Trưởng phòng Tư pháp một huyện kể rằng, khi được đề nghị phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật cho người dân, bà chủ tịch xã ở xã nọ tuyên bố: Luật không cần phải học. Ai biết đọc, biết viết đều có thể biết luật, cứ theo các quy định, nội dung trong luật mà làm. Khi nghe về điều này, tôi liên tưởng đến cách nghĩ của con trai tôi khi nó mới 5 tuổi.
Đó là khi đang học mẫu giáo, cô giáo dạy nó về con vịt. Và để ôn lại kiến thức đã học ở lớp, về nhà, tôi lấy sách hướng dẫn trẻ mẫu giáo bảo nó chỉ đâu là con vịt trong số rất nhiều con vật. Nó chỉ chính xác con vịt trong tranh. Để thử khả năng tư duy của nó, tôi tiếp tục đưa con ra xem 2 con vịt bảo đâu là vịt nhà, đâu là vịt trời. Nó vẫn bảo cả 2 đều là vịt nhưng không phân biệt được vịt nhà, vịt trời mà chỉ bảo chúng đều là vịt. Vấn đề ở đây là thằng bé không phân biệt sự khác biệt cơ bản vịt nhà và vịt trời. Đó là mặc dù cả hai hoàn toàn giống nhau về ngoại hình nhưng có điểm khác biệt rất lớn là vịt trời thì biết bay và bay rất xa, còn vịt nhà thì không biết bay, nếu có thì bằng rất thấp mà chủ yếu là chạy.
Từ đó, liên tưởng đến vấn đề về chất lượng giáo dục, đào tạo, cách thức sử dụng nhân tài, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay. Nếu con người ta không quan tâm đến việc tự học, không chịu nghiên cứu, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ hoặc học để hợp thức hóa bằng cấp, mua kiến thức nhằm thăng quan tiến chức, trục lợi cá nhân thì để lại hậu quả tiêu cực rất lớn cho xã hội về lâu, về dài. Tình trạng không coi trọng kiến thức, chỉ quen chạy theo bằng cấp, coi trọng việc bắt chước, sao chép vô hình trung làm giảm chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực của xã hội, hình thành nên một thế hệ người trẻ tuổi không có tri thức, rỗng kiến thức, không có khả năng sáng tạo, tư duy và không có khả năng tác nghiệp trực tiếp để hoàn thành tốt công việc mà xã hội giao cho. Những người này khi giao việc gì cũng không hoàn thành, không đạt kết quả hoặc năng suất, chất lượng thấp do sản phẩm họ làm ra không phải từ trí tuệ, tư duy sáng tạo, sự tích lũy kinh nghiệm trong lao động, sản xuất mà đơn giản đó chỉ là sự sao chép rẻ tiền!
Trường hợp xảy ra với cán bộ, công chức thì lại càng nguy hiểm hơn, nhất là những người giữ các vị trí quan trọng trong xã hội hoặc liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân, tổ chức. Bởi vì nếu cái gì cũng dựa vào cái có sẵn, rập khuôn, máy móc, sao chép mà không có sự tư duy, xem xét, đánh giá ở nhiều khía cạnh khác nhau có liên quan để vận dụng, giải quyết vấn đề thì nhất định dẫn đến sai sót. Bởi vì cùng sự vật, hiện tượng như nhau nhưng bản chất là có thể khác nhau, thậm chí đối lập, mâu thuẫn nhau. Do đó, nếu chúng ta không có phương pháp nghiên cứu tốt, tư duy sáng tạo kết hợp với kinh nghiệm tích lũy được qua thực tiễn sẽ gây ra hậu quả khôn lường, nhất là các lĩnh vực liên quan đến tính mạng con người. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là chất lượng giáo dục và đào tạo, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển đi lên của đất nước, tương lai của cả dân tộc.
Trở lại câu chuyện về phát ngôn, nhận thức của vị chủ tịch xã nọ và cũng như một bộ phận trong xã hội, đó là họ cứ nghĩ rằng cứ làm việc theo quán tính, cứ làm như người khác đã làm và sao chép, chỉnh sửa là có thể làm được mọi việc, kể cả công việc chuyên môn, nghiệp vụ đòi hỏi sự tư duy, sáng tạo là hết sức sai lầm, rất nguy hiểm. Bởi thực tiễn đã chứng minh rằng nếu không có kiến thức, không có tư duy, sáng tạo hoặc không học tập, nghiên cứu một cách nghiêm túc, khoa học mà cứ bắt chước người khác như loài vật thì khả năng gây tai họa cho bản thân và xã hội là rất lớn.
Vĩnh Linh