Virút cúm A/H7N9 "lạ" mà… quen!

19-04-2013 10:05 | Tin nóng y tế
google news

Kể từ khi Virút cúm A/H7N9 xuất hiện trên người, cho đến ngày 16/4 đã có 13 trường hợp tử vong ở Trung Quốc. Diễn tiến tình hình của bệnh do H7N9 có hai khả năng: một, chỉ gây bệnh nặng trên một số người bị lây nhiễm từ loài chim trong thiên nhiên hay gia cầm; hai, sẽ phát triển thành dịch hay đại dịch.

Kể từ khi Virút cúm A/H7N9 xuất hiện trên người, cho đến ngày 16/4 đã có 13 trường hợp tử vong ở Trung Quốc. Diễn tiến tình hình của bệnh do H7N9 có hai khả năng: một, chỉ gây bệnh nặng trên một số người bị lây nhiễm từ loài chim trong thiên nhiên hay gia cầm; hai, sẽ phát triển thành dịch hay đại dịch. Nghiên cứu chi tiết về virút này có thể giúp tiên liệu được tình hình dịch bệnh.

Điều đầu tiên có thể khẳng định là H7N9 cũng là một loại cúm A - phân týp H7N9 (A/H7N9) cùng nhóm với H1N1, H5N1 hay H1N1(2009). Các phân týp cúm A được phân loại dựa trên hai kháng nguyên H và N; có 16 loại kháng nguyên H (H1-H16) và 9 kháng nguyên N khác nhau (N1-N9). Trong tương lai, chúng ta sẽ thấy xuất hiện nhiều phân týp khác. Đa số những virút này đều hiện diện trên các loài chim và khó xâm nhập vào tế bào của con người do sự khác biệt về loài (species specific). Tuy nhiên, các virút này lại có thể thích ứng với người qua nhiều tiếp xúc kéo dài và có thể xâm nhập tế bào đường hô hấp để gây bệnh cho con người như chúng ta vừa thấy với virút H5N1.

Bộ gen của H7N9 là một sự pha trộn của các gen của 3 phân týp virút: ZJ12 A/duck/Zhejiang/12/2011 (H7N3 trên vịt); BJ16 A/brambling/Beijing/16/2012 (H9N2 trên chim sẻ), KO14 A/wild bird/Korea/A14/2011 (H7N9 trên chim hoang dã) - đã được phát hiện trước đây trên các loài chim và đây cũng là những nguồn của virút H7N9. Cần lưu ý rằng các biểu hiện nhiễm virút H7 trước đây đã được phát hiện như viêm kết mạc hay triệu chứng giống cúm nhẹ - nhưng chưa bao giờ phát hiện nhiễm H7N9 trên người.

Virút cúm A/H7N9 "lạ" mà… quen! 1

Thuốc Tamiflu chữa bệnh cúm chưa xác định được hiệu lực đối với virút cúm A/H7N9

Những khảo sát mới nhất cho thấy có lẽ virút H7N9 thích ứng nhanh hơn với tế bào của loài có vú (người, heo...) hơn những phân týp khác như virút H5N1. Đột biến điểm trên gen mã hóa protein HA (kháng nguyên H) đưa đến sự thay thế  glutamine bằng leucine ở vị trí 226 (Q226L) được cho là đã làm giảm khả năng kết hợp với các thụ thể “giống của loài chim” trên tế bào ở đường hô hấp dưới của người (có mối nối - 2,3 giữa sialic acid và galactose) nhưng làm gia tăng khả năng kết hợp với thụ thể nằm trên tế bào đường hô hấp trên (có mối nối  - 2,6 giữa sialic acid và galactose). Điều này có nghĩa là gì? Sự lan truyền virút H7N9 sẽ dễ dàng hơn vì sẽ có nhiều virút ở niêm mạc mũi họng, sự phát tán virút vào không khí tăng lên theo. Hiện tượng này trước đây đã được xác định với virút H5N1 trên loài chồn sương - một mô hình tốt để khảo sát sự lan truyền cũng như quá trình sinh bệnh của các virút cúm gia cầm. Ngoài ra, virút H7N9 còn có đột biến gây thay đổi ở vị trí 627 (glutamic acid thay lysine) - E627K trên gen mã hóa một protein khác của H7N9 là PB2; đột biến này cũng có những hệ quả giống như đột biến Q226L - làm gia tăng tính thích ứng với tế bào loài có vú và sự lan truyền qua giọt bắn (droplet transmission). Đây có lẽ là một yếu tố làm cho H7N9 tiềm tàng nguy hiểm hơn.

Vì các sự lan truyền giữa người và người đã từng xảy ra với virút H7 (dịch H7N7 ở Hà Lan 2003) nên chúng ta cũng phải cảnh giác về khả năng lây truyền người - người của virút H7N9 hiện nay.

Cho đến giờ này chưa có bằng chứng gì về lây truyền người - người. Đây là yếu tố cơ bản để nhiễm H7N9 có thể biến chuyển thành một “đại dịch cúm”. Có thể những trường hợp tử vong ở Thượng Hải và các khu vực chung quanh chỉ là bề nổi của một tảng băng - nhiều trường hợp nhiễm H7N9 có thể không có triệu chứng hay nhẹ để bị bỏ qua! Người ta cũng lo ngại rằng loài heo vốn thường là nguồn nhiễm của nhiều loại virút khác, có thể nhiễm H7N9 vì đây cũng là một yếu tố quan trọng trong dịch tễ học của tình trạng nhiễm H7N9.  Điều cần thiết lúc này là cần giám sát tất cả những trường hợp có hội chứng giống cúm (ILI) để có thể xác định phổ lâm sàng của H7N9 - nhiều trường hợp nhiễm không triệu chứng với một số có triệu chứng nặng (sự lan truyền người - người đã xảy ra) hay chỉ một số ít trường hợp nặng trên những người tiếp xúc lâu dài với virút mà thôi (virút chưa thích ứng). Trong báo cáo đầu tiên về 3 trường hợp tử vong - sự khác nhau của hai chủng phân lập từ các bệnh nhân ở Thượng Hải (hai bệnh nhân ở gần nhau) và giống nhau giữa bệnh nhân ở An Huy và Thượng Hải (hai bệnh nhân cách xa nhau) cho thấy ít có khả năng lây truyền từ người sang người. Tuy nhiên, vì các sự lan truyền giữa người và người đã từng xảy ra với virút H7 (dịch H7N7 ở Hà Lan 2003) nên chúng ta cũng phải cảnh giác về khả năng lây truyền người - người của virút H7N9 hiện nay.

Khi bị nhiễm những virút cúm mới xuất hiện, người bị bệnh sẽ có khả năng tử vong cao vì chưa có miễn dịch chống lại như đã thấy với H5N1 trong những năm 2003 - 2005. Bệnh cảnh lâm sàng của tất cả virút cúm là tương tự nhau là sốt, ho, gây tổn thương phổi, như viêm phổi (phát hiện sớm qua chụp X-quang), diễn tiến nhanh dẫn tới suy hô hấp cấp và tử vong. Một điều hy vọng là với virút cúm týp A ta có thể sử dụng thuốc ức chế men neuraminidase là 2 thuốc đặc trị oseltamivir và zanamivir.  Hai vấn đề cần xác minh là: 1) liệu H7N9 có nhạy cảm với hai thuốc này như H1N1 hay H5N1 hay không? Giải trình tự các gen của H7N9 cho thấy chúng kháng với amantadine và nhạy cảm với các chất ức chế neuraminidase - ngoại trừ một chủng có đột biến 292K trên gen N kháng lại thuốc oseltamivir. Hiện chưa rõ đột biến này xuất hiện từ khi mới xâm nhập vào cơ thể  hay sau quá trình điều trị. 2) làm thế nào có thể tiếp cận rộng rãi zanamivir - thuốc kháng virút  có thụ thể khác với oseltamivir nên vẫn giữ được tác dụng khi có đột biến kháng oseltamivir. Nhưng thuốc này hiện chưa có nhiều trên thị trường kể cả loại chích tĩnh mạch để sử dụng khi cần tiêm.

Chẩn đoán xác định cúm H7N9 ban đầu cũng sẽ gặp một ít khó khăn. Chúng ta vẫn có thể dùng các “mồi” (primer) chung cho cúm A nhưng loại “mồi” đặc hiệu cho N9 có lẽ gặp một ít trở ngại ban đầu. Quy trình chẩn đoán đã được WHO công bố với cảnh báo tất cả chủng virút cúm A không định được phân týp cần chuyển về các labo chuẩn của WHO để xác định.

Hiện nay chưa có vắc-xin cho H7N9. Chủng virút phân lập được ở An Huy H7N9 A/Anhui/1/2013 được đề cử là chủng dùng để sản xuất vắc-xin mới do có khả năng phát triển nhanh trên môi trường cấy. Điều cần thiết hiện nay là phải cảnh giác trước những trường hợp nhiễm trùng hô hấp nặng không rõ lý do và chú ý làm xét nghiệm cúm. Phòng ngừa theo những khuyến cáo trước đây cho H5N1 hay H1N1 (2009).

 GS.TS. TRẦN TỊNH HIỀN

KHÓ CHẨN ĐOÁN, CHƯA CÓ THUỐC CHỮA VÀ VẮC-XIN PHÒNG BỆNH CÚM A/H7N9

Khó khăn hiện nay trong việc chẩn đoán các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 là bệnh cảnh lâm sàng tương tự như các bệnh cúm thông thường khác nên rất khó phân biệt. Hầu hết bệnh nhân nhiễm cúm đều có triệu chứng ho, sốt, viêm kết mạc; sau đó có thể có triệu chứng viêm phổi cấp tính.

Thuốc Tamiflu chữa bệnh cúm chưa xác định được hiệu lực đối với virút cúm A/H7N9 mới phát hiện này nên việc điều trị bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn, đồng thời được xem như chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị có hiệu quả tốt nhất. Đối với chủng virút đã biến đổi, kết hợp với các chủng virút khác sẽ hình thành một chủng mới có độc lực cao thì nguy cơ bùng phát dịch là điều có thể xảy ra vì không có thuốc đặc hiệu nhằm khống chế. Hiện tại cũng chưa có vắc-xin để phòng bệnh cúm A/H7N9.

Trước nguy cơ cúm A/H7N9 ngoại nhập từ Trung Quốc và khả năng ở một số nước khác như Campuchia, Lào... sẽ có nguy cơ lây lan vào nước ta với hậu quả bùng phát dịch bệnh khó lường, Bộ Y tế đã khuyến cáo cộng đồng người dân tích cực thực hiện một số biện pháp để chủ động phòng bệnh. Trong sinh hoạt hàng ngày, cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, đặc biệt phải thường xuyên rửa tay với xà phòng tiệt khuẩn; bảo đảm các nguyên tắc về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nên hạn chế tiếp xúc và gần gũi với người có biểu hiện mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, tránh thói quen đưa tay lên mũi và miệng; làm thông thoáng nơi ở và nơi làm việc; thường xuyên lau chùi bề mặt, dụng cụ, đồ vật chung quanh người bệnh bằng các chất tẩy rửa thông thường. Đồng thời chú ý nâng cao sức đề kháng và sức khỏe bằng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, luyện tập thể dục, thể thao hợp lý... Một vấn đề phải lưu ý là không buôn bán, giết mổ, sử dụng các loại gia cầm, gia súc bị ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc. Trường hợp bị nhiễm cúm, nên mang khẩu trang y tế để tránh sự lây truyền bệnh cho những người khác ở chung quanh. Khi có biểu hiện triệu chứng sốt cao, ho, đau ngực, khó thở... phải đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất và thuận tiện nhất để được khám và điều trị kịp thời.

TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh


 



Ý kiến của bạn