Viêm gan C nguy hiểm thế nào?
Nhiều bệnh nhân biết đến bệnh viêm gan B nhưng lại bỏ qua viêm gan C. Theo các chuyên gia, nếu viêm gan B là bệnh không thể trị dứt điểm và không quá nguy hiểm thì viêm gan C là căn bệnh trong yên lặng, có thể điều trị dứt điểm nhưng lại có tính sát thủ rất mạnh. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, bệnh nhân viêm gan C dễ dàng chuyển sang xơ gan và ung thư gan.
Virút siêu vi C: cực kỳ nguy hiểm
Theo TS.BS. Phạm Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Gan bệnh viện Đa khoa Medic thì cùng với viêm gan A và B, viêm gan C cũng là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Và dù tần suất mắc bệnh viêm gan siêu vi C ít gặp hơn so với bệnh viêm gan do virút A và B nhưng virút viêm gan C tỏ ra uy lực và có những tấn công gây tác hại lớn cho gan. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị đúng cách, người mang bệnh rất dễ dàng chuyển qua giai đoạn xơ gan, ung thư gan.
Theo BS. Thủy, viêm gan C được xem là một căn bệnh “yên lặng”. Khi người bệnh nhiễm bệnh, virút viêm gan C đi từ máu đến gan và trú ngụ ở đó. Nó tấn công và gây hại lên gan rất lớn nhưng các triệu chứng viêm gan C thường không có biểu hiện rõ ràng; chỉ có thể nhận biết được bệnh khi có các xét nghiệm và chẩn đoán chuyên sâu.
Nhóm xét nghiệm để nhận biết cơ thể có bị nhiễm virút viêm gan C hay không là anti-HCV. Đây là loại kháng thể do cơ thể tạo ra để phản ứng với virút viêm gan C. Nếu xét nghiệm cho thấy anti-HCV dương tính thì chứng tỏ bệnh nhân đã hoặc đang bị nhiễm siêu vi C. Tuy nhiên để kiểm tra chính xác về mức độ tổn thương gan thì sẽ có các xét nghiệm khác như HCV ARN, siêu âm, CT-Scan, MRI, sinh thiết gan…
Triệu chứng viêm gan C
Thông thường, bệnh nhân bị viêm gan siêu vi C thường có khả năng tự hết bệnh mà không cần điều trị. Gan sẽ tự điều tiết ra các kháng thể để chống lại và tiêu diệt virút viêm gan C. Dấu hiệu duy nhất cho thấy gan đã miễn dịch được virút này là sự hiện diện của kháng thể chống virút siêu vi C trong máu. Đáng tiếc là chỉ có khoảng 15 - 30% người bị nhiễm virút siêu vi C có khả năng chống chọi và vượt qua giai đoạn nhiễm bệnh, hơn 70% là không thắng nổi và chuyển sang giai đoạn mạn tính, nặng hơn trước.
Ở giai đoạn mạn tính, virút bắt đầu có những tấn công gây tổn thương gan nặng nề và xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, người bị đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, vàng da… Virút gây ra tổn thương và tăng nồng độ của men gan (AST và ALT) trong máu. Gan bị xơ hóa trên diện rộng và phá hỏng những chức năng quan trọng của gan là chuyển hóa và giải độc, dẫn đến xơ gan. Giai đoạn này nếu không có những biện pháp điều trị tích cực sẽ dẫn đến biến chứng cho gan và gây ung thư gan. Viêm gan C có diễn biến thầm lặng, có thể mắc bệnh kéo dài trong thời gian 10 hoặc 20 năm.
Đã tiêm ngừa viêm gan B - liệu có bị nhiễm virút C?
Nhiều người thắc mắc, nếu đã chủng ngừa viêm gan siêu vi B thì liệu có bị nhiễm virút viêm gan C? BS. Thủy cho biết: Nếu đã tiêm ngừa virút viêm gan siêu vi B thì chỉ có tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm siêu vi này. Còn viêm gan C là một loại siêu vi hoàn toàn khác hẳn và chưa có chủng ngừa tiêm phòng; do đó để ngăn ngừa lây nhiễm viêm gan siêu vi C bạn nên áp dụng các phương pháp tránh phơi nhiễm viêm gan C như: không dùng chung vật dụng cá nhân với người bệnh, quan hệ tình dục an toàn…
Phòng ngừa viêm gan C như thế nào?
Bác sĩ Thủy cũng chia sẻ: với những tiến bộ của y học hiện nay, bệnh viêm gan siêu vi C là hoàn toàn có thể điều trị và chữa khỏi. Vì vậy việc tầm soát và nhận biết được bệnh sớm để theo dõi, điều trị kịp thời là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc xét nghiệm và chẩn đoán bệnh viêm gan siêu vi C ở nước ta có chi phí khá cao nên bệnh nhân thường ngần ngại và không đi kiểm tra, xét nghiệm theo định kỳ.
Thực tế nếu viêm gan C càng được phát hiện sớm bao nhiêu thì khả năng điều trị khỏi càng cao bấy nhiêu. Ngoài ra, người bệnh nên lựa chọn những cơ sở y tế đáng tin cậy để có kết quả kiểm tra chính xác. Đồng thời, tự bảo vệ bản thân thông qua việc điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý và thường xuyên vận động để cơ thể có sức đề kháng tốt.