Virus EV71 gây bệnh tay - chân - miệng nguy hiểm xuất hiện ở Quảng Ngãi

11-06-2011 07:26 | Tin nóng y tế
google news

TS. Viên Quang Mai - Phó Viện trưởng – Viện Pasteur Nha Trang cho biết, đến thời điểm này, Quảng Ngãi là tỉnh duy nhất trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên xuất hiện chủng virut mới Enterovirus 71 (EV71) gây bệnh tay - chân - miệng.

TS. Viên Quang Mai - Phó Viện trưởng – Viện Pasteur Nha Trang cho biết, đến thời điểm này, Quảng Ngãi là tỉnh duy nhất trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên xuất hiện chủng virut mới Enterovirus 71 (EV71) gây bệnh tay - chân - miệng. Đây là chủng virut nguy hiểm có nhiều biến chứng nặng như viêm màng não, suy tim, thậm chí tử vong.

Ghi nhận của Trung tâm YTDP tỉnh Quảng Ngãi đến 16 giờ chiều ngày 8/6, toàn tỉnh đã có 629 trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi bị tay - chân - miệng và là tỉnh duy nhất trong khu vực có dịch tay - chân - miệng bùng phát mạnh và đã có 3 trường hợp bị tử vong (2 ca ở TP. Quảng Ngãi và 1 ở Bình Sơn).

So với những năm trước, hiện bệnh tay - chân - miệng tại Quảng Ngãi đang có chiều hướng tăng mạnh với mức độ nguy hiểm. Theo TS. Viên Quang Mai - Phó Viện trưởng - Viện Pasteur Nha Trang thì bệnh tay - chân - miệng là do chủng virut đường ruột gây ra, thường gặp nhất là virus Coxsaki. Các chủng virut này đều là virut lành tính và bệnh sẽ tự khỏi trong vòng từ 5 - 7 ngày, không gây biến chứng.

Tuy nhiên, trong năm nay đã xuất hiện chủng virut mới có tên gọi là EV71, đây là chủng virut đường ruột có độc lực cao, gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Chủng độc tính này lần đầu tiên xuất hiện tại Quảng Ngãi nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung. Do đó, phụ huynh có con từ 5 tuổi trở xuống cần phải cảnh giác cao độ với bệnh này. Với diễn biến phức tạp như hiện nay, cách phòng bệnh tốt nhất hiện nay là giữ gìn vệ sinh môi trường của trẻ khi tiếp xúc, thường xuyên rửa tay cho trẻ và cả người lớn có tiếp xúc với trẻ.

 Bác sĩ khám cho một trẻ bị bệnh tay- chân - miệng tại BVĐK Quảng Ngãi. Ảnh: Minh Đức

Từ giữa tháng 5 đến nay, bệnh tay - chân - miệng liên tục tăng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, với trên 500 trường hợp mắc bệnh và ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Riêng từ đầu tháng 6 đến nay, trung bình mỗi ngày có trên 40 trường hợp mắc tay - chân - miệng nhập viện tại Khoa Nhi (Bệnh viện đa khoa tỉnh).

Các phòng khám nhi tư nhân cũng tăng đột biến, đặc biệt trong những ngày gần đây tại phòng khám của BS. Phụ (đường Trương Định), BS. Hà (đường Trần Hưng Đạo), BS. Vân (đường Hùng Vương) luôn tấp nập bệnh nhân nhi đến khám.

Chị Nguyễn Thị Mai Lan (phường Chánh Lộ, TP. Quảng Ngãi) nói: “Bình thường, con bị sốt tôi mua thuốc hạ sốt cho uống chứ ít khi đi khám, nhưng bây giờ thấy con nóng sốt là đi khám ngay. Tôi đi làm công nhân may nên tranh thủ buổi trưa đưa cháu đến khám, nếu cháu bị bệnh tay - chân - miệng thì nhập viện luôn. Đi đâu cũng nghe bệnh này, càng ngày càng nguy hiểm nên có con nhỏ sợ lắm”.

Trước tình hình bệnh tay - chân - miệng hoành hành ở trẻ em, nhiều bậc phụ huynh không dám đưa con đến nhà trẻ vì sợ lây bệnh. Nhiều nhà trẻ, trường mầm non trên địa bàn TP. Quảng Ngãi, các lớp học đều giảm bất thường.

Bà Nguyễn Thị Hoa - Phó hiệu trưởng Trường mầm non 19/5, TP. Quảng Ngãi cho biết: Trường có 300 học sinh nhưng từ sau 10 ngày nghỉ hè, học sinh đi học chỉ khoảng 150 cháu, giảm gần 50% so với ngày thường. Dù trường đã được khử khuẩn và có biện pháp phòng chống bệnh nhưng trước tình hình của bệnh, đa số phụ huynh lo ngại nên cho con em ở nhà, tránh tiếp xúc đông người.

Tại Trường mầm non tư thục Sơn Ca, TP. Quảng Ngãi, số học sinh đến lớp sau kỳ nghỉ hè cũng giảm đáng kể. Bà Nguyễn Thị Mỹ Trang - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có 15 lớp với tổng số cháu là 500, nhưng hai ngày nay số cháu đến lớp chỉ trên 300 cháu, lớp nào cũng giảm từ 15-25 cháu.

Hiện bệnh tay - chân - miệng tại Quảng Ngãi chưa có chiều hướng giảm cả về số người mắc bệnh và mức độ nguy hiểm, đặc biệt là sự xuất hiện chủng virut mới EV71. Do vậy, bên cạnh công tác phòng trừ thì việc theo dõi, giám sát dịch tễ cũng là biện pháp quan trọng nhằm khống chế chủng virut nguy hiểm này, tránh lây lan trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, các phụ huynh nên hạn chế cho con đến nơi đông người, cách ly trẻ bị bệnh với trẻ khác. Đặc biệt khi thấy trẻ sốt kéo dài hơn 2 ngày kèm nổi bóng nước ở tay, chân, miệng phải đưa đi khám ngay.

Cách phòng bệnh tốt nhất hiện nay là giữ gìn vệ sinh môi trường trẻ tiếp xúc, thường xuyên rửa tay cho trẻ và cả người lớn có tiếp xúc với trẻ.

THANH THUẬN


Ý kiến của bạn