Cuộc trao đổi giữa TS.BS Hoàng Vũ Mai Phương- Trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương với phóng viên Báo Sức khỏe& Đời sống sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về công việc của những chuyên gia trong phòng thí nghiệm trong cuộc chiến với nCoV.
TS.BS Hoàng Vũ Mai Phương- Trưởng khoa Virus- Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
PV: Cho đến hôm nay, sau hơn 10 ngày (từ 23/1) chính thức xác nhận 2 ca nhiễm đầu tiên ở Việt Nam, chúng ta đã có thể đánh giá khả năng đáp ứng xét nghiệm nCoV của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ nói riêng và Việt Nam ở mức độ như thế nào?
TS.BS Hoàng Vũ Mai Phương: Cho đến thời điểm này các phòng xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (VSDTTW) đã đầy đủ trang thiết bị hiện đại về sinh học phân tử, chuyên gia... để tiếp nhận các mẫu bệnh phẩm nghi ngờ và xét nghiệm chẩn đoán. Trước diễn biến phức tạp của bệnh viêm phổi cấp do chủng virus 2019-nCoV, Viện VSDTTW đã gấp rút liên hệ với Trung tâm nghiên cứu lâm sàng đại học Oxford, viện các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, trường đại học Nagasaki, Nhật Bản và phòng thí nghiệm của Berlin, Đức để có được bộ mồi chuẩn để thực hiện chẩn đoán. Mồi chẩn đoán có thể xác định đoạn gen đặc hiệu của virus khi đưa vào mẫu bệnh phẩm, nhờ đó có thể khẳng định được bệnh phẩm có nhiễm 2019-nCoV hay không. Đến ngày 31/1/2020, Việt Nam đã có mồi đặc hiệu được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng, sau đó áp dụng kỹ thuật Realtime RT – PCR (kỹ thuật sinh học phân tử) cho kết quả chính xác và nhanh chóng, rút ngắn được thời gian xét nghiệm xuống 24-48 giờ thay vì 3-4 ngày như trước đây.
Trước đây, khi chưa có mồi đặc hiệu chuẩn thức của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam phải thực hiện phương pháp giải trình gen, mặc dù kết quả có thể chính xác tới 100% nhưng thời gian để giải trình tự gen mất khoảng 3-5 ngày và chi phí rất đắt. Về khả năng đáp ứng của Viện VSDTTW, chúng tôi được quốc tế hỗ trợ mồi đặc hiệu có thể xét nghiệm được khoảng 500 mẫu. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí mà Nhà nước cấp cho Viện, chúng tôi đặt mua thêm các sinh phẩm để đảm bảo đáp ứng khi cần thiết. Như vậy chúng ta hoàn toàn không cần lo ngại thiếu hóa chất, sinh phẩm để làm xét nghiệm nCoV. Theo phân công của Bộ Y tế, Viện VSDT TW đảm nhiệm công tác xét nghiệm cho 28 tỉnh thành phía Bắc. Hiện tại số lượng mẫu bệnh phẩm nghi ngờ nhiễm nCoV chuyển đến Viện khoảng từ 50-70 mẫu mỗi ngày.
Trên cả nước, hầu hết các địa phương tuyến tỉnh đều có máy PCR, một số nơi được trang bị máy Realtime PCR, nên khi cần thiết cũng có thể thực hiện kỹ thuật xét nghiệm này.
Các chuyên gia, kỹ thuật viên phòng xét nghiệm của Viện vệ sinh dịch tễ TƯ thường trực ngày đêm để cho ra các kết quả sớm nhất.
PV: TS đánh giá như thế nào về ý nghĩa của việc rút ngắn thời gian xét nghiệm từ 3-4 ngày xuống còn 24h? Tại Trung Quốc các nhà khoa học đã làm được test nhanh chỉ 30 phút là cho kết quả nCoV, TS có thể nói gì về thông tin này?
TS.BS Hoàng Vũ Mai Phương: Đứng trước nguy cơ dịch bệnh, các Trung tâm, phòng xét nghiệm trên thế giới đều có liên kết với nhau để chia sẻ về thông tin và kỹ thuật. Kỹ thuật sinh học phân tử được chúng tôi lựa chọn bởi đảm bảo được độ nhạy cao cùng độ đặc hiệu cao. Còn test nhanh có độ nhạy cao nhưng độ đặc hiệu thấp, nói cách khác là độ chính xác thấp. Có thể test nhanh là giải pháp cần thiết trong giai đoạn dịch này ở Trung Quốc với số lượng người nhiễm tăng quá nhanh, quá nhiều người nghi nhiễm virus. Nhưng ở Việt Nam, với diễn biến dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV như hiện nay, chúng tôi nghĩ test nhanh chưa phải là lựa chọn phù hợp. Chúng ta cần sự chính xác của kết quả xét nghiệm. Nói thêm, khi dịch ở Trung Quốc phát triển đến một mức độ nhất định, chẳng hạn như kịch bản 1000 ca nhiễm trở lên thì không cần xét nghiệm nữa. Bởi khi đã có tới 1.000 ca nhiễm thì có nghĩa là số lượng nghi nhiễm đã vô cùng lớn, không thể làm nổi.
Việc giảm thời gian xét nghiệm từ 3-4 ngày xuống còn 24-48 giờ có ý nghĩa quan trọng với công tác kiểm soát dịch bệnh. Thời gian trả kết quả sớm sẽ có lợi cho việc điều trị bệnh, cũng giải phóng sớm cho các ca nghi nhiễm có kết quả âm tính, như thế là giảm gánh nặng cho cơ sở điều trị, giảm số lượng người tập trung trong cơ sở cách ly trong thời gian dài...
PV: Xin cảm ơn TS về cuộc trao đổi này!