Với lý do cần ổn định, đủ ngân sách cho quá trình đổi mới và đảm bảo lợi ích của người lao động, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đề nghị Thủ tướng không cổ phần hóa MobiFobe đến năm 2015.
Theo đề án tái cấu trúc vừa trình Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT cho biết, 5 năm qua, Công ty thông tin di động VMS - MobiFone đóng góp khoảng 40% doanh thu, trên 60% tổng lợi nhuận của tập đoàn. Do vậy, VNPT đề nghị Chính phủ không cổ phần hóa MobiFone để tạo điều kiện hoạt động của VNPT được ổn định, đủ nguồn lực cần thiết cho quá trình đổi mới, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, VNPT và người lao động.
VNPT xin không cổ phần hóa MobiFone để hoạt động của tập đoàn này ổn định.Ảnh minh họa. |
Tháng 6/2011, VNPT đã đề xuất 3 phương án là sáp nhập VinaPhone và MobiFone, cổ phần hóa một trong hai mạng di động trên hoặc cổ phần hóa toàn bộ VNPT. Còn trong đề án tái cơ cấu mới, VNPT đề nghị không cổ phần hóa MobiFone dù điều này đã được Thủ tướng phê duyệt trước đó.Theo đề án mới, VNPT sẽ sáp nhập MobiFone – Vinaphone thành Tổng công ty thông tin di động VNPT (VNPT-Mobile). Tập đoàn này đề nghị, sau năm 2015 mới cổ phần toàn bộ VNPT cùng các công ty chủ lực.
Hiện tại, phương án sáp nhập MobiFone vào VinaPhone của VNPT đang vướng Luật cạnh tranh và dự thảo quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020. Theo Luật Cạnh tranh, các doanh nghiệp không được thực hiện tập trung kinh tế nếu thị phần kết hợp chiếm trên 50%. Trong khi đó, Sách Trắng Công nghệ thông tin năm 2011 cho thấy: Viettel chiếm 36,72% thị phần; MobiFone chiếm 29,11%; VinaPhone chiếm 28,71% thị phần; các doanh nghiệp còn lại chỉ chiếm hơn 5% thị phần. Nếu sáp nhập MobiFone - Vinaphone, thị phần của công ty mới là gần 60%
Còn với quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020, để phát triển bền vững và hiệu quả, mỗi thị trường viễn thông quan trọng như di động, Internet băng rộng... phải có ít nhất 3 doanh nghiệp có thị phần tương đồng để tạo thành thế chân vạc, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.
Tháng 4/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông. Theo đó, một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp viễn thông sẽ không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ. Cũng vì thế, VNPT không được phép đồng sở hữu 100% hai mạng di động MobiFone và VinaPhone .
Theo VnExpress