Hà Nội

Vitamin E có tác dụng gì trong trị hiếm muộn?

13-06-2014 14:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tôi lấy chồng được hơn một năm nhưng chưa có con. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị hiếm muộn nên cho uống thuốc, trong đó có vitamin E.

Tôi lấy chồng được hơn một năm nhưng chưa có con. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị hiếm muộn nên cho uống thuốc, trong đó có vitamin E. Thường tôi chỉ nghe mọi người mách nhau uống hoặc bôi vitamin E để đẹp da. Xin quý báo giúp tôi hiểu rõ tác dụng của thuốc này trong điều trị hiếm muộn. Tôi xin cảm ơn!

Bùi Thị Hải Hà (Thái Bình)

Vitamin E là thuật ngữ chỉ một nhóm các chất có hoạt tính sinh học tương tự nhau là α, β, γ, δ tocoferol trong đó α - tocoferol có hoạt tính mạnh nhất, hoạt tính của 1mg α - tocoferol bằng 1 đơn vị vitamin E. Vitamin E có nhiều trong dầu thực vật như dầu cám, dầu lạc, trong các hạt nảy mầm, trong rau xanh; được hấp thu qua niêm mạc ruột và cần có sự chuyển hóa của acid mật.

Vitamin E có nhiều tác dụng quan trọng, trong đó có tác dụng chống ôxy hóa bảo vệ màng tế bào khỏi sự tấn công của các gốc tự do, nhờ đó bảo vệ được tính toàn vẹn của màng tế bào. Đồng thời nó có tác dụng hiệp đồng với vitamin C, vitamin A, selen nhất là có tác dụng bảo vệ vitamin A không bị ôxy hóa.

Khi thiếu vitamin E sẽ có các biểu hiện như rối loạn thần kinh, yếu cơ, rung rật nhãn cầu, giảm nhạy cảm về xúc giác, dễ tổn thương da, dễ vỡ hồng cầu. Đặc biệt trên hệ sinh dục, khi thiếu vitamin E gây tổn thương cơ quan này và có thể gây vô sinh. Chính vì vậy ngày nay thường phối hợp vitamin E với các thuốc khác để điều trị vô sinh ở nam hay nữ, rối loạn kinh nguyệt, sẩy thai... ngoài ra còn hay được dùng phối hợp trong điều trị các bệnh khác như cận thị tiến triển, thiếu máu tan máu, teo cơ loạn dưỡng cơ, dùng để ngăn chặn tác hại của tia cực tím...

Tuy nhiên, cần phải chú ý khi dùng liều cao, kéo dài thuốc này có thể gặp các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đầy hơi, tiêu chảy...

Trên thị trường có các chế phẩm khác nhau như dạng uống, dạng tiêm hoặc dạng mỡ bôi ngoài da. Tùy theo bệnh và mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ có chỉ định hàm lượng và chủng loại.

ThS. Nguyễn Vân Anh


Ý kiến của bạn
Tags: