Chiều tối ngày 8/4, GS.TS Nguyễn Thanh Long-Thứ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì buổi họp trực tuyến với Viện Vệ sinh dịch tễ và Pasteur 5 khu vực trong cả nước về các biện pháp phòng chống dịch bệnh sởi đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Một trong những thông tin lần đầu tiên liên quan đến bệnh sởi được Bộ Y tế công bố là từ tháng 11/2013 đến tháng 3/2014 đã có25 trẻ tử vong do bệnh sởi.
Thông tin tại cuộc họp, Cục Y tế dự phòng cho biết, từ đầu năm 2014 đến nay ghi nhận 6.611 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, tập trung chủ yếu ở miền Bắc và miền Nam, trong đó có 2.492 trường hợp được chẩn đoán xác định mắc bệnh sởi. “Chưa phát hiện có sự biến đổi về gen và các týp vi rút sởi lưu hành tại Việt Nam, không có thay đổi về độc lực của các chủng vi rút sởi”- ông Trần Đắc Phu-Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.
Về 25 trường hợp tử vong, đều ở miền Bắc, qua phân tích các trường hợp tử vong do bệnh sởi cho thấy, 28% số trường hợp dưới 9 tháng tuổi (tức là chưa đủ tuổi tiêm vaccin sởi theo quy định của Bộ Y tế). Nguyên nhân tử vong chủ yếu là viêm phổi sau sởi liên quan đến giai đoạn chuyển mùa đông- xuân, khí hậu ở miền Bắc lạnh và ẩm, các bệnh đường hô hấp phát triển mạnh.
Phân tích số sởi mắc từ đầu năm đến nay cho thấy: trẻ em dưới 10 tuổi chiếm 68,3%. Số trẻ mắc sởi dưới 1 tuổi chiếm 16,1%, trong đó số mắc dưới 9 tháng tuổi chiếm tỷ lệ 11%. Hầu hết các ca mắc sởi không được tiêm chủng hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng vaccin sởi. Chỉ có 10% ca sởi đã tiêm chủng 1 mũi vaccin sởi. TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cũng đưa ra nhận định tình hình: So với đỉnh dịch 2009-2010 thì bệnh sởi năm nay có quy mô nhỏ và thấp hơn. Tại TP.HCM hiện mỗi tuần ghi nhận 110 ca, đã có xu hướng giảm.
Bộ Y tế cho biết, đến nay, Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia đã phân phối khoảng 1,2 triệu liều vaccin sởi, đảm bảo đủ nhu cầu cho các tỉnh, thành phố. Đồng thời Bộ Y tế và Hội đồng chuyên môn đã họp và đánh giá rằng, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi đang được áp dụng tại các cơ sở y tế hiện nay vẫn phù hợp, chưa cần sửa đổi.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phòng chống dịch sởi hiệu quả, các Viện, Bệnh viện, các đơn vị thuộc Bộ Y tế phối hợp với các địa phương quyết liệt đẩy mạnh việc tiêm vắc xin sởi và các vắc xin khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Giao trách nhiệm cho các cơ quan liên quan trong việc rà soát, đôn đốc các đối tượng tiêm, tránh bỏ sót đối tượng tiêm chủng, đảm bảo an toàn tiêm chủng theo các quy định. Tăng cường đưa các thông điệp phòng chống bệnh sởi và các dịch bệnh khác trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức đoàn thể để các bậc phụ huynh hiểu rõ tầm quan trọng của việc triển khai tiêm chủng các loại vắc xin phòng bệnh và đưa con em mình đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đặc biệt là tiêm vắc xin phòng bệnh sởi.
Vê phía các địa phương cần chuẩn bị sẵn các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ số thuốc để chủ động phục vụ công tác điều trị, phòng chống dịch bệnh, trong đó có dịch sởi; hạn chế chuyển viện tránh lây lan bệnh ra cộng đồng.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn đi kiểm tra giám sát, đôn đốc việc triển khai kế hoạch tiêm vét vắc xin sởi cũng như triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.