Virut Ebola có thể lây truyền qua sữa mẹ

12-08-2014 15:45 | Thời sự

SKĐS - Chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, virut Ebola có thể lây truyền từ mẹ sang con qua sữa mẹ.

Thông tin tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh do virut Ebola tại Bộ Y tế sáng 12/8, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, trẻ em và người lớn đều có nguy cơ lây nhiễm virut Ebola như nhau, ngoài ra, virut này còn có thể lây truyền từ mẹ sang con qua sữa mẹ. Đối với vấn đề vắc xin phòng Ebola,đại diện WHO cho biết, chưa thể có câu trả lời chính xác bao giờ sẽ có vắc xin ngừa bệnh này. Việc điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh này hiện cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ có thể cách ly, điều trị triệu chứng, bù nước, bù điện giải…

Về vấn đề xét nghiệm, đại diện WHO tại Việt Nam cũng cho biết, các trung tâm xét nghiệm chuẩn thức của WHO trên thế giới đã nỗ lực hỗ trợ các nước trong lĩnh vực này. Đối với các quốc gia có hệ thống xét nghiệm theo tiêu chuẩn tương đối cao, bao gồm cả Việt Nam, WHO sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật bất hoạt virut để có thể tiến hành các xét nghiệm sinh học phân tử tiếp theo. WHO cũng lưu ý Việt Nam về vấn đề an toàn và bày tỏ hy vọng Việt Nam có thể đạt được kết quả tốt trong lĩnh vực xét nghiệm.

Đánh giá về nguy cơ đối với Việt Nam, đại diện WHO Việt Nam nhấn mạnh, nguy cơ lây truyền Ebola ở Việt Nam là thấp nên công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh này tại Việt Nam ở thời điểm này cần tránh gây hoang mang trong cộng đồng.

Cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh Ebola trên thế giới của WHO cho thấy, tính đến ngày 12/8/2014 đã ghi nhận tổng cộng 1.848 trường hợp mắc, trong đó có 1.013 trường hợp tử vong. Số trường hợp mắc và tử vong do virut Ebola tại 4 nước vùng Tây Phi gồm: Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone liên tục gia tăng.

Tại Việt Nam, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tiếp tục khẳng định, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh do virut Ebola, tuy nhiên nguy cơ lây lan dịch bệnh thông qua các đối tượng là khách du lịch, người làm việc, học tập và lao động nhập cảnh trở về từ khu vực châu Phi là hoàn toàn có thể.

Nhằm chủ động đối phó với dịch bệnh này, Bộ Y tế đã thường xuyên cập nhật thông tin diễn biến tình hình dịch trên thế giới, chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tuyên truyền, hướng dẫn cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý (cán bộ đi công tác, làm việc, du lịch, học tập...) về phòng chống lây nhiễm bệnh khi đi đến các nước có dịch bệnh. Tăng cường và duy trì giám sát thường xuyên các đối tượng kiểm dịch y tế nhập cảnh Việt Nam qua các cửa khẩu, đặc biệt là từ các quốc gia vùng dịch bệnh để kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm; xây dựng kế hoạch phân tuyến thu dung, điều trị bệnh nhân, chỉ định các bệnh viện làm nơi cách ly trong trường hợp phát hiện ca bệnh xâm nhập và có phương án mở rộng khu cách ly, thành lập bệnh viện dã chiến trong trường hợp dịch bệnh lan rộng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Y tế kêu gọi và mong muốn mỗi người dân, toàn xã hội và đặc biệt các cơ quan truyền thông đại chúng cùng chung tay đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn người dân hiểu biết rõ về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch, tích cực, chủ động tham gia phòng, chống dịch bệnh do virut Ebola cho mỗi cá nhân, từng gia đình và cả cộng đồng hiệu quả và thành công.

Các chuyên gia cũng lưu ý, virut Ebola dễ lây lan nhưng có thể bị tiêu diệt bởi các hóa chất tẩy rửa thông thường, do đó cần rửa tay sạch bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ để phòng ngừa lây nhiễm virut Ebola cũng như các bệnh do virut, vi khuẩn khác. Virut này có thể tồn tại trong môi trường, bề mặt đồ dùng, bàn ghế, chăn ga do bị dính các chất tiết, dịch (nước mắt, nước tiểu, máu của người bệnh) trong khoảng 1 tuần lễ. Do đó, để phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh do tiếp xúc gián tiếp với nguồn bệnh, việc đảm bảo vệ sinh rất quan trọng trong phòng bệnh.

 

PV

 

 


Ý kiến của bạn