Vitamin B6 và những lợi ích dễ bỏ qua

13-11-2018 15:42 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Đã bao giờ bạn gặp các tình trạng như mệt mỏi, khó chịu, mất ngủ, nứt nẻ môi, rụng tóc, hay viêm dây thần kinh ngoại vi... Nếu gặp các tình trạng này rất có thể bạn đã bị thiếu vitamin B6 đấy nhé.

Nhu cầu về vitamin B6 hàng ngày của chúng ta rất nhỏ: Trẻ em là 0,3 - 2mg, người lớn khoảng 1,6 - 2mg và người mang thai hoặc cho con bú là 2,1 - 2,2mg... nhưng tôi lại có vai trò vô cùng quan trọng, đó là giúp bảo vệ các tế bào thần kinh, duy trì chức năng của não; tham gia quá trình tổng hợp hemoglobin (chất có vai trò vận chuyển ôxy trong máu đến các mô) và đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa các chất như  protein, glucid và lipid. Đặc biệt là chất xúc tác trong phản ứng chuyển hóa glycogen thành glucose để cung cấp năng lượng hoạt động trong cơ thể. Nếu thiếu vitamin B6, một số rối loạn trong cơ thể sẽ xảy ra và phát sinh bệnh tật. Những người bị xơ gan, suy tim, cắt bỏ dạ dày, bị bệnh về dường ruột, kém hấp thu, người nghiện rượu... rất dễ bị thiếu vitamin B6. Ở những người này cần đi khám và bổ sung vitamin B6 tôi theo chỉ định của bác sĩ.

Trong thực tế, các bác sĩ còn sử dụng vitamin B6 trong các trường hợp: Phòng ngừa và điều trị một số bệnh lý như rối loạn vận động (run chân tay, co giật do sốt, múa giật, chuột rút ban đêm), rối loạn tâm thần (động kinh, trầm cảm, hưng cảm, tự kỷ...), thiếu máu, bệnh lý tim mạch (xơ vữa động mạch, cholesterol cao), viêm dây thần kinh (ngoại vi, thị giác, thính giác), tăng cường miễn dịch trong điều trị nhiễm trùng mắt, bàng quang và giảm tác dụng phụ của một số thuốc điều trị.

Tuy nhiên khi dùng vitamin B6 liều cao, kéo dài cần thận trọng vì có thể gây bệnh thần kinh ngoại vi nặng, tiến triển từ dáng đi không vững và tê cóng bàn chân đến tê cóng và vụng về bàn tay. Tình trạng này có thể hồi phục khi ngừng thuốc. Buồn nôn và nôn có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc nhưng rất hiếm gặp.


DS. Trần Thị Bích
Ý kiến của bạn