1. Đau bụng kinh là gì?
Đau bụng kinh là những cơn đau hoặc co thắt, đau quặn ở vùng bụng dưới, thường xuất hiện ngay trước và trong khi hành kinh. Đau bụng kinh là một triệu chứng phổ biến trong chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới.
Nhiều phụ nữ chỉ cảm thấy cơn đau này hơi khó chịu, mệt mỏi. Ngược lại, một số lại bị đau bụng kinh dữ dội, có thể gây ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt trong vài ngày.
Đau bụng kinh thường được đặc trưng bởi sự gia tăng nồng độ prostaglandin (hoặc các chất giống như hormone) trong kinh nguyệt, nên việc ức chế sản xuất prostaglandin đã trở thành cách chính để điều trị đau bụng kinh.
Để giảm đau trong thời kỳ kinh nguyệt, có thể dùng thuốc chống viêm không kê đơn (NSAID) hoặc thuốc tránh thai.
2. Vì sao vitamin E giúp giảm đau bụng kinh?
Vitamin E là một chất chống oxy hóa, tan trong dầu, được chứng minh là có thể giúp làn da khỏe mạnh, tăng cường miễn dịch, bảo vệ các tế bào của cơ thể khỏi tác hại của các gốc tự do…
Các nghiên cứu cũng cho thấy, bổ sung vitamin E có thể làm giảm đau trong thời kỳ kinh nguyệt, bao gồm cả tình trạng chuột rút.
Theo đó, uống vitamin E sẽ làm giảm lượng prostaglandin trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến giảm đau tổng thể và khó chịu trong thời kỳ kinh nguyệt và thư giãn các cơ tử cung. Ngoài ra, vitamin E cũng có thể làm giảm thời gian và cường độ của cơn đau bụng kinh cũng như hạn chế mất máu, thậm chí có thể giúp giảm chuột rút, lo lắng, thèm ăn và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.
Tuy nhiên, uống vitamin E không loại bỏ hoàn toàn cơn đau trong đau bụng kinh nguyên phát. Ngoài ra, tác động giảm đau bụng kinh của vitamin E lên mỗi người là khác nhau.
3. Nên uống bao nhiêu là đủ?
Để giảm đau bụng kinh, các chuyên gia khuyên, nên dùng 15 mg/ngày cho người bình thường và 19 mg/ngày cho bà mẹ đang nuôi con bú. Lưu ý, khi chọn bổ sung vitamin E, hãy tìm những sản phẩm có chứa vitamin E tự nhiên thay vì vitamin E tổng hợp.
Một số thực phẩm chứa nhiều vitamin E tự nhiên: Hạt hướng dương, quả hạnh, phỉ, cà chua, hỗn hợp các loại hạt, khoai lang, các loại rau lá xanh như rau bina, dầu mầm lúa mì, dầu thực vật, quả kiwi…
Các chuyên gia cho hay, không có bằng chứng nào cho thấy vitamin E từ thực phẩm có kết quả tương tự như vitamin E bổ sung. Tuy nhiên, thực phẩm giàu vitamin E trong chế độ ăn uống có thể giúp tăng cường sức khỏe tổng thể.
4. Rủi ro khi bổ sung vitamin E
Giống như vitamin D, A và K, vitamin E là một loại vitamin tan trong dầu, nơi lượng dư thừa được lưu trữ trong các mô mỡ của cơ thể, tích lũy theo thời gian nên có nguy cơ ngộ độc vitamin E khi bổ sung quá nhiều.
Thông thường, ngộ độc vitamin E có thể xảy ra với liều lượng hàng ngày từ 1000 mg trở lên. Với liều lượng trên 300 mg vitamin E cũng có thể gây ảnh hưởng đến tác dụng của các thuốc aspirin, warfarin, cyclosporine và tamoxifen.
Do đó, trước khi muốn dùng chất bổ sung vitamin E, cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn và chỉ định cách dùng an toàn, hiệu quả.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Ăn cá hay ăn thịt tốt hơn?