Hà Nội

Vitamin D3 có thể làm giảm nguy cơ ung thư da do asen

03-01-2023 10:27 | Thông tin dược học

SKĐS - Mới đây, một phân tích của các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy, vitamin D3 có thể làm giảm nguy cơ ung thư da do hóa chất asen có trong nước.

Nguồn nước nhiễm asen có thể gây nguy cơ ung thư 

Asen hay còn gọi là thạch tín, có mặt trong nước tự nhiên với nồng độ thấp. Nồng độ asen trong nước ngọt không ô nhiễm là khoảng 1-10microgam/l và tăng cao trong nguồn nước ở những vùng có khoáng hóa sulfur và vùng mỏ. Trong nước, asen thường tồn tại ở dạng asenat hoặc asenit.

Asen vô cơ tồn tại tự nhiên trong đất ở nhiều mức độ khác nhau. Ngoài ra, asen còn có thể phát sinh từ các hoạt động của con người như sản xuất công nghiệp, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật có chứa asen; khai thác mỏ than, kim loại… gây ô nhiễm đất rồi thâm nhập vào nguồn nước ngầm, nước mặt.

Vitamin D3 làm giảm nguy cơ ung thư da do asen - Ảnh 1.

Nhiễm độc asen mãn tính từ nước uống có nguy cơ gây ung thư.

Asen vô cơ được coi là chất cực độc với con người (gấp 4 lần thủy ngân). Nếu ăn hoặc uống phải thực phẩm/nước có chứa asen, tùy hàm lượng, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe:

- Tử vong (hàm lượng asen trên 60.000microgam/l.

- Nhiễm độc dạ dày, ruột (hàm lượng asen từ 300-30.000microgam/l).

- Rối loạn nhịp tim, vỡ mạch máu gây bầm tím, tê tay, chân, sạm da, dày sừng, ung thư… nếu nhiễm asen trong thời gian dài.

Tại Việt Nam, theo QCVN 01-1/2018/BYT, tiêu chuẩn cho phép đối với các cơ sở cung cấp nước, hàm lượng asen trong nước sinh hoạt không vượt quá 0,01mg/l. Trong nước ăn/uống, hàm lượng asen không được vượt quá 0,01mg/l.

Người ta đã báo cáo rằng các chất độc trong môi trường, như asen, có thể góp phần vào sự phát triển của các bệnh đe dọa đến tính mạng, chẳng hạn như ung thư. Nhưng quá trình này có thể mất nhiều năm để ung thư phát triển. Việc tiếp xúc với asen mãn tính từ nước uống có thể gây ra nhiều loại ung thư, bao gồm cả ung thư da, nhưng có rất ít dữ liệu về việc ngăn ngừa và điều trị quá trình gây ung thư do asen gây ra.

Vitamin D3 ức chế quá trình gây ung thư da của asen

Kết quả nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Shibaura (SIT) và Đại học Nagoya (Nhật Bản) thực hiện cho thấy: Calcitriol - được gọi là vitamin D3 hoạt hóa, có tác dụng ức chế quá trình gây ung thư qua trung gian asen ở tế bào sừng - được tìm thấy lớp ngoài cùng của da.

TS. Ichiro Yajima, Đơn vị độc học phân tử và tế bào thuộc Khoa khoa học sinh học và kỹ thuật tại SIT, cho biết: Nghiên cứu trong ống nghiệm trên các tế bào sừng HaCaT trên da không sinh khối u ở người cho thấy: Vitamin D3 hoạt hóa hoặc 1,25-dihydroxy-vitamin D3, ức chế sự phát triển, điều hòa giảm hoạt hóa ung thư do asen.

Vitamin D3 làm giảm nguy cơ ung thư da do asen - Ảnh 3.

Biểu hiện đặc trưng khi nhiễm độc asen trong nhiều năm gây tăng sừng hóa lòng bàn tay và lòng bàn chân.

Các nhà khoa học đã đo mức asen trong các tế bào HaCaT được xử lý bằng vitamin D3 hoạt hóa bằng máy quang phổ khối plasma. Họ phát hiện ra rằng nồng độ asen trong các tế bào HaCaT được nuôi cấy bằng asen giảm khi các tế bào được xử lý bằng cách tăng liều lượng vitamin D3 hoạt hóa.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã xem xét và tính toán xem liệu vitamin D3 có tác dụng ức chế sự hình thành khối u do asen gây ra trong các tế bào khác ngoài tế bào sừng của da hay không. Họ đã thực hiện các thử nghiệm bằng cách sử dụng dòng tế bào biểu mô phổi bình thường của người, phát hiện ra rằng sự tăng trưởng khối u qua trung gian asen được xử lý bằng vitamin D3 đã bị ức chế khoảng 21,4% đến 70%.

Những kết quả này cho thấy, vitamin D3 ngăn chặn sự hình thành khối u do asen gây ra không chỉ ở tế bào sừng mà còn ở các tế bào đích khác, bao gồm cả tế bào biểu mô phổi. Hơn nữa, kiểu biểu hiện của các gen aquaporin (AQP7, 9 và 10) vốn đã bị thay đổi khi tiếp xúc với asen - một bước quan trọng trong quá trình sinh ung thư do asen gây ra - bị thay đổi đáng kể khi xử lý bằng vitamin D3. Do đó, chúng tôi tin rằng vitamin D3 hoạt hóa có thể góp phần ngăn ngừa và điều trị các bệnh do asen gây ra, bao gồm cả ung thư, TS. Yajima cho biết.

Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu ung thư của Mỹ.

Mời độc giả xem thêm video:

6 thói quen sau ăn hại dạ dày ghê gớm, người việt hay mắc phải - SKĐS

Minh Đức
Ý kiến của bạn