Hà Nội

VKS đề nghị y án tử hình, LS đề nghị huỷ án sơ thẩm, điều tra lại

23-04-2014 19:52 | Thời sự
google news

Chiều 23-4, trong khi đại diện VKSND Tối cao đề nghị Tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình với 2 bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc về tội tham ô tài sản, luật sư bào chữa đề nghị hủy án sơ thẩm, điều tra lại.

Chiều 23-4, trong khi đại diện VKSND Tối cao đề nghị Tòa phúc thẩm tuyên y án tử hình với 2 bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc về tội tham ô tài sản, luật sư bào chữa đề nghị hủy án sơ thẩm, điều tra lại.

Trong khi VKS đề nghị tuyên y án tử hình với 2 bị cáo Dương Chí Dũng (đứng hàng đầu áo trắng) và Mai Văn Phúc (đứng hàng đầu áo xanh) về tội tham ô tài sản thì luật sư đề nghị hủy án sơ thẩm, điều tra lại

Chiều ngày 23-4, phiên xử phúc thẩm vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) của TAND Tối cao tại Hà Nội tiếp tục “nóng” với phần bào chữa của các luật sư. Tâm điểm là việc “gỡ tội” của các luật sư cho bị cáo Dương Chí Dũng.

Trước đó, đầu giờ chiều phiên xét xử, đại diện VKSND Tối cao bắt đầu trình bày bản luận tội đối với Dương Chí Dũng và các đồng phạm.

Trên cơ sở phân tích hành vi phạm tội cụ thể của các bị cáo theo từng nhóm tội danh, VKS cho rằng các bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Nguyễn Hữu Chiều tuy không bàn bạc với nhau nhưng cũng thỏa thuận, tiếp sức cho nhau để tổ chức việc đầu tư sai phạm.

Trần Hải Sơn, Mai Văn Khang, Lê Văn Dương, Bùi Thị Bích Loan được cho là người tiếp nhận ý chí của các “sếp” lãnh đạo, góp phần làm cho hành vi sai trái xảy ra trót lọt, gây thiệt hại 366 tỉ đồng.

Theo VKS, lời khai của Trần Hải Sơn về việc nhận khoản tiền, chuyển cho Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều có nhiều cơ sở đối chứng chứng minh. Việc truy tố các bị cáo về tội tham ô tài sản là đúng quy định pháp luật.

Mặt khác, trong phiên phúc thẩm này, Dương Chí Dũng chưa thành khẩn nhận tội. Không có căn cứ giảm nhẹ tội này với Mai Văn Phúc.

Với Trần Hải Sơn, bị cáo phải nhận 14 năm tù về tội tham ô cấp sơ thẩm tuyên là nhẹ so với hành vi phạm tội của bị cáo nên không có căn cứ xem xét giảm hình phạt về tội này với Sơn.

Do đó, đại diện VKS cho rằng không có căn cứ xem xét kháng cáo kêu oan về tội này của Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc; đề nghị tuyên y án sơ thẩm với 2 bị cáo này (Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc bị tuyên tử hình về tội tham ô tài sản tại phiên xử sơ thẩm)

Với đơn kháng cáo của các bị cáo khác xin giảm nhẹ án đối với tội cố ý làm trái, VKS nhận định không có căn cứ giảm nhẹ cho Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và Trần Hải Sơn.

Nhóm bị cáo cửa khẩu Chi cục Hải quan Vân Phong (Lê Văn Lừng, Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện) được đánh giá có vai trò thấp hơn các bị cáo Dương, Sơn, Khang, Chiều. VKS đề nghị giảm một phần hình phạt, bồi thường cho các bị cáo.

Ngoài ra, kháng cáo của vợ các bị cáo về tài sản bị kê biên cũng bị VKS bác bỏ, đề nghị giữ nguyên án sơ thẩm.

Ngay sau phần luận tội, các luật sư bắt đầu phần bào chữa của mình. Nhận định ngay từ đầu không đủ căn cứ buộc tội Dương Chí Dũng tham ô tài sản, Luật sư Ngô Ngọc Thuỷ cho rằng lời khai của các bị cáo, nhân chứng để buộc tội tham ô cho Dương Chí Dũng tuy không mâu thuẫn nhưng lại đều là những người thân, ruột thịt với nhau nên có thể thống nhất khai theo hướng có lợi cho thân nhân mình.

Luật sư Ngô Văn Thủy (bìa phải) đề nghị hủy án sơ thẩm, điều tra lại tội tham ô tài sản với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc - Ảnh chụp qua màn hình
Luật sư Ngô Văn Thủy (bìa phải) đề nghị hủy án sơ thẩm, điều tra lại tội tham ô tài sản với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc - Ảnh chụp qua màn hình

Luật sư đề nghị: “HĐXX hủy án sơ thẩm, giao điều tra lại để có thể đi đến một phán quyết có lý, có tình, công bằng, làm cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng công bằng, thuyết phục hơn”.

Tiếp tục phần bào chữa của đồng nghiệp, Luật sư Trần Đình Triển nêu thông tin đối chứng về việc Dương Chí Dũng tham ô từ phía Singapore, đó là bản tuyên thệ của ông Goh Hoon Seow. Theo đó, ông Goh Hoon Seow khẳng định “chưa bao giờ liên lạc hay bàn bạc cá nhân hay gián tiếp với ông Dũng về việc bán ụ nổi 83M" và "không liên lạc hay bàn bạc với ông Phúc về việc bán ụ nổi 83M".

Luật sư Trần Đình Triển cho rằng, cần đánh giá lại vai trò của các bị cáo trong việc “thương thảo” với công ty AP vì đây là một chứng cứ, một tình tiết mới của vụ án.

Luật sư Trần Đình Triển đề nghị hủy án sơ thẩm, giao điều tra lại phần nội dung về tội tham ô tài sản.

Tương tự, trong phần bảo vệ cho bị cáo Mai Văn Phúc, Luật sư Hoàng Huy Được yêu cầu làm rõ khi chuyển 5 tỉ đồng cho Phúc tại làng Quốc tế Thăng Long, bị cáo Sơn dùng 3 tỉ đồng em gái Trần Hải Huyền chuẩn bị cho thêm với 2 tỉ đồng tự rút từ ngân hàng Hàng hải. Song xác minh thông tin tại ngân hàng không hề có việc rút tiền này. Giống đồng nghiệp, Luật sư Được đề xuất hủy án sơ thẩm để điều tra lại vụ việc.

Dương Chí Dũng tại toà sáng 23-4
Dương Chí Dũng tại toà sáng 23-4. Ảnh chụp qua màn hình

Trước đó, sáng nay 23-4, bước sang ngày thứ 2 phiên tòa phúc thẩm của TAND Tối cao tại Hà Nội xét xử vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam ( Vinalines ).

Trong buổi sáng, các luật sư tập trung hỏi bị cáo để làm rõ các vấn đề liên quan.

Bị cáo Trần Hải Sơn được luật sư đặt ra nhiều câu hỏi để làm rõ có hay không việc Dương Chí Dũngvà Mai Văn Phúc chỉ đạo phải mua ụ nổi và đưa tiền “hoa hồng” cho các bị cáo.

Luật sư Trần Đình Triển hỏi Trần Hải Sơn về thời điểm gọi điện liên lạc với Dương Chí Dũng để đến đưa 5 tỉ đồng tại khách sạn Victory (TP HCM). Sơn biện giải chính xác ngày hôm đó có liên lạc với cựu Chủ tịch Vinalines nhưng không nhớ rõ là 16 giờ chiều hay tối hẳn.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp vặn hỏi bị cáo Trần Hải Sơn về việc nói lý do, nguồn gốc khoản tiền khi chuyển cho Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc. Sơn đáp: “Mặc nhiên các anh ấy biết là tiền gì”. Bị luật sư yêu cầu tả lại nhà của Phúc tại quê An Dương, Hải Phòng như thế nào. Sơn có vẻ cáu: “Khổ quá. Cứ hỏi tôi chi tiết xong vặn. Tôi không nhớ những cái đó nhưng nếu giờ HĐXX cho xe chở, tôi sẽ đưa về đúng căn nhà đó”.

Luật sư Trần Đình Triển chất vấn bị cáo Trần Hải Sơn
Luật sư Trần Đình Triển (bên phải, giơ tay) chất vấn bị cáo Trần Hải Sơn (đứng trước vành móng ngựa) - Ảnh chụp qua màn hình

Bị Luật sư Triển chất vấn, Sơn xác nhận giữ nguyên lời khai là đã bàn bạc với ông Goh Hoon Soew - Giám đốc Công ty AP, đơn vị môi giới bán ụ nổi 83M - về việc chuyển số tiền 1,666 triệu USD về Việt Nam thông qua một hợp đồng liên danh với công ty Phú Hà. Luật sư Triển cũng cho biết mình đã sang Singapore lấy lời khai của ông Goh, theo đó ông Goh khẳng định việc thương thảo mua ụ nổi được tiến hành giữa ông và các cán bộ đại diện Vinalines mà ông Sơn là người đứng đầu.

Trong khi đó, bị cáo Dũng và Phúc tiếp tục phủ nhận việc nhận tiền “lại quả” (mỗi người 10 tỉ đồng) từ Sơn. Bị cáo Dương Chí Dũng khai bị cáo chỉ gặp ông Goh duy nhất một lần, ngẫu nhiên tại 1 buổi hội thảo, trước khi giao dịch mua ụ nổi 83M. Bị cáo không tham gia gặp gỡ với bất kỳ cấp dưới nào để chỉ đạo trong quá trình mua ụ nổi 83M.

Còn Phúc trình bày lại việc bản thân ý thức không lý gì đối tác cho không 1,666 triệu USD mà phải liên quan đến ụ nổi 83M nên bị cáo khai chắc việc này phải do Dũng hoặc Phúc quyết.

Trong buổi sáng, các luật sư cũng đưa ra các căn cứ gỡ tội cho nhóm bị cáo cửa khẩu Chi cục Hải quan Vân Phong. Các bị cáo cho rằng nhận thức khi cho thông quan ụ nổi No. 83M vì đây không phải là tàu biển. Trả lời tại toà phúc thẩm, các cơ quan liên quan cũng xác nhận việc này trong một số văn bản.

Chủ tọa công bố các văn bản của Bộ Giao thông vận tải khẳng định ụ nổi không phải là tàu biển mà là thiết bị dùng để sửa chữa tàu nên không bị giới hạn bởi quy định tuổi nhập khẩu (không quá 15 tuổi nếu là tàu biển).

Chủ tọa cũng công bố kết luận giám định liên ngành phần nhận định các cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong (Khánh Hòa) không có sai phạm khi thực hiện thủ tục cho thông quan ụ nổi 83M.

 

 


Ý kiến của bạn