Không gì nguy hiểm bằng... nỗi hoảng sợ
Là một người mẹ có con du học châu Âu, trong những ngày cả thế giới quay cuồng từng giờ, thậm chí từng phút với những thông tin “cô Vít” đáng lo ngại, tôi cũng như hàng triệu phụ huynh khác, băn khoăn không biết có nên nói: Về nhà đi con?
Và sau khi nói chuyện với con trai, từ 3 tuần trước, khi mà việc trở về của du học sinh còn khá dễ dàng, chúng tôi đã quyết định, con sẽ ở lại.
Mấy ngày gần đây, dồn dập thông tin du học sinh Việt Nam trở về từ các nước, đi cùng với những lo lắng xung quanh cụm từ đầy ám ảnh - COVID-19. Hầu hết những cuộc trở về đó xuất phát từ trái tim đầy lo âu của cha mẹ các em. Trong nhiều diễn đàn cha mẹ du học sinh, vấn đề về/không về được bàn luận sôi nổi.
Một bạn học cùng tôi chia sẻ: Đọc các bình luận thì thấy tụi trẻ nhao về vì phụ huynh ở nhà hối thúc làm tụi nó mất tinh thần, có người còn mấy lượt thắp hương gọi tên con. Làm gì chúng nó chả rối ruột.
Hẳn nhiên về hay ở đó là quyền lựa chọn chính đáng của mỗi người, mỗi gia đình. Nhưng quan sát thì thấy, rất nhiều phụ huynh đã hành động trong trạng thái mất kiểm soát mà một phần do bị tác động bởi báo chí và mạng xã hội facebook. Chẳng hạn như, ngày 19/3, báo điện tử Vnexpress lên bài Mẹ Việt giải cứu con trước giờ Pháp đóng cửa. Trong đó mô tả việc trở về của một du học sinh như một cuộc chạy trốn đầy kịch tính, giật gân.
Dịch lui, tổng kết lại có khi sẽ thấy cái con virus kỳ quái này không nguy hiểm bằng chính nỗi hoảng sợ của chúng ta. Nỗi hoảng sợ điều khiển con người, khiến cho việc đối mặt với rủi ro trên các chuyến bay đầy ẩn họa với những giờ chờ đằng đẵng ở các sân bay hay 14 ngày ở khu cách ly tập trung khi về đến Việt Nam vẫn không ngăn được là bao nhiêu làn sóng du học sinh tràn về.
Về câu chuyện mất kiểm soát trong đại dịch COVID-19, nhà văn Phan Thị Vàng Anh đã viết trên báo Nhân dân hằng tháng: Korin Miller là một cây bút chuyên về sức khỏe. Cô nhận ra, về mặt tâm lý, trận dịch này rất bất thường. Tuy nỗi sợ virus SARS-COV-2 là có cơ sở: chính Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, đã có hơn 88,000 người trên thế giới mắc COVID-19, và các quốc gia đã khuyến cáo công dân mình không nên đi vào vùng có người bệnh, hoặc tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh; nhưng theo Korin, điều khiến virus SARS-COV-2 gây ra sợ hãi đến thế chính là vì chúng ta không biết nhiều về nó. GS.BS. Gail Saltz của Trường Y khoa Weill-Cornell đã nói: “Thật không may, COVID-19 đã gây ra một sự sợ hãi không tương thích với mức độ nguy hiểm thực sự của nó. Đó là bởi vì nó mới, lý lịch của nó không có sẵn, khiến nó thành mù mịt hơn, bất định hơn”.
Và bởi vì con virus đó là “mới”, nên tin tức cập nhật về nó càng nóng sốt. BS. Gail Saltznhận định: “Đường đi của nó lại như vô hình, khiến người ta sợ hơn so với những thứ rõ ràng. Nếu bạn không biết vì sao mình mắc, cảm giác mất kiểm soát sẽ tăng lên”. Và khi chưa kiểm soát được, con người sẽ bất an, dẫn đến hành xử hoặc quá đà, hoặc bất cập.
Tác giả Korin Miller nhận ra cái đáng sợ của trận dịch này chính là sự lo lắng, bất an trên diện rộng, là thứ còn nguy hiểm hơn độc lực thật sự của virus SARS-COV-2.
Bình luận về việc du học sinh Việt Nam ồ ạt trở về, một người bạn tôi hài hước: Chạy từ vùng dịch này sang vùng dịch khác thì có gì khôn?
Những lá thư du học sinh trên facebook
Đó là những tiếng nói trẻ trung, mạnh mẽ, khác biệt. Sức khỏe & Đời sống trích đăng 2 trong số những lá thư du học sinh đã chia sẻ trên mạng xã hội. Chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai có thể gõ cửa bất kỳ quốc gia nào. Hãy truyền cho con thêm kháng thể. Không bà mẹ nào có thể ôm con an toàn được trong vòng tay bằng chính nó. Hãy để các con tự quyết định.
Lá thư của bạn Nguyễn Tường Linh, SV năm 1 Niagara University, bang New York, sang Mỹ cuối tháng 8/2019. Là SV nhận học bổng 100%, hiện Tường Linh vừa học vừa làm việc cho Trung tâm Hợp tác Quốc tế Brennan của trường, cũng là nhân viên quốc tế trẻ nhất và duy nhất ở đây. Mời bạn cùng đọc lá thư Tường Linh gửi mẹ:
“Vì việc học sẽ chuyển sang online hết từ nay đến cuối năm nên sinh viên bắt đầu lục tục về nhà, sinh viên quốc tế cũng nhiều bạn chọn về nước.
Về Việt Nam bây giờ nhiều rủi ro, và đem thêm gánh nặng cho ngành y tế nên con không về đâu.
Điều khó khăn cho con là phải nói lời chia tay với nhiều bạn bè thân thiết. 2 tuần tới và có thể là trong 2 tháng tới, con sẽ phải ở trong ký túc xá vắng vẻ. Thật ra tối nào con cũng một mình trong phòng của con, suốt 6 tháng nay rồi nên về cơ bản không có nhiều thay đổi. Con có nhiều việc phải làm, hàng ngày con vẫn lên thư viện và đến văn phòng, còn bao nhiêu sách hay, phim hay đang chờ con.
Văn phòng lúc này không có ai ngoài con vì các nhân viên đều làm việc ở nhà.
Mấy hôm nay con trả lời email không ngơi tay. Cập nhật tình hình, trấn an các sinh viên. Trong trường hợp các sinh viên ngoại quốc muốn trở về nước, tụi con phải thu xếp đảm bảo họ đi về nhà an toàn. Thậm chí con chủ động làm thêm cả việc sắp xếp người đưa sinh viên ra sân bay, con thì trực tin xem họ đã check-in và lên máy bay ổn thỏa hay chưa.
Nói chung là bận rộn nhưng vui vì thấy mình có ích.
Điều đáng ngại ở con virus SARS-COV-2 này là nó khiến người ta rơi vào lo âu, khủng hoảng. Trấn an người khác là việc cần làm nhất lúc này, con nghĩ vậy.
Việc nữa là tiết kiệm. Con vẫn xài chiếc điện thoại mẹ mua hồi con đi WRO 2017. Học kỳ này con cũng tiết kiệm được rất nhiều tiền giáo trình nhờ cách anh Tú bày cho và học chủ yếu trên thư viện. Những ai chưa có thói quen tiết kiệm sẽ gặp ít nhiều khó khăn trong thời gian tới, nhưng thật may, điều này con đã được dạy từ lâu.
Con không đi mua đồ tích trữ vì đồ ăn trong canteen vẫn rất phong phú, họ cam kết phục vụ từ nay đến tháng 6. Mẹ gửi lời cảm ơn bạn bè của mẹ giùm con, tạm thời con ổn, chưa cần đi đâu”.
Còn đây là những chia sẻ của Đỗ Hạnh Thảo, cô gái đã sang Pháp với học bổng thạc sĩ chưa đầy 1 năm trước:
“Thực lòng rất ít khi viết lên facebook nhưng hôm nay thì phải viết vì hơi bức xúc một số thành phần thiếu hiểu biết nhưng lại thích thể hiện. Một ngày nhận được không biết bao nhiêu tin nhắn giục với khuyên về VN đi, ở lại bên này là chết. Tại sao ở Pháp mà lại bảo là chết?
Đồng ý là hiện bên Pháp số ca bị nhiễm bệnh cao, nhưng nguyên nhân lớn nhất không phải họ kém chuyên môn mà là do sự chủ quan của người dân, ban đầu họ tưởng chỉ là bệnh cúm thông thường. Nhưng hiện tại Pháp đã nhận thức được vấn đề, đã hạn chế người dân ra đường, đã đóng cửa toàn bộ biên giới với các nước châu Âu khác, cảnh sát cũng được huy động để đi tuần tra, nếu ai ra đường thì phải thật sự cấp bách và có biên bản xác nhận. Vậy nên hiện tại mình hoàn toàn yên tâm vì ngồi nhà, học cũng tại nhà, đồ ăn cũng có đủ cả. Tại sao phải về Việt Nam thời điểm này trong khi máy bay, sân bay mới là nơi lây nhiễm cao nhất do đủ mọi người từ khắp nơi hội tụ ở đấy. Bằng chứng là những ca lây nhiễm mới nhất đây đều là du học sinh từ châu Âu về, vậy thử hỏi về bây giờ có an toàn không?
Đối với mình những người suy nghĩ là về Việt Nam thì sống còn ở lại Pháp là chết, họ chẳng có chút hiểu biết nào cả. Hơn nữa, đó là sự ích kỉ vô cùng, nếu chẳng may mình đã nhiễm bệnh, mà lại lên máy bay, có phải mình sẽ lây cho hàng trăm người hay không? Khi ấy thì cả đất nước lao vào chửi rủa, không phải là mệt mỏi hay sao? Mà cũng buồn cười nhiều bạn nằng nặc sống chết về Việt Nam xong lại up lên mạng xã hội kêu than trời đất vì phải đi cách ly? Ơ lạ ghê?
Vậy nên các du học sinh ơi hãy suy nghĩ cho kĩ vì thời điểm này ai cũng sợ, ai cũng muốn an toàn cả. Nếu yên vị và thực hiện đúng những yêu cầu mà nhà nước đã đề ra thì chẳng có gì phải lo lắng...”.