Virus gây bệnh ở trẻ em: Phòng ngừa thế nào để đạt hiệu quả?

17-08-2022 06:40 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Mùa mưa thời tiết ẩm thấp là điều kiện thuận lợi để virus phát triển và gây bệnh như: Cúm, thủy đậu, tay chân miệng ... Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm virus do sức đề kháng còn yếu.

Khắc tinh của virus gây bệnh hô hấpKhắc tinh của virus gây bệnh hô hấp

SKĐS - Nhiều nghiên cứu đã kết luận môi trường thông thoáng và nắng nóng từ ánh sáng mặt trời sẽ làm giảm mạnh khả năng hoạt động và giảm nguy cơ lan tràn lây nhiễm của hầu hết các chủng virus gây bệnh đường hô hấp.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 1/3 số trẻ em trên toàn thế giới bị nhiễm virus và đặc biệt trẻ em cũng được xếp vào nhóm có tỉ lệ tử vong cao do virus gây nên.

Yếu tố lây nhiễm virus

Có nhiều yếu tố khiến cho việc lây truyền virus, trong đó có yếu tố thời tiết khí hậu. Ở môi trường có độ ẩm thấp và nhiệt độ không cao (khí hậu lạnh, ẩm) dễ làm phát tán bệnh. Biến đổi khí hậu khiến bệnh dịch lây lan theo nhiều cách khác nhau. Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho virus sinh sôi, phát triển và khiến cho người bệnh dễ bị nhiễm bệnh lây từ người này sang người khác ở nơi đông người.

Môi trường sống càng đông đúc, chật hẹp không thông thoáng, môi trường ô nhiễm hoặc ẩm thấp dễ làm lây truyền virus. Điều này cho thấy, dịch bệnh lây nhiễm thường lan nhanh ở các khu vực nhà máy, thành phố đông dân.

Phương tiện di chuyển công cộng đông đúc cũng là một yếu tố lây truyền virus nhanh nhất, khoảng cách giữa người bệnh và người lành không còn an toàn (<1m) rất dễ hít phải các giọt tiết bắn ra từ người bệnh, nhất là trẻ em.

Virus gây bệnh ở trẻ em: Phòng ngừa thế nào để đạt hiệu quả? - Ảnh 2.

Mùa mưa thời tiết ẩm thấp là điều kiện thuận lợi để virus phát triển và gây bệnh cho con người.

Những bệnh do lây truyền virus từ người sang người

Virus là tác nhân có khả năng gây bệnh truyền nhiễm cho cả con người và động vật. Một số loại virus ít gây hại, chẳng hạn như virus gây bệnh cảm lạnh, khiến con người cảm thấy mệt mỏi, ốm yếu nhưng không bị hậu quả lâu dài. Song, một số loại virus khác lại rất nguy hiểm, chúng có nguy cơ gây ra đại dịch và gây tử vong, chẳng hạn như đại dịch cúm diễn ra hàng năm với tốc độ lây lan nhanh.

Trong khi một số virus có thể gây bệnh chết người, số khác lại không gây ra triệu chứng rõ ràng nào.

Các bệnh đường hô hấp: Một số bệnh hô hấp do virus gồm: Cảm cúm và cảm lạnh thông thường, nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV, bệnh gây nhiễm trùng phổi và đường hô hấp), nhiễm Adenovirus, nhiễm virus Parainfluenza, hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), COVID-19… Việc lây nhiễm virus xảy ra khi người khỏe mạnh tiếp xúc với dịch hoặc nước bọt của người bệnh khi họ ho/hắt hơi, hoặc tiếp xúc với những bề mặt nhiễm khuẩn như tay nắm cửa, mặt bàn và vật dụng cá nhân.

Các bệnh đường tiêu hóa: Một số bệnh đường tiêu hóa do virus phổ biến gồm nhiễm Norovirus (gây tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng), nhiễm Rotavirus (gây tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ), một số bệnh do nhiễm Adenovirus và nhiễm Astrovirus. Bệnh lây lan từ người sang người, chẳng hạn như do tiếp xúc với phân của người nhiễm virus, hoặc tiêu thụ thực phẩm/nguồn nước bị nhiễm bẩn bởi phân có virus, chia sẻ đồ dùng hoặc vật dụng cá nhân với người bệnh.

- Bệnh gây xuất huyết do virus. Đây là dạng bệnh gây tổn thương hệ tuần hoàn của người nhiễm phải virus. Ebola, sốt Lassa, sốt xuất huyết, sốt vàng da đều là những bệnh gây xuất huyết do virus. Trong đó, sốt xuất huyết và sốt vàng da lây lan khi chúng ta bị muỗi đã nhiễm virus đốt.

Virus gây bệnh ở trẻ em: Phòng ngừa thế nào để đạt hiệu quả? - Ảnh 3.

Môi trường sống đông đúc, chật hẹp không thông thoáng, ẩm thấp dễ làm trẻ lây nhiễm virus.

Biểu hiện chung của bệnh do virus gây nên

Có nhiều loại tác nhân gây bệnh, trong đó phải kể đến một số virus đường hô hấp như: Adenovirus, Rhinovirus, Coronavirus, Influenzae, EV71...

Bệnh do virus thường gây những triệu chứng ở đường hô hấp từ mức độ nhẹ hoặc trung bình như hắt hơi, sổ mũi, hoặc nghẹt mũi, một số bệnh nhân có thể bị ho khan, cơ thể mệt mỏi thoáng qua đến mức độ nặng như khó thở, tím tái.

Biểu hiện bệnh do virus 

- Hội chứng viêm long đường hô hấp: Xuất hiện ngay các ngày đầu với mức độ nặng nhẹ khác nhau như hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi, mắt đỏ, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, cảm giác khô và đau rát họng. Trẻ em thường kèm theo dấu hiệu buồn nôn, nôn ói hoặc đau bụng.

- Hội chứng nhiễm trùng: Trẻ thường bị sốt cao liên tục 39 - 40 độ C, mặt đỏ bừng, mạch nhanh, biếng ăn, tiểu ít, nước tiểu vàng sậm. Trẻ thường bị mệt lả, đuối sức vì sốt.

- Hội chứng đau nhức: Nhức đầu dữ dội và liên tục gia tăng khi sốt cao hoặc khi ho gắng sức, thường đau nhiều ở vùng trán và vùng trên nhãn cầu. Bệnh nhân còn đau các bắp cơ thân mình. Bệnh nhân có cảm giác nóng, đau vùng trên xương ức.

- Mức độ nguy hiểm và biến chứng: Đa số các bệnh do virus gây nên thường không có thuốc điều trị đặc hiệu, vậy nên việc tăng cường đề kháng và phòng biến chứng là rất quan trọng đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc và theo dõi, bệnh có thể diễn biến rất nặng nề và có những biến chứng nguy hiểm như: Viêm phổi, viêm não

Virus gây bệnh ở trẻ em: Phòng ngừa thế nào để đạt hiệu quả? - Ảnh 5.

Các bệnh do virus chưa có thuốc đặc hiệu mà chỉ có thể điều trị triệu chứng.

Cần chủ động chăm sóc và phòng bệnh

Hiện các bệnh do virus chưa có thuốc đặc hiệu, chỉ có thể điều trị triệu chứng. Vì vậy, nếu trẻ mắc bệnh cần chú ý đến cách chăm sóc và thực hiện theo những nguyên tắc sau đây:

- Cần hạ sốt cho trẻ khi thân nhiệt đo được từ 38,5 độ C bằng Paracetamol đơn chất, với liều 10mg - 15mg/kg cân nặng cơ thể mỗi 4 - 6 giờ, kết hợp với lau mát bằng nước ấm khi cần thiết. Tuyệt đối không được sử dụng Aspirin để hạ sốt cho trẻ.

- Cho trẻ uống thêm nhiều nước, đặc biệt là những loại nước giàu vitamin C như nước cam tươi, nước chanh, nước táo… giúp trẻ tăng cường sức đề kháng để mau khỏi bệnh. Cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, ấm, dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng như cháo, súp dinh dưỡng, sữa nóng…

- Cho trẻ đến ngay bệnh viện nếu thấy bệnh trầm trọng hơn, trẻ bỏ ăn bỏ uống, quấy khóc nhiều, đặc biệt là sốt cao liên tục không hạ sau khi đã uống thuốc hạ sốt và lau mát tích cực.

- Chủ động phòng bệnh là điều vô cùng quan trọng, vì thế cần nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa sạch tay bằng xà bông và nước sạch.

- Tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm khuẩn hô hấp cấp, giữ khoảng cách an toàn (>1m).

- Mang khẩu trang y tế khi đến chỗ đông người: Bệnh viện, siêu thị, công viên, rạp chiếu phim… Nhắc nhở trẻ thói quen che miệng khi ho. Giữ vệ sinh thân thể và môi trường sống thật tốt. Phòng ngừa chủ động tốt nhất và hiệu quả nhất là đưa trẻ đi tiêm ngừa vaccine theo chương trình tiêm chủng quốc gia.

Virus gây bệnh ở trẻ em: Phòng ngừa thế nào để đạt hiệu quả? - Ảnh 6.

Cần nhắc nhở trẻ thường xuyên rửa sạch tay bằng xà bông và nước sạch để chủ động phòng bệnh.

Lời khuyên thầy thuốc

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, nhất là vào khoảng thời gian giao mùa hay thời tiết nóng bức, lạnh đột ngột... tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị các bệnh do virus có dấu hiệu gia tăng. Các bệnh do nhiễm trùng đường tiêu hóa cũng ngày càng phổ biến.

‎Mô hình bệnh tật ở trẻ em từ các bệnh có căn nguyên do virus (như cúm gia cầm, tiêu chảy do virus, sốt xuất huyết, viêm não...) đang có xu hướng thay thế dần nhiều loại bệnh do vi khuẩn. Trong khi đó, bệnh do virus lại chưa có thuốc đặc hiệu mà chỉ có thể điều trị triệu chứng.

Ở trẻ em, nhất là độ tuổi từ 1 - 5 tuổi, dễ mắc bệnh nhất vì sức đề kháng chưa được hoàn thiện. Do đó, cha mẹ cần phải chủ động tạo miễn dịch cho trẻ để góp phần làm giảm các bệnh lý.

Tiêm phòng là một trong những biện pháp phòng bệnh hữu hiệu. Với những loại vaccine chưa được tiêm chủng miễn phí, nếu có điều kiện phụ huynh cũng nên tiêm cho trẻ. Trẻ càng nhỏ càng dễ bị bệnh khi môi trường sống có sự thay đổi. Không nên để trẻ nhỏ trong phòng kín, cần cho trẻ ra tiếp xúc với môi trường bên ngoài, song cũng cần tránh để trẻ tiếp xúc với không khí nóng, lạnh đột ngột.

Ngoài các biện pháp vệ sinh thông thường như đeo khẩu trang khi đi ngoài đường, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng... cần cho trẻ một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, bảo đảm vệ sinh.

Mời độc giả xem thêm video:

Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-


BS Nguyễn Thị Bích
Ý kiến của bạn