo mun. Mật mèo mun cộng vài vị thuốc bí truyền của gia đình, bà Út uống vô, người khỏe lại. Sau đó đau lại, bà Út hoài nghi khả năng trị bệnh của ông Tư Lý, còn thầy thuốc thì mỉm cười nói: “Vậy là trị đúng thuốc rồi”. Cứ vậy mỗi ngày một cái mật mèo mun và vài vị thuốc mà sau 17 ngày, bà Út đã khỏi bệnh, sống khỏe đến bây giờ. Tổng tiền thuốc thang, công chữa trị chỉ 330 ngàn đồng, chưa đến một chỉ vàng thời đó mà bệnh nan y của bà Út đã lành.

Còn việc chữa bệnh cho ông Lưu Kim Lến thì hoàn toàn miễn phí. Ông Lến không có con cái chăm sóc, phải đi giữ vuông thuê ở Giá Rai. Có những lúc, chủ vuông quên mang cơm vô trong rừng cho ông Lến, người làm thuê phải luộc cua, ba khía ăn thay. Ông Tư Lý đón ông Lến về nhà nuôi. Ai cũng mừng cho ông Lến, bởi vợ chồng Tư Lý nuôi thì coi như ông Lến có phúc ấm cuối đời. Vợ chồng ông Tư Lý xem ông Lến như cha, còn các con của ông xem như ông nội. Ông Lến ở với nhà ông Tư Lý được 16 năm thì tạ thế. Gia đình ông Tư Lý chít khăn tang, khóc than, người ngoài nhìn vào cứ tưởng ông già ruột ông Tư Lý qua đời.

Còn ông Trần Vị Thanh (hiện sống ở Cà Mau, nguyên cán bộ quân y của hải thuyền Tỉnh đội Minh Hải đóng ở cửa biển Gành Hào) cho biết: "Tôi và anh Tư Lý biết nhau đã trên 30 năm, hiện vẫn liên lạc, trao đổi học thuật về ngành y. Anh Tư Lý giúp đỡ nhiều bệnh nhân, đồng đội cũ. Nếu lo không xuể thì anh Tư huy động bạn bè giúp. Anh Tư không từ chối một người gặp khó khăn nào. Nhà ăn rau, nhưng bệnh nhân cần thịt là anh Tư ra chợ mua thịt bò về". Bạn bè, đồng đội cũ của ông Tư Lý đều nói "đông tay thì vỗ nên kêu, mà anh Tư Lý là người vỗ trước, người khác vỗ theo".

Ông Nguyễn Văn Châu, một bạn học thời tiểu học của ông Tư Lý, hiện là cựu chiến binh ở ấp 5, thị trấn Gành Hào chia sẻ ông Tư Lý tâm huyết với việc giáo dục, nhất là giáo dục đạo đức cho trẻ. Nghe tin trò đánh thầy, học sinh phạm pháp là ông Tư Lý trăn trở. Ông Tư Lý lần tìm đến những đồng môn từ thời tiểu học để lập Ban liên lạc khuyến học. Bạn bè ông đều đã ở tuổi lục tuần, mỗi người ở mỗi nơi, có người là đại tá, kỹ sư,… Sau một thời gian nỗ lực liên hệ, vận động, Ban liên lạc khuyến học đã ra đời với trên 50 thành viên, trong đó có thầy Chín Nghiệp - thầy dạy tiểu học của các thành viên này.

Các thành viên trong Ban liên lạc khuyến học phải nêu gương và dạy dỗ, khuyến khích con cháu học hành, nhất là các chữ "Nhân - Lễ - Nghĩa". Ông Tư Lý mong mỏi các cháu được người lớn chăm lo, giáo dục tốt trên nền tảng đạo đức vững chắc. Các thành viên này đang chung tay dựng căn nhà "Tôn sư trọng đạo" ngay tại nhà thầy Chín Nghiệp. Đây sẽ là nơi sinh hoạt cho các cháu học sinh tiểu học của thị trấn. Ông Tư Lý mong mỏi vực dạy truyền thống tôn sư trọng đạo, thế hệ trẻ sẽ biết căm ghét hành vi tham nhũng, quấy nhiễu để tương lai, đất nước sẽ lành mạnh hơn, hưng thịnh hơn.

Lòng tốt có sức mạnh lan tỏa như những con sóng nơi cửa biển. Vợ chồng ông cưu mang 14 mảnh đời khôn lớn, học hành đàng hoàng. Căn nhà mấy chục năm trước vợ chồng ông tạo dựng được cũng đã bán để nuôi đàn con 18 người (gồm cả 4 người con đẻ). Và từ đó, cả đại gia đình này chấp nhận cảnh ăn tạm ở nhờ. Cảm động trước việc làm nhân nghĩa của vợ chồng, con cái gia đình này, những tấm lòng trong thiên hạ đã chung tay dựng nên mái ấm mới cho vợ chồng ông Tư Lý. Ông bà Tư Lý giúp người mà không "cầu báo". Và giờ đây, mọi người giúp ông bà cũng với triết lý ấy.

Nguyễn Quốc


Ý kiến của bạn