Mới đây, chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống, Bác sĩ Nguyễn Trung Đạo, Khoa sản bệnh A4 - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, bác sĩ đã từng phải đứng ra xử lý một tình huống "dở khóc, dở cười" khi gặp phải trường hợp vợ chồng cãi nhau kịch liệt ngay giữa phòng khám, ngay sau khi bác sĩ cho biết kết quả.
Cụ thể, bác sĩ từng khám cho một thai phụ ở Ba Vì, Hà Nội. Sau 5 tuần vợ chồng gần gũi thì người vợ chậm kinh, test que thử thai lên 2 vạch, được chồng đưa đến gặp bác sĩ để thăm khám với tâm thế rất vui mừng.
Tuy nhiên, sau khi bác sĩ thăm khám và thông báo người vợ đang mang thai ở tuần thứ 7 thì cả hai vợ chồng đều ngỡ ngàng, thậm chí lúc này người chồng đã lập tức thay đổi thái độ và tỏ ra nghi ngờ vợ của mình.
"Người chồng tin rằng bác sĩ tính tuổi thai không thể sai. Nhưng anh ta đi làm xa nhà suốt mấy tháng nay, cách đó 5 tuần mới được về nhà và "gần gũi" với vợ. Vậy mà cái thai đã được 7 tuần tuổi thì chắc chắn không phải con anh ta. Vợ chồng họ thậm chí đã cãi nhau kịch liệt ngay tại phòng khám vì người chồng nghi ngờ vợ mình ngoại tình.
Chị vợ lúc này không biết làm thế nào, bản thân không chấp nhận kết quả tuổi thai lớn hơn đến 2 tuần so với ngày "gần gũi" của vợ chồng nên đã yêu cầu bác sĩ cần khám lại cho mình. Lúc này bác sĩ đã phải mời hai vợ chồng vào phòng riêng để giải quyết", bác sĩ Nguyễn Trung Đạo nhớ lại.
Theo bác sĩ, trường hợp kể trên là một ví dụ cho việc không biết cách tính tuổi thai nên đã nảy sinh mâu thuẫn, gây hiểu nhầm lớn giữa hai vợ chồng.
Vì sao tuổi thai có thể lớn hơn ngày "gần gũi" đến 2 tuần?
Giải thích về việc tuổi thai có thể lớn hơn ngày "gần gũi" của vợ chồng đến 2 tuần, bác sĩ Nguyễn Trung Đạo cho biết, tuổi thai sẽ được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng của thai phụ chứ không phải từ ngày vợ chồng "gần gũi".
"Thông thường, chu kỳ nguyệt san của một phụ nữ từ 28-30 ngày. Hiện tượng rụng trứng thường xảy ra 2 tuần sau ngày đầu của kỳ kinh. Đây chính là lý do tuổi thai khi đi khám thường lớn hơn ngày "gần gũi" của vợ chồng khoảng 2 tuần.
Chính vì vậy, khi mẹ bầu được chẩn đoán mang thai 7 tuần, tức là thời điểm thụ tinh, hình thành phôi thai chỉ mới 5 tuần. Tuổi thai khác với tuổi phôi, khi phụ nữ mang thai đủ ngày đủ tháng được tính là 40 tuần, còn thời gian mang thai thật sự của chị em là 38 tuần", bác sĩ Nguyễn Trung Đạo thông tin.
Bác sĩ cũng cho biết, ngoài cách lấy ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối để xác định tuổi thai thì qua siêu âm, các bác sĩ sản khoa cũng có thể xác định được tuổi thai một cách chính xác. Do đó, ngay cả những trường hợp thai phụ không biết mình mang thai thời điểm nào, thì khi đi siêu âm trong 3 tháng đầu, bác sĩ cũng sẽ dễ dàng chẩn đoán tuổi thai, mặc dù có thể có sai số vài ngày.
Ngoài ra, có nhiều cách khác giúp bác sĩ tính tuổi thai như: tiến hành đo khoảng cách từ xương mu đến đáy tử cung, đo kích thước của tử cung…
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Bé Gái 15 Tuổi Mang Thai 6 Tháng, Cha Ép Phải Phá Bỏ | SKĐS