Vitamin K - vệ sĩ của máu và bí kíp chống loãng xương

12-08-2015 09:09 | Dược
google news

Vitamin K không chỉ là vitamin quan trọng đối với cơ thể mà còn có tác dụng rất lớn giúp ngăn ngừa loãng xương, xơ vữa động mạch, phòng và điều trị xuất huyết

Vitamin K có vai trò quan trọng cho sức khỏe con người. Nhiều trường hợp bệnh được bác sĩ chỉ định dùng vitamin này.

Vitamin K và vai trò của nó

Vitamin K thuộc nhóm vitamin tan trong dầu (gồm có vitamin A, D, E, K), được chia làm 3 dạng chính:

Vitamin K1 (Phylloquinon, phytonadion, phytonacton) có nhiều trong các loại rau xanh (bông cải, rau diếp…), đậu nành, thịt, trứng, cá…

Vitamin K2 (Menaquinon) được tạo ra từ các loại vi khuẩn sinh sống trong ruột.

Vitamin K3 (Menadion) là dạng vitamin K tổng hợp.

Vitamin K1 và vitamin K2 có nguồn gốc thiên nhiên và không có độc tính.

Vitamin K3 được tổng hợp ra và có độc tính.

Vitamin K có nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể như:

Vitamin K đóng vai trò chủ yếu trong quá trình đông máu: vitamin K là một thành phần quan trọng của hệ enzyme gan, tổng hợp ra các yếu tố đông máu như prothrombin (yếu tố II), yếu tố VII, IX, X và các protein C, protein S. Vì vậy, vitamin K còn được gọi là vitamin đông máu.

Vitamin K giúp ngăn ngừa loãng xương: vitamin K giúp tăng cường sự gắn kết canxi vào khung xương, làm tăng mật độ xương giúp xương chắc khỏe, ngăn ngừa loãng xương.

Vitamin K ngăn chặn quá trình xơ hóa động mạch: vitamin K ngăn chặn sự vôi hóa (calcification) ở động mạch làm xơ hóa động mạch, giúp bảo vệ tim mạch.

Vitamin K ngăn ngừa sỏi thận: vitamin K ngăn chặn sự tích tụ canxi ở thận nên giúp ngăn ngừa sỏi thận.

Vitamin K từ thực phẩm và từ các vi khuẩn sinh sống ở ruột tạo ra, là nguồn cung cấp chủ yếu cho nhu cầu vitamin K của cơ thể.

Nhu cầu vitamin K

Nhu cầu hàng ngày của vitamin K:

Trẻ sơ sinh:

0 - 6 tháng: 2 microgam (mcg)/ngày.

7 - 12 tháng: 2,5mcg/ngày.

Trẻ em:

1 - 3 tuổi: 30mcg/ngày.

4 - 8 tuổi: 55mcg/ngày.

9 - 13 tuổi: 60mcg/ngày.

Thanh thiếu niên và người lớn:

14 - 18 tuổi: 75mcg/ngày.

> 19 tuổi: 90mcg/ngày.

Những chỉ định điều trị của vitamin K

Các chế phẩm vitamin K thường được trình bày ở dạng thuốc viên, thuốc tiêm và được chỉ định điều trị trong các trường hợp sau:

- Phòng ngừa và điều trị các trường hợp xuất huyết.

- Giảm prothrombin - huyết.

Bổ sung vitamin K cho cơ thể khi sử dụng thuốc kháng sinh trong một thời gian dài (kháng sinh sẽ tiêu diệt các vi khuẩn sinh sống ở ruột có nhiệm vụ tổng hợp ra vitamin K).

Người mắc bệnh ở đường tiêu hóa (viêm ruột, xơ gan, tắc mật…) không hấp thu vitamin K.

Phòng ngừa sự thiếu vitamin K ở trẻ mới sinh (do các vi khuẩn ở ruột chưa tổng hợp ra vitamin K).

DS. MAI XUÂN DŨNG


Ý kiến của bạn
Tags: