1. Vitamin C
Vitamin C được biết đến là một vitamin có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng của cơ thể. Nhiều nghiên cứu cho thấy, vitamin C giúp chống lại một số bệnh nhiễm trùng do virus và vi khuẩn như viêm phổi và các bệnh về đường hô hấp khác. Vitamin C còn có thể cải thiện chức năng phổi ở những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Hàm lượng vitamin C hàng ngày được khuyến cáo là 90 miligam (mg) đối với nam và 75 mg đối với nữ.
2. Vitamin D
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người bổ sung vitamin D ít có khả năng bị nhiễm trùng phổi, kiểm soát các triệu chứng hen suyễn, ngăn ngừa bệnh COPD và giúp cải thiện cuộc sống của người bệnh. Ngoài ra, mức vitamin D trong cơ thể thấp làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như cúm và COVID-19, cả hai đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe phổi.
Tuy nhiên, trước khi muốn bổ sung vitamin D, người bệnh cần được kiểm tra xem có bị thiếu vitamin D hay không. Từ đó, các bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể về lượng vitamin D cần dùng.
Thông thường, trung bình mỗi ngày nên dùng 600 đơn vị quốc tế (IU) mỗi ngày cho người lớn và 800 IU cho người từ 70 tuổi trở lên.
3. Vitamin A và vitamin E
Một số nghiên cứu chứng minh vitamin A và E có thể giúp chống lại nhiễm trùng đường hô hấp của cơ thể. Những người tiêu thụ thực phẩm giàu vitamin A và E hoặc những người dùng chất bổ sung vitamin A và E, ít có nguy cơ bị nhiễm trùng phổi hơn.
Trung bình mỗi ngày nam giới trưởng thành cần 900 microgam (mcg) vitamin A và phụ nữ là 700 mcg. Lượng vitamin E cần thiết cho người lớn là 15 mg/ngày.
4. Magiê
Magie là một khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sức khỏe và chức năng của phổi. Magiê giúp thư giãn các cơ trơn phế quản (các cơ trong đường hô hấp chính của phổi). Khi các cơ này co lại quá nhiều sẽ khiến đường thở bị thu hẹp. Việc thư giãn các cơ sẽ cải thiện chức năng phổi, giúp người bệnh dễ thở hơn. Magiê cũng có thể làm giảm chứng viêm cho những người mắc một số bệnh về phổi.
Các nghiên cứu cho thấy, những người mắc bệnh hen suyễn mạn tính thường có lượng magie thấp và việc bổ sung magiê sẽ giúp thư giãn đường thở của những người mắc bệnh này. Bổ sung magiê cũng có thể bảo vệ chống mất chức năng phổi ở những người mắc bệnh COPD và ung thư phổi.
Với nam giới trưởng thành, lượng magiê cần thiết là 400 đến 420 mg/ngày và phụ nữ trưởng thành là 310 đến 320 mg/ngày.
5. Axit béo omega-3
Axit béo omega-3 được biết đến với tác dụng giảm viêm khắp cơ thể, nhờ đó có thể hỗ trợ sức khỏe phổi. Một nghiên cứu cho thấy, những người có lượng axit béo omega-3 trong máu cao hơn sẽ ít bị suy giảm chức năng phổi hơn, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong do bệnh phổi kẽ (ILD) hơn. Đồng thời, omega-3 có thể cải thiện chức năng hô hấp và phục hồi ở những người bị tổn thương phổi.
Lượng omega-3 được khuyến nghị cho nam giới trưởng thành là 1,6 gam (g) /ngày và phụ nữ là 1,1 g/ngày. Ngoài ra, có thể bổ sung omega-3 bằng cách ăn cá, hạt lanh, hạt chia và một số loại hạt.
Lưu ý khi bổ sung vitamin và khoáng chất
Mặc dù có tác dụng tốt, nhưng không phải ai cũng có thể bổ sung vitamin và khoáng chất để hỗ trợ sức khỏe phổi.
Một số vitamin có thể gây tương tác với các thuốc đang dùng hoặc có tác động tiêu cực đến một số tình trạng sức khỏe. Ngoài ra, việc bổ sung quá nhiều một số vitamin cũng có thể gây ra tác hại nguy hiểm cho cơ thể. Do đó, tốt nhất trước khi dùng nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn bổ sung thích hợp.
Có thể áp dụng một số cách để duy trì sức khỏe của lá phổi:
- Tránh hút thuốc lá, hút thuốc thụ động.
- Duy trì tập luyện thường xuyên, ngủ đủ giấc (ngủ 7-8 tiếng/đêm).
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, uống đủ nước, khoảng 2 lít/ngày.
- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, khô ráo.
- Kiểm tra sức khỏe thường xuyên và thực hiện đúng, đủ lịch tiêm chủng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Vitamin A: Bà bầu bổ sung thế nào cho đúng? | SKĐS