Bệnh chàm (eczema) là một tình trạng viêm mãn tính có thể gây ảnh hưởng lớn đến người mắc, gia đình... Ước tính, cứ sáu trẻ có độ tuổi từ 1 đến 5 thì có một trẻ mắc bệnh chàm và đã có sự gia tăng trên toàn cầu trong những thập kỷ gần đây.
Vai trò của vitamin D ở phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai được khuyến cáo bổ sung vitamin D trong thai kỳ để giúp phát triển xương, răng và cơ của thai nhi. Vitamin D còn giúp điều chỉnh phản ứng miễn dịch của mẹ - thai nhi và sự phát triển mạch máu, những yếu tố này rất quan trọng đối với một thai kỳ khỏe mạnh.
Tình trạng thiếu hụt vitamin D là vô cùng phổ biến, nhất là phụ nữ mang thai. Hàm lượng vitamin D thấp có liên quan đến các vấn đề thai kỳ nghiêm trọng khác bao gồm các vấn đề về thụ thai và các biến chứng thai kỳ như tiền sản giật và sinh non.
Mẹ bầu uống đủ vitamin D giúp giảm nguy cơ mắc bệnh chàm ở trẻ sơ sinh.
Mới đây, một nghiên cứu của Đại học Southampton, Anh, cho thấy, trẻ sơ sinh ít có khả năng mắc bệnh chàm hơn trong năm đầu tiên nếu mẹ bầu bổ sung 1000 IU vitamin D mỗi ngày từ lúc thai được 14 tuần đến khi sinh. Hiệu quả thấy rõ những trẻ được bú sữa mẹ sau hơn 1 tháng, vì bổ sung trong thai kỳ làm tăng lượng vitamin D trong sữa mẹ.
Nghiên cứu này là thử nghiệm ngẫu nhiên, có đối chứng đầu tiên với hơn 700 phụ nữ mang thai tham gia vào nghiên cứu. Trong đó có 352 người dùng vitamin D từ tuần thứ 14 đến khi sinh và 351 người dùng giả dược.
Kết quả cho thấy, những trẻ sơ sinh của các bà mẹ đã bổ sung vitamin D có nguy cơ mắc bệnh chàm thấp hơn khi được 12 tháng. Đồng thời, nghiên cứu cũng không tìm thấy ảnh hưởng nào ở tháng thứ 24 và 48. Điều này chứng tỏ, trẻ cũng có thể cần được bổ sung vitamin D trong giai đoạn sau khi sinh để có tác dụng lâu dài.
Từ nghiên cứu này cho thấy, cần thực hiện nghiêm chỉnh các khuyến nghị bổ sung vitamin D thường xuyên trong thời kỳ mang thai.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cháy nắng: Cách nào làm dịu làn da?