Dịch tả lợn châu Phi tới nay đã lan truyền tại hơn 60 quốc gia, phải tiêu hủy hàng trăm triệu con lợn
Tại chương trình tập huấn và đánh giá bệnh dịch tả lợn châu Phi cho các nhóm ứng phó ban đầu ở Việt Nam, các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và Hoa Kỳ đã cung cấp kiến thức cũng như trả lời hỏi đáp liên quan tới dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam cũng như kinh nghiệm của thế giới trong ứng phó với dịch bệnh này.
Bệnh tả lợn châu Phi không nguy hiểm với con người
Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông chia sẻ, bệnh tả lợn châu Phi không nguy hiểm với con người nhưng rất nguy hiểm với lợn và lợn rừng. Dịch tả lợn châu Phi nguy hiểm bởi virus tả lợn châu Phi (African Swine Fever-ASF) đa dạng và có sức đề kháng cao.
Ở Việt Nam có trên 2,5 triệu hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ nên khó kiểm soát, mầm bệnh lây lan phát tán rất nhanh. Gần 100 năm nay, trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh. Cách phòng bệnh duy nhất tới giờ là đảm bảo an ninh, an toàn trong chăn nuôi như vệ sinh sạch sẽ, khử trùng chuồng nuôi trang trại và cơ sở giết mổ. Kể từ khi dịch tả lợn châu Phi được phát hiện lần đầu tiên ở Hưng Yên vào tháng 2 năm nay, dịch đã lan rộng ra 63 tỉnh thành. Việt Nam đã phải tổng tiêu hủy trên 5 triệu con lợn, gây ra thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.
Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông chia sẻ dịch tả lợn châu Phi không nguy hiểm với con người
Theo TS. Peter Fernandez, Cục Kiểm dịch Động thực vật Hoa Kỳ (APHIS), trong năm 2018, dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng ra 10 nước. Theo Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), tới tháng 5/2019, dịch ra xuất hiện tại hơn 60 quốc gia, phải tiêu hủy hàng trăm triệu con lợn và phải chi hàng chục tỷ đô la Mỹ cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Có nên cho lợn ăn thức ăn thừa?
Theo TS. Peter Fernandez và TS Silvia Kreindel (Cục Kiểm dịch Động thực vật Hoa Kỳ-APHIS), ở các nước châu Âu, việc giám sát dịch tả lợn châu Phi trên lợn rừng cực kỳ quan trọng bởi các cánh rừng ở châu Âu có nhiều lợn rừng và là một yếu tố gây lây lan bệnh dịch.
Còn theo đại diện Cục Thú y, đặc thù Việt Nam lợn hoang dã thực sự ít, mật độ thấp nên nguồn lây lan dịch vẫn chủ yếu từ lợn nuôi nhốt. Một số trang trại sử dụng thức ăn thừa cho lợn ăn, nếu thức ăn này bị nhiễm virus tả lợn châu Phi, thì những con lợn ăn vào sẽ bị nhiễm bệnh.
TS Silvia cho biết, để phòng ngừa dịch bệnh, nếu có cho đàn lợn ăn thức ăn thừa từ các nhà hàng, quán ăn,… thì nên đun sôi nấu chín lại trước khi cho lợn ăn, vì virus tả lợn châu Phi sẽ chết khi đun lên.
Ngoài ra, phải vệ sinh khử trùng chuồng trại, xe vận chuyển lợn, cơ sở giết mổ,… Khi dịch bệnh xảy ra cách duy nhất là cách ly chuồng trại, tiêu hủy đàn lợn trong chuồng bị nhiễm dịch tả lợn. TS. Silvia Kreindel cho biết kinh nghiệm ở Trung Quốc cho thấy việc cách ly chuồng, trại có thể giảm thiểu dịch lây từ chuồng này sang chuồng khác. Ở Trung Quốc, những nơi xảy ra dịch lớn thì 6 tháng sau mới tiếp tục quay trở lại chăn nuôi.
Các chuyên gia hàng đầu Việt Nam-Hoa Kỳ tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với dịch tả lợn châu Phi
Việt Nam có thể xét nghiệm virus tả lợn châu Phi trong vòng 24h
Đại diện Cục Thú y cho biết, Việt Nam có 7 cơ quan xét nghiệm trong 7 vùng sinh thái. 7 vùng xét nghiệm có thể xét nghiệm virus tả lợn châu Phi trong vòng 24h, muộn nhất là 48 tiếng. Và chỉ trong vòng 1-2 ngày là có thể xử lý được ổ dịch. Tuy nhiên, điểm khó khăn là khi lợn ốm nhẹ, bà con nông dân thường tự chữa, rồi nếu lợn không khỏi mới liên hệ với cơ quan thú y để xét nghiệm nên có thể làm dịch lan rộng hơn.
Nhiều người lên thăm các trang trại nuôi lợn mà vô tình các trang trại này có virus tả lợn châu Phi rồi không biết, không khử trùng quần áo, giày dép, thiết bị bảo hộ có thể vô tình sẽ làm lây lan dịch sang vùng khác. Thậm chí khách du lịch hay nhiều người về quê nơi đang xảy ra dịch cũng có thể mang theo virus tới nơi khác.
Tùy yếu tố môi trường, thức ăn làm virus lây lan. Khi một con lợn nhiễm khuẩn, dẫn tới thức ăn, nước uống xung quanh nó cũng nhiễm khuẩn. Theo một nghiên cứu của FAO, dịch tả lợn châu Phi ở Trung Quốc lây lan sang các nước khác bởi những người chăn nuôi, bác sỹ thú y có thể mang theo vi khuẩn, nó theo chân người từ Trung Quốc sang các nước khác. TS Silvia Kreindel (Giám đốc khu vực Trung Quốc, Mông Cổ, Hong Kong, Macao của APHIS) cho biết, ở Hong Kong, người dân không thích ăn thịt đông lạnh mà do văn hóa thích ăn thịt lợn tươi nên hàng ngày có vô số xe tải chở lợn sống từ Trung Quốc sang. Vì vậy dịch tả lợn châu Phi rất có thể đã theo các xe tải này vào Hong Kong.
Ve sầu, chuột hay ruồi muỗi có làm lan truyền dịch tả lợn châu Phi?
Trả lời các câu hỏi của các đại biểu về tác nhân gây lan truyền dịch tả lợn châu Phi, đại diện Cục Thú y cho biết ở châu Âu và châu Phi, bọ ve tả lợn tuýp 1 có thể là tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, chưa thấy mối liên hệ với ve sầu ở Việt Nam. Tuy nhiên có thể đề ra giả thuyết về vật trung gian mang virus làm lan truyền dịch tả lợn châu Phi. Chẳng hạn như chuột là loài gặm nhấm, nếu ăn thức ăn ở chuồng lợn có nhiễm virus tả lợn rồi chạy nhảy sang nơi khác cũng có thể mang con virus tới nơi khác gây nhiễm sang lợn.
Trả lời câu hỏi của ông Ngô Đức Quỳnh- Phó tổng cục chăn nuôi Nghệ An, ông Minh-đại diện Cục Thú y cho biết, muỗi đốt có làm lợn bị nhiễm tả lợn châu Phi hay không thì không chắc chắn nhưng ruồi muỗi chắc chắn mang tác nhân cơ học. Ruồi muỗi đậu vào lợn mang mầm bệnh và có thể gây lây nhiễm cho con khác.
Clip Đại diện Cục Thú y lý giải dù muỗi không phải là vector truyền dịch tả lợn châu Phi, nhưng vẫn mang tác nhân cơ học khiến dịch lây lan. Vì ruồi, muỗi đậu vào nơi có virus tả lợn đều có thể mang virus này sang nơi khác. Vì vậy, đảm bảo an ninh, an toàn sinh học trong chăn nuôi, vệ sinh khử trùng chuồng trại là rất quan trọng. (Video: BV)
Biểu đồ về đường lan truyền của dịch tả lợn châu Phi: Bọ ve là tác nhân làm lan truyền virus tả lợn ở châu Âu và châu Phi. Lợn rừng cũng là một nguyên nhân gây lây lan dịch ở châu Âu. Virus tả lợn châu Phi không gây nhiễm bệnh ở người. Nhưng virus có thể lưu tại các vật nhiễm bẩn như dao mổ, quần áo giày dép của người giết mổ, chất thải của lợn, thức ăn lợn nhiễm bệnh ăn để phát tán. Lợn bị nhiễm tả lợn châu Phi có các triệu chứng nôn, ỉa chảy, sốt cao, các nốt đỏ trên da, nó sẽ chết sau 6-13 ngày nhiễm bệnh. Hiện chưa có vắc xin phòng tả lợn châu Phi. Cách duy nhất vẫn là đảm bảo vệ sinh chuồng trại, cách ly phân vùng và tiêu hủy lợn bệnh.
Con virus tồn tại lâu trong môi trường. Ở nơi có dịch, phải tiêu hủy cả cám vì có thể cám không nhiễm mầm bệnh nhưng bao tải lại nhiễm chẳng hạn. Hoặc nếu không phải đun cám lên. Bởi ở nhiệt độ 70 độ C, phải 20 phút virus tả lợn châu Phi mới chết. Ở vùng quê, có người nông dân dùng lưới chăng khoanh vùng dịch, khử trùng bằng vôi đã giúp dịch không lây lan sang đàn lợn khác, giảm thiệt hại đáng kể.
Chu trình lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi bắt đầu từ giữa đàn trong chuồng trại, lây nhiễm do dịch chuyển và cuối cùng là lây nhiễm từ nước này sang nước khác. Tuy nhiên, dù virus mạnh đến mấy vẫn có giới hạn. Chỉ cần so sánh với virus sởi chẳng hạn, cảm nhiễm liên quan tới khu vực có diện tích nhỏ hơn. Vì vậy, nếu kiểm soát tốt, thì vẫn có khả năng giảm thiểu và ngăn ngừa dịch lây lan, giảm thiệt hại cho bà con nông dân.
Có thể có Vắc-xin ngừa virus tả lợn châu Phi trong vòng 2 năm nữa?
Các chuyên gia Hoa Kỳ cho biết, hiện chính thức chưa có vắc xin ngừa tả lợn châu Phi. Mặc dù một số nước như Hoa Kỳ, Trung Quốc hay Tây Ban Nha đang nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin nhưng chính thức vẫn chưa có loại vắc xin nào được công nhận. Có thể hy vọng về vắc xin ngừa dịch trong tương lai nhưng chặng đường vẫn còn xa... Sớm nhất cũng phải ít nhất 2 năm nữa may ra trên thế giới mới có vắc xin ngừa dịch.
Đại sứ Hoa Kỳ Kritenbrink và Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông khai mạc Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi
Kể từ khi dịch bệnh xảy ra ở Việt Nam, phía Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực phòng dịch tả lợn châu Phi bằng việc cung cấp nhanh trang thiết bị xét nghiệm virus. Cục Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ đã cử các chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ đi thăm ổ dịch và khảo sát dịch tễ bệnh và tổ chức các hội thảo để tìm ra giải pháp phù hợp với Việt Nam.
Hoa Kỳ đã hỗ trợ 800.000 USD cho phòng xét nghiệm TW. Tháng 7, hai bên đã tổ chức hội thảo về giảm đàn khử trùng. Vào tháng 8 diễn ra hội thảo về lĩnh vực học thuật nghiên cứu và hỗ trợ người chăn nuôi Việt Nam,…. Trả lời phỏng vấn báo chí về việc Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam ứng phó với dịch tả lợn châu Phi trong thời gian bao lâu, Đại sứ Hoa Kỳ Kritenbrink cho biết hiện tại Hoa Kỳ trợ giúp Việt Nam trong thời gian ngắn hạn, nhưng tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh và các diễn tiến trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam hết mức để kiểm soát tốt dịch.