Vitamin của thế kỷ 21

06-12-2015 15:31 | Dược
google news

Vitamin K có nhiều vai trò khác và được các nhà khoa học dự đoán là vitamin của thế kỷ 21.

Ai cũng biết vitamin K (vit K) phối hợp với các yếu tố khác tạo ra thrombin biến fibrinogen (dạng hòa tan trong huyết tương) thành fibrin (dạng sợi máu không tan, có tác dụng cầm máu). Nhưng ít người biết, vit K còn có nhiều vai trò khác và được các nhà khoa học dự đoán là vitamin của thế kỷ 21.

Vit K với xơ cứng mạch ở người cao tuổi

Bệnh xơ cứng mạch tuổi già được BS. Monckebegr (Đức) phát hiện ra nguyên nhân vào năm 1900, đó là do sự lắng đọng canxi ở lớp giữa thành động mạch. Vit K2 đã làm dừng quá trình của sự lắng đọng này. Nếu thiếu vit K2 thì sự lắng đọng đó sẽ tăng lên, gây xơ cứng mạch. Bởi vậy, có thể dùng vit K2 trong việc phòng chống chứng xơ cứng mạch ở người cao tuổi.

Vitamin của thế kỷ 21 1
Thực phẩm chứa nhiều vitamin k.

Vit K với bệnh huyết khối

Sự lắng đọng của tiểu cầu nguyên nhân là do bị stress - ôxy hóa gốc tự do (GTD). Vit K chống lại sự ôxy hóa, sàng lọc GTD mạnh hơn vit E. Trong dự phòng ôxy hóa acid linoleic, vit K đạt hiệu quả hơn 80% so với vit E. Do đó, có thể dùng vit K trong dự phòng lắng đọng tiểu cầu. Thiếu hụt protein S và C sẽ gây đông máu (vì protein S và C là hai yếu tố làm đảo ngược sự đông máu). Vit K hoạt hóa protein S và C nên ngăn ngừa sự đông máu. Cơ chế phòng bệnh huyết khối của vit K khác hẳn với cơ chế gây đông máu.

Vit K với xuất huyết não ở trẻ sơ sinh

Trong vòng 24 - 72 giờ sau sinh, trẻ bị chứng chảy máu não do thiếu vit K (sữa mẹ thiếu, vi khuẩn ở ruột trẻ chưa hình thành để tổng hợp vit K bù đắp) có nguy cơ bị xuất huyết não (bỏ bú đột ngột, xanh tái, khóc thét, nôn ói, rên rỉ, sụp mắt, hôn mê, rối loạn nhịp thở, tử vong với tỷ lệ cao (25 - 40%); nếu được cứu sống cũng để lại di chứng (liệt chân tay, bại não, động kinh, mù, điếc, suy giảm trí nhớ). Do đó, ngay sau khi trẻ mới sinh, cần tiêm bắp 1mg vit K nhằm ngăn ngừa chứng này.

Vit K với thần kinh, chống lão hóa

Năm 1993, các nhà khoa học đã tìm thấy các protein phụ thuộc vào vit K trong hệ thần kinh, tim phổi, dạ dày, thận, sụn khớp; chúng có vai trò điều hòa sinh trưởng tế bào và hoạt động tín hiệu. Chúng hoạt động mạnh ở não bộ và có tác động như một hormon giúp phòng ngừa quá trình lão hóa (khi mới sinh, vit K không có trong não trẻ sơ sinh, nhưng sau đó xuất hiện, rồi tăng lên theo từng giai đoạn phát triển rồi biến mất cùng tuổi tác).

Mặt khác, vit K còn giúp chuyển hóa acid glutamic thành acid gamma carboxyglutamic giúp điều hòa canxi. Cả canxi, glutamic acid có vai trò quan trọng ở màng tế bào và quá trình ôxy hóa trong chu trình chuyển hóa tế bào, tạo năng lượng cho tế bào hoạt động. Vit K có tính chống ôxy hóa, sàng lọc GTD mạnh hơn vit E, phòng ngừa các tổn thương tế bào do tác động của GTD. Vit K làm ngừng quá trình canxi hóa, ngăn ngừa sự xơ cứng động mạch do tích tụ canxi ở lớp giữa của động mạch kể cả động mạch não. Bằng nhiều cách khác nhau, vit K đã góp phần đảm bảo cho hoạt động bình thường của tế bào thần kinh. Trong bệnh Alzheimer, vit K sẽ ức chế sự chết của tế bào, giảm tổn thương tế bào thần kinh.

Vit K với bệnh xương

Nghiên cứu của Mỹ thấy vit K2 có vai trò với xương (làm giảm gãy xương tới 87%). Nhóm nữ ăn rau diếp (chứa vit K1) nhiều lần trong ngày thì tỷ lệ gãy xương hông thấp hơn nhóm nữ ăn rau diếp chỉ vài lần trong tuần. Một khẩu phần ăn thiếu vit K sẽ làm giảm hấp thu vit D, tăng tỷ lệ gãy xương hông. Tuy nhiên, một nghiên cứu trên phụ nữ loãng xương dùng vit K (với liều lớn) và dùng giả dược lại không thấy có sự khác nhau có ý nghĩa thống kê về mật độ xương, hay tỷ lệ gãy xương. Mỹ chưa có quy định, nhưng Nhật Bản cho dùng mỗi ngày 45mg K2 để phòng ngừa chứng loãng xương, đặc biệt là đối với sự loãng xương sau mãn kinh ở phụ nữ cao tuổi.

Vit K với bệnh Alzheimer

Các nhà khoa học có nhận xét: khi nồng độ vit K thấp thì gen APOE4 cũng thấp. Một số cho rằng, vit K ức chế quá trình chết của tế bào thần kinh, làm giảm tổn thương thần kinh nên dùng vit K có thể có lợi cho bệnh Alzheimer.

Vit K với bệnh ung thư

Các nhà khoa học Nhật Bản đã tiến hành quá trình nghiên cứu trên 21 phụ nữ bị viêm gan do virut, sau đó họ rút ra nhận xét: nhóm dùng vit K có cơ hội giảm đến 90% khả năng chuyển sang ung thư gan. Còn nghiên cứu tại Đức lại cho biết, có sự nghịch đảo giữa việc tiêu thụ vit K và ung thư tuyến tiền liệt.

Vit K trong các bệnh khác

Vit K2 còn dùng trong chứng chán ăn, tâm thần; trong bệnh xơ gan mật; trong bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, trong điều trị leuprolid đối với ung thư tuyến tiền liệt...Tuy nhiên, hiện các nghiên cứu mới này chưa được phê duyệt, dùng đại trà trong lâm sàng.

Tóm lại, với các phát hiện mới trên, các nhà khoa học đang đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò và những đặc tính sinh hóa quý giá của vit K, một trong những loại vitamin sẽ thống trị trong thế kỷ 21.

DSCKII. Bùi Văn Uy


Ý kiến của bạn