Vitamin hoa cho cuộc sống

05-02-2019 14:09 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Năm 1911, nhà bác học người Ba Lan đã đưa ra khái niệm vitamin lần đầu tiên có ý để gọi những chất amin sống.

Ðó là những hợp chất hữu cơ mà cơ thể không thể tổng hợp được, phần lớn phải bổ sung bằng đường ăn uống. Dù chỉ với lượng rất nhỏ nhưng vitamin đóng vai trò rất quan trọng đối với sự sống của con người bởi nó là những chất xúc tác không thể thiếu trong các quá trình chuyển hóa chất. Thừa hay thiếu vitamin đều mang lại những vấn đề về sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng con người.

Vitamin - Cần thiết để duy trì sự sống

Vitamin là một hợp chất hữu cơ có rất ít trong thức ăn nhưng rất cần thiết để duy trì sự sống. Mặc dù vitamin có cấu tạo hóa học, vai trò và sự hoạt động khác nhau nhưng đều có những đặc điểm chung: Không mang năng lượng cho cơ thể - đó là những chất hữu cơ, calori bằng 0, không protein; Hoạt động với một lượng rất nhỏ: nhu cầu cần thiết hàng ngày tùy theo từng loại vitamin, từ vài microgam như B12 đến hàng chục miligam như vitamin C; Cơ thể không tự tạo ra được vitamin mà phải cung cấp từ thức ăn, ngoại trừ vitamin D cơ thể tạo ra dưới tác động của tia cực tím và một vài loại như vitamin K, B12 có thể do vi khuẩn trong ruột tạo ra; Không thể thay thế lẫn nhau: một loại vitamin này khi bị thiếu không thể thay thế bằng một loại vitamin khác; Cần thiết cho từng giai đoạn hoạt động của tế bào và quá trình duy trì, phát triển của các cơ quan trong cơ thể.

Có thể nói, vitamin như một tia lửa khởi động ngọn lửa (vitamin tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sản xuất và sử dụng năng lượng). Ngoài ra, vitamin còn bảo vệ tế bào khỏi bị tấn công nhờ đặc tính chống lại quá trình ôxy hóa, tham gia chống nhiễm trùng, trung hòa chất độc và sửa chữa các cấu trúc bị hư hỏng.

Nếu thiếu vitamin, hoạt động của cơ thể sẽ bị rối loạn. Nhiều khi gây ra những bệnh gây tàn tật hoặc chết người. Nhưng thiếu nhẹ là phổ biến. Một số bệnh do thiếu vitamin: bệnh Beriberi do thiếu vitamin B1; bệnh Scorbut do thiếu vitamin C, bệnh Pellagre do thiếu vitamin PP, bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12, bệnh khô mắt do thiếu vitamin A, bệnh còi xương do thiếu vitamin D, bệnh Spina-Bifida (bất thường sự khép ống thần kinh) do thiếu vitamin B9...

Vitamin có thể hoạt động một mình nhưng thông thường, chúng kết hợp với men và được gọi là coenzym. Vitamin được chia ra làm 2 nhóm: nhóm tan trong nước và nhóm tan trong dầu.

Hầu hết các vitamin B và C tan trong nước. Như vậy, mặc dù có nhiều trong thức ăn nhưng qua quá trình bảo quản và chế biến, chúng sẽ mất đi rất nhiều. Cơ thể không dự trữ các vitamin này vì chúng tan trong nước nên bị thải ra ngoài qua nước tiểu. Vitamin B12 là một ngoại lệ, được dự trữ tại gan.

Vitamin tan trong dầu được hấp thu và vận chuyển cùng với mỡ. Cơ thể dự trữ các vitamin này chủ yếu ở gan và mô mỡ. Vì vậy, khi cơ thể hấp thu quá nhiều các vitamin này sẽ xảy ra hiện tượng ngộ độc.

Dù chỉ với lượng rất nhỏ nhưng vitamin đóng vai trò rất quan trọng đối với sự sống của con người bởi nó là những chất xúc tác không thể thiếu trong các quá trình chuyển hóa chất. Thừa hay thiếu vitamin đều mang lại những vấn đề về sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng con người.

Vitamin đóng vai trò gì trong cơ thể?

Phần lớn các vitamin hoạt động như một phức hợp hoạt hóa men, tham gia quá trình biến đổi, dự trữ năng lượng trong cơ thể. Một số khác ảnh hưởng tới quá trình ôxy hóa. Nhiều loại có tác dụng phức tạp hơn như cấu tạo nên hormon như vitamin D, vitamin A (ngày nay, người ta khẳng định vitamin D là một tiền hormon). Có thể kể ra một số vai trò của vitamin như:

Thụ thai và phát triển bào thai, thiếu chúng sẽ gây vô sinh, biến dạng thai cũng như gây biến chứng lúc có thai và lúc sinh nở.

Quá trình tăng trưởng và khoáng hóa xương. Chẳng hạn, thiếu vitamin D dẫn đến rối loạn cấu tạo xương, đưa tới hậu quả biến dạng xương, ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng của trẻ.

Sự hấp thu các chất dinh dưỡng.

Hoạt động nhân lên của tế bào.

Tham gia quá trình miễn dịch của cơ thể.

Tổng hợp các chất trung gian của hệ thần kinh.

Đào thải, trung hòa các chất độc, làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể.

Ai dễ thiếu vitamin?

Vitamin rất quan trọng với sự phát triển và duy trì sự sống cho con người.

Tuy nhiên, hầu như tất cả chúng ta đều đang bị thiếu hụt một hay nhiều loại vitamin, đặc biệt là ở trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú, người già và những người đang bị bệnh, nhất là những bệnh thiếu dinh dưỡng. Thiếu vitamin có thể do những nguyên nhân sau: Do thiếu ăn, chất lượng lương thực thực phẩm không đảm bảo, quá trình bảo quản, chế biến không đúng; Do chất đất và nguồn nước ở từng khu vực; Chế độ ăn kiêng; Nghiện rượu (những người nghiện rượu thường thiếu vitamin B1 trầm trọng); Rối loạn hấp thu, thường thấy ở những người mắc bệnh đường tiêu hóa, người già; Nhu cầu cơ thể tăng nhưng cung cấp không đủ như ở trẻ em, phụ nữ có thai, người lao động nặng, vận động viên... Việc bổ sung thêm các loại vitamin cho các đối tượng này là điều quan trọng.

Tuy nhiên, vitamin D (calciferol) là một ngoại lệ. Nó hầu như không có trong thức ăn (trừ một vài loại cá biển béo), có ít trong sữa mẹ. Phụ thuộc nhiều vào việc cơ thể có được tắm nắng hay không. Và như vậy, hiện nay, gần như tất cả mọi người, đặc biệt là các cháu nhỏ sinh ra vào mùa đông, các cháu bị trông giữ trong nhà, bố mẹ không có thời gian cho con tắm nắng bị thiếu hụt vitamin D dẫn đến bị bệnh còi xương theo nhiều mức độ.

Thiếu vitamin dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhưng thừa vitamin cũng rất nguy hiểm, đặc biệt là thừa các vitamin nhóm tan trong dầu. Ví dụ như thừa vitamin A, vitamin D trong thai kỳ dẫn đến khiếm khuyết các cơ quan, thậm chí tử vong. Trong mấy năm gần đây, rất nhiều trẻ bị vàng da do sử dụng quá nhiều thức ăn có chứa nhiều bêta caroten. Hầu hết các vitamin là thuốc bán không cần đơn nên rất nhiều người sử dụng mà không cần tư vấn của các nhà chuyên môn. Điều này rất nguy hiểm vì có thể mang lại nhiều nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí hại đến tính mạng. Chính vì thế, khi có các biểu hiện thiếu vitamin, cần đến bác sĩ để kiểm tra, nghe tư vấn và bổ sung vitamin kịp thời.

Trước khi tìm ra vitamin, loài người phải đương đầu với một số bệnh do thiếu vitamin như bệnh Pellagra (tróc vẩy ở da, tiêu chảy, loét miệng); Scurvy (chảy máu lợi, rụng răng); Beriberi (phù, đột tử); khô mắt, mù, xương phát triển không bình thường... Những bệnh này hoành hành như là một bệnh dịch, đôi khi làm chết cả một làng, một đội thủy thủ của một con tàu (bệnh Scurvy làm 626 thủy thủ chết trong cuộc hành trình vòng quanh thế giới của ông George Ason năm 1747, bệnh Beriberi tàn phá nước Nhật vào thế kỷ 19).

Từ hàng nghìn năm trước, trên các bức tường cổ Ai Cập đã có những hình vẽ khuyên ăn gan gia súc, thú rừng để tránh bệnh mù, những hình vẽ thời thượng cổ Trung Hoa ghi nhận cách chữa bệnh vẹo xương.

Năm 1911, nhà sinh hóa người Ba Lan Casimir Funk đã tìm ra một chất bí ẩn được phân lập từ gạo - một chất nếu mà thiếu nó sẽ dẫn đến chết người (bệnh Beriberi). Ông đặt tên là vitamin vì chất này thuộc nhóm amin và cần thiết cho sự sống. Sau đó, người ta tìm ra vitamin A vào năm 1913, vitamin D năm 1918, vitamin E năm 1922, vitamin C năm 1932, viamin B1 năm 1921, B9 năm 1945, B12 năm 1948...

BS. Ngô Văn Hòa
Ý kiến của bạn