Hai lần mắc ung thư với bệnh chồng bệnh
Anh N.X.T (sinh năm 1970, Hà Nội) từng được chẩn đoán ung thư dây thanh quản, đã phẫu thuật cắt bán phần dây thanh quản cách đây 8 năm. Đến tháng 3/2024, một lần nữa bệnh nhân lại đối mặt với ung thư thực quản đoạn 1/3 trên - giữa.
Khi phát hiện, khối u đã ở giai đoạn muộn, kích thước lớn, xâm lấn các cấu trúc xung quanh và có di căn hạch. Đồng thời, bệnh nhân bị tăng huyết áp và đái tháo đường nhiều năm, khiến 2 bệnh viện lớn từ chối phẫu thuật.
Tìm đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City (Hà Nội) trong tình trạng bệnh phức tạp, bệnh nhân được Hội đồng Ung bướu (MTB) của bệnh viên chỉ định điều trị hóa - xạ trị, đồng thời triệt căn khối u. Tuy nhiên, khối u không đáp ứng hoàn toàn, phẫu thuật trở thành phương án duy nhất để cứu sống bệnh nhân.
"Trên hình ảnh chụp PET CT, chỉ còn phần lõi của khối bắt thuốc chứng tỏ khối u đã đáp ứng khá tốt với hóa - xạ trị. Nghĩa là thực sự khối ung thư không còn lớn như quan sát thấy trên hình ảnh cắt lớp vi tính. Do đó, bệnh nhân vẫn còn khả năng phẫu thuật mặc dù rất khó khăn. Chúng tôi đã đề xuất phẫu thuật nội soi cắt u với ê-kíp có nhiều kinh nghiệm trong phẫu thuật triệt căn", PGS.TS.BS Phạm Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa – Gan mật – Tiết niệu và Đồng Chủ tịch Hội đồng Ung bướu cho biết.
Cũng theo PGS.TS.BS Phạm Đức Huấn, đây là quyết định khó khăn, bởi khối u sau hóa - xạ trị triệt căn dính nhiều vào các cấu trúc quan trọng như tim, khí phế quản và động mạch chủ ngực. Các phẫu thuật viên đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn cao và kỹ năng bóc tách chính xác nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Một thách thức lớn khác trong ca phẫu thuật là vấn đề hẹp khí quản, di chứng từ ca phẫu thuật dây thanh quản 8 năm trước của bệnh nhân. Đường kính khí quản tại vị trí hẹp chỉ khoảng 6mm, bằng một nửa kích thước bình thường, khiến việc đặt ống nội khí quản trở nên khó khăn và có nguy cơ thất bại.
"Các bác sĩ Vinmec thống nhất chuẩn bị 3 phương án gây mê, trong đó, đặt ống nội khí quản kích thước nhỏ là ưu tiên hàng đầu, trong khi 2 phương án dự phòng là mở khí quản và sử dụng hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO). Mọi nguồn lực, thiết bị điều sẵn sàng trong phòng mổ để xử trí các tình huống", ThS.BS Vũ Tuấn Việt, Trưởng khoa gây mê – giảm đau, cho biết.
Trong suốt 8 giờ phẫu thuật, ê-kíp đã tiến hành cắt bỏ hoàn toàn khối u, đồng thời tạo hình thực quản mới tại vị trí sau xương ức, đảm bảo chức năng nuốt và duy trì chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe nhờ được áp dụng các phương pháp giảm đau tiên tiến và chăm sóc hậu phẫu ERAS (phục hồi sớm và không đau sau phẫu thuật). Chỉ sau 7 ngày, bệnh nhân đã được xuất viện, sớm hơn so với khoảng thời gian thông thường từ 10 - 15 ngày.
Đột phá trong phẫu thuật ung thư tiêu hóa bằng phương pháp nội soi
Phẫu thuật ung thư thực quản, tạo hình thực quản bằng dạ dày hoặc đại tràng hiện vẫn được coi là kỹ thuật mổ đường tiêu hóa khó nhất của phẫu thuật tiêu hóa. Để đạt được mức độ triệt căn, lấy tối đa các tổ chức ung thư cho người bệnh, phương pháp mổ thực quản phổ biến ở nhiều bệnh viện trên thế giới vẫn là mổ mở.
Tại Vinmec, hơn 95% các ca phẫu thuật ung thư tiêu hóa hiện được thực hiện bằng phương pháp nội soi. Làm nên con số này chính là đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao. Trong đó, PGS.TS.BS Phạm Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật - Tiết niệu, được biết đến là một trong hai phẫu thuật viên tiên phong tại Việt Nam thực hiện phẫu thuật nội soi điều trị ung thư thực quản. Đến nay, ông đã thực hiện hàng nghìn ca phẫu thuật, kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư từ 10-20 năm sau điều trị.
Hệ thống Y tế Vinmec nói chung và Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City luôn cập nhật các hướng dẫn điều trị ung thư mới nhất từ Mỹ và Nhật Bản… đảm bảo áp dụng những tiến bộ y học tiên tiến. Các ca phẫu thuật được thực hiện với phương pháp giảm đau hiện đại, đặc biệt không sử dụng morphin, kết hợp chăm sóc theo mô hình phục hồi sớm sau phẫu thuật (ERAS), giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng, trở lại cuộc sống bình thường.
Vinmec