Hà Nội

Vô cảm: Cha đẻ của bạo lực

05-01-2014 21:33 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tình trạng bạo lực ngày một gia tăng khiến xã hội lo lắng và bất bình mà cha đẻ của nó là thói vô cảm. Chưa bao giờ mạng người lại bị coi thường như bây giờ.

Tình trạng bạo lực ngày một gia tăng khiến xã hội lo lắng và bất bình mà cha đẻ của nó là thói vô cảm. Chưa bao giờ mạng người lại bị coi thường như bây giờ.

Chuyện bạo lực xã hội không hiếm. Giờ người ta thích dùng luật rừng hơn pháp luật và lòng yêu thương. Đi đường, chỉ vì một va chạm nhỏ về giao thông, thay bằng lời xin lỗi và nụ cười, nhiều kẻ dùng quân sự, có khi tước cả mạng sống con người. Lại có lái xe gây tai nạn giao thông, người bị nạn chưa chết, hắn lạnh lùng lùi xe vào nạn nhân cho chết hẳn để “Đền một lần còn hơn phải nuôi suốt đời (!)”. Vụ án chém người như chém chuối để chiếm xe SH đang gây rúng động dư luận. Chỉ vì người đi đường vô ý làm bắn nước vào người mà có tên đuổi theo chém một thanh niên đến chết. Lê Văn Luyện đang tâm giết hại cả một gia đình. Nguyễn Đức Nghĩa - một thanh niên có học, lạnh lùng giết người yêu man rợ như thời trung cổ. Tình trạng cướp của giết người phi tang, hiếp dâm giết người... ngày một nhiều. Nếu vào mạng, người đọc thấy sốc trước các vụ án mạng xảy ra nơi này, nơi kia.

Giáo dục gia đình đóng vai trò quyết định trong hình thành nhân cách.

Trường học là môi trường “vô trùng” để dạy học trò làm người cũng đang bị virut vô cảm tấn công. Bạo lực học đường với những vụ án áo trắng khiến gia đình và xã hội lo lắng. Những clip học sinh, trong đó có HS nữ đánh nhau rồi tung lên mạng coi đó như là chiến tích không ít. Chỉ vì những lý do không đâu, có HS ra tay cướp đi tính mạng của bạn. Rồi thầy cô bạo lực nhau, thầy cô bạo lực học trò, phụ huynh bạo lực thầy cô... dù không nhiều nhưng cũng làm mất đi uy tín của nhà trường, của thầy cô.

Bạo lực đã xâm nhập đến nhiều gia đình với đủ hình thức: bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần. Bạo lực gia đình đang gia tăng ở mức báo động đỏ. Tình yêu thương trong gia đình đã thay bằng những quả đấm, cái đá, những trận đòn thù, có khi tước đi mạng sống quý giá của người thân do ghen tuông, do đất đai, tiền của và thậm chí chỉ là những mâu thuẫn nhỏ. Những năm gần đây, không ít những vụ trọng án xảy ra từ các gia đình. Nhiều vụ chồng giết vợ rất dã man rồi phi tang xác hay ngược lại. Dư luận không khỏi bàng hoàng về chuyện mới xảy ra vào đêm 11/12 ở khu chung cư Tây Thạnh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú (TP. HCM): Chồng lấy dao chém vào bụng vợ nhiều nhát khiến đứa con 37 tuần tuổi rơi ra ngoài. May cả hai mẹ con được mọi người kịp đưa cấp cứu và đã qua khỏi. Tình mẫu tử thật thiêng liêng và cao đẹp hơn mọi thứ. Vậy mà bây giờ, người ta cũng chà đạp. Người xưa nói: Hổ dữ không ăn thịt con. Nhưng nhiều bậc cha mẹ lại đang tâm hành hạ con như thời trung cổ. Có người vì gặp những chuyện trắc trở, chán sống mà tự tử. Trước khi tìm đến cái chết, họ đã giết con. Việc làm tàn nhẫn ấy được núp dưới lý lẽ nhân đạo: vì thương con bơ vơ trên đời sẽ khổ (!?). Đó là những hành động phạm pháp bởi họ đã tước đi quyền sống, quyền làm người của những thiên thần vô tội, ngây thơ và đáng yêu mà họ dứt ruột sinh ra.

Con cái bạo ngược cha mẹ cũng không còn là chuyện hiếm. Nhiều vụ án nghịch tử đã lạnh lùng cướp mạng sống của đấng sinh thành khiến dư luận vô cùng sốc. Mới rồi, ngày 2/12, tên Hoàng Khắc Thắng (39 tuổi, ở xã Nghi Vân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đã đánh đập mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị Đấu đến chết chỉ vì ốm đau không nấu được cơm cho hắn ăn. Tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM cũng xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng. Nghịch tử Nguyễn Văn Linh bị mẹ la vì suốt ngày say xỉn, không chịu làm ăn nên hắn đã đâm mẹ già nhiều nhát đến chết. Sau đó, hắn lục túi áo lấy 70.000 đồng rồi thản nhiên bỏ đi. Lại có đứa con gái lôi bạn trai về nhà giết mẹ để lấy tiền ăn chơi. Thật đau xót! Những kẻ này đã phạm một trong 14 điều răn của Phật là: Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu.

Rõ ràng vô cảm chính là cha đẻ của mọi xấu xa, của tội ác, trong đó có bạo lực. Nó gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, là lực cản ghê gớm đối với sự phát triển của đất nước, gây mất an toàn và lòng tin của con người với xã hội. Vậy nguyên nhân do đâu? Tất cả do giáo dục mà ra. Bác Hồ - nhà giáo dục vĩ đại đã khẳng định vai trò to lớn và vô cùng quan trọng của giáo dục: “Ngủ thì ai cũng như lương thiện/ Thức dậy phân ra kẻ dữ hiền/ Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên” (Nửa đêm - Nhật ký trong tù). Lâu nay, chúng ta coi nhẹ giáo dục cả ba môi trường giáo dục là xã hội, nhà trường và đặc biệt là giáo dục gia đình. Xã hội đang có những biến động bởi sự hội nhập quốc tế với nhiều mặt tích cực nhưng cũng không ít điều xấu xa đang lan tràn vào khiến con người trở nên thực dụng, ích kỷ. Đồng tiền làm lu mờ tất cả. Trong nhà trường, việc day, học với khối lượng kiến thức khổng lồ xa rời thực tế cùng những đợt kiểm tra, thi cử triền miên khiến việc dạy làm người bị lấn lướt. Giáo dục gia đình là nơi quyết định nhân cánh con trẻ cũng đang bị xem nhẹ. Vì vậy, chúng ta đang phải trả giá. Hiện nay, ở các nước phương Tây cũng đã bắt đầu đề cao truyền thống gia đình. Ở Singapore, người ta phát hiện thấy nguyên nhân suy giảm đạo đức của học sinh chủ yếu do cha mẹ quá mải mê kiếm sống, có quá ít thì giờ với con cái. Bởi vậy, cụ Lý Quang Diệu cũng đề cao vai trò của phụ huynh, trong đó quan trọng nhất là người mẹ với tuyên bố: Nếu có thể được, cụ sẽ làm giảm trách nhiệm kiếm sống của phụ nữ để các bà mẹ có điều kiện ở nhà nhiều hơn, chăm sóc con cái tốt hơn.

Muốn đẩy lùi tình trạng bạo lực, đứa con tội lỗi của bệnh vô cảm, cần làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục và trừng trị, trước hết là sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của bộ ba “chân kiềng” trong giáo dục đạo đức là: GIA ĐÌNH - NHÀ TRƯỜNG - XÃ HỘI. Đồng thời, pháp luật cần nghiêm trị những kẻ gây ra những vụ án nghiêm trọng để răn đe, phòng ngừa.

TRỊNH THỊ THUẬN (nhà giáo)

 


Ý kiến của bạn