TS. Đặng Quang Tấn- Phó Cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng- Bộ Y Tế
PV: Thưa ông, để ứng phó với tình huống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV lan rộng, bùng phát trên nhiều tỉnh thành, chúng ta đã chuẩn bị được những gì?
TS. Đặng Quang Tấn: Việt Nam đã thành công và có nhiều kinh nghiệm tốt trong việc phòng chống nhiều bệnh dịch nguy hiểm như cúm A/H1N1, H5/N1, dịch SARS, MERS-CoV... trước đây. Khi dịch viêm đường hô cấp cấp do virus nCoV xảy ra và lây lan mạnh tại Trung Quốc, Việt Nam đã sớm chủ động kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh bằng những biện pháp cụ thể với quyết tâm cao. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam với 6 chỉ thị và công điện cùng nhiều cuộc họp, đến nay Bộ Y tế đã ban hành 30 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp trong hoạt động phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona; tổ chức các cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona; công bố số điện thoại đường dây nóng (19003228) để tiếp nhận các thông tin, ý kiến về tình hình dịch bệnh trên toàn quốc và để tư vấn về cách chăm sóc bản thân để phòng chống dịch bệnh; thực hiện kích hoạt Trung tâm đáp ứng khẩn cấp với sự kiện Y tế công cộng Việt Nam để ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona.
Triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã có 45 Đội phản ứng nhanh tại Bộ Y tế và các bệnh viện, Viện vệ sinh dịch tễ, đơn vị quân đội để hỗ trợ tăng cường cho các địa phương khi có yêu cầu; hoàn thành hệ thống kết nối giao ban trực tuyến tại 22 bệnh viện. Bộ Y tế cũng đã xây dựng 4 phương án để ứng phó với 4 cấp độ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra. Trong đó cấp độ 4 là dịch lây lan với số người mắc từ 1.000 người trở lên. Với mỗi tình huống đều có kế hoạch ứng phó, xử trí hiệu quả. Nhiều văn bản hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật đã được cập nhật và ban hành, thường xuyên có công văn chỉ đạo các địa phương và cho đến nay sự phối hợp với các địa phương và bộ ngành liên quan đều tốt, có hiệu quả trong việc kiểm soát người nhập cảnh, sự đi lại của dân qua đường biên giới, xử lý nhanh các ca nghi nhiễm hay phơi nhiễm với vius, thông tin truyền thông về dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Bộ Y tế cũng đã thống nhất các phương án điều trị khi phát hiện bệnh theo hướng: Phát hiện người bệnh ở địa phương nào thì tập trung điều trị tại địa phương đó, hạn chế vận chuyển người bệnh để giảm nguy cơ lây lan.
Đến nay, nước ta mới chỉ phát hiện các ca đơn lẻ nhiễm virus nCoV, hầu hết là các trường hợp nhiễm do đi về từ vùng dịch Vũ Hán (Trung Quốc). Do đó, có thể nói đến thời điểm này toàn thể hệ thống chính trị, hệ thống y tế kiểm soát dịch đều đã được kích hoạt và trong trạng thái hoàn toàn sẵn sàng đáp ứng các tình huống dù là xấu nhất.
PV: Liệu chúng ta có gặp khó khăn gì khi dịch viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV lây lan và tăng lên gấp nhiều lần so với hiện nay?
TS. Đặng Quang Tấn: Khi dịch SARS khiến cả thế giới lo sợ thì tại Việt Nam chúng ta đã khống chế thành công. Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus nCoV có nhiều điểm tương tự như SARS nên dựa vào những kinh nghiệm đã có, cùng với phương án chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất mà chúng ta đã chuẩn bị thì chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được tình hình.
Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch về việc kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona; chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch đáp ứng, dự phòng chống dịch căn cứ theo Kế hoạch của Bộ Y tế. Bộ đã ban hành, rà soát các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc, bố trí nhân lực, thực hiện nghiêm chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV và duy trì theo dõi, cập nhật các trường hợp nghi ngờ mắc được phát hiện tại các khu vực; tổ chức điều tra và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV ngay khi nhận được thông tin; kích hoạt toàn bộ hệ thống giám sát, điều trị, đặc biệt tăng cường công tác giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở y tế, sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân và phòng chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập và lây lan; phối hợp chặt chẽ với WHO cập nhật tình hình dịch bệnh hàng ngày, triển khai Kế hoạch đáp ứng với bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra theo các tình huống dịch, đẩy mạnh việc truyền thông về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống trên hệ thống thông tin đại chúng, tại cửa khẩu.
PV: Cho đến thời điểm này, với những thông tin về dịch, có thể đánh giá như thế nào về virus nCoV 2019 và khả năng lây lan ở Việt Nam, thưa ông?
TS. Đặng Quang Tấn: Trước tình hình dịch viêm đường hô hấp do virus nCoV tại Trung Quốc đã lây lan toàn bộ 31/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc, Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc và có các hoạt động giao lưu như du lịch, thương mại, lao động nhập cảnh... nên khả năng tiếp tục có thể phát hiện thêm các ca nhiễm di nhập từ Trung Quốc về Việt Nam trong thời gian tới. Dù chúng ta siết chặt nhập cảnh, nhưng những ca đã nhiễm bệnh đó không loại trừ có thể sẽ tạo thêm các ca lây nhiễm thứ phát. Tuy nhiên, hiện nay các ca bệnh đều đang được giám sát chặt chẽ, duy trì theo dõi, cập nhật các trường hợp nghi ngờ mắc được phát hiện tại các khu vực và tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Như vậy, với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sự hành động nhanh chóng, chủ động của Bộ Y tế cùng sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương trong cả nước, chúng ta sẽ kiểm soát và ngăn chặn được dịch bệnh lây lan.
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!