Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vừa phát đi bản tin cảnh báo động đất. Theo đó vào lúc 01 giờ 09 phút 43 giây (GMT), ngày 03/03/2023, tức 08 giờ 09 phút 43 giây, ngày 03/03/2023 (giờ địa phương), tại tọa độ: 21.215N-105.554E thuộc địa phận huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đã xảy ra trận động đất có độ lớn 3.2 với độ sâu chấn tiêu khoảng 16km.
Hiện Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, theo các tài liệu quan sát thì chưa từng xảy ra động đất ở vị trí huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, mới chỉ có các tài liệu ghi nhận trong lịch sử. Có nghĩa, kể từ khi có các ghi nhận về động đất từ các trạm quan trắc thì chưa ghi nhận được động đất ở khu vực này.
TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết: Động đất được phân loại theo độ lớn từ 5-6 là động đất trung bình, từ 6-7 là động đất mạnh, từ 7-8 là động đất lớn và từ 8-9 là động đất hủy diệt.
Từ phân loại trên có thể sơ lược hiểu được về mức độ thiệt hại mà động đất có thể gây ra. Còn về chấn động hay cấp động đất được đo bằng thang động đất quốc tế MSK-64 là rung động mà động đất gây ra trên mặt đất, tác động tới mọi vật trên bề mặt. Càng gần chấn tâm, chấn động càng mạnh.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, trong lịch sử Việt Nam, từ năm 114 tới năm 2003, Việt Nam đã ghi nhận được 1.645 trận động đất mạnh có độ lớn từ 3 trở lên. Đó là trận động đất gây chấn động cấp 8 xảy ra vào năm 114 ở bắc Đồng Hới, các trận động đất cấp 7, cấp 8 xảy ra ở Hà Nội vào các năm 1277, 1278, 1285; động đất cấp 8 ở khu vực Yên Định - Vĩnh Lộc - Nho Quan vào năm 1635; động đất cấp 8 vào năm 1821 ở Nghệ An, cấp 7 ở Phan Thiết vào các năm 1882, 1887...
Trong thế kỷ XX, Việt Nam từng ghi nhận 2 trận động đất rất lớn là động đất Điện Biên (năm 1935) với độ lớn 6,75 xảy ra trên đới đứt gẫy sông Mã. Trận lớn thứ hai là động đất Tuần Giáo (năm 1983), với độ lớn 6,8, xảy ra trên đới đứt gẫy Sơn La.
Ngoài ra, vùng ngoài khơi Nam Trung Bộ, năm 1923 cũng có 1 trận động đất với độ lớn 6,1 (thuộc ở vùng biển vũng Tàu, Phan Thiết). Trận động đất này này đi cùng hiện tượng phun trào núi lửa Hòn Choi, trên đới đứt gãy kinh tuyến 109-110.
TS Nguyễn Xuân Anh cũng cho biết, trong 20 năm trở lại đây chúng ta thấy có nhiều trận động đất xảy ra trên các đới đứt gãy ở khu vực Tây Bắc, các tỉnh Cao Bằng, Nghệ an, Thanh Hóa… có trận lớn nhất là 5.4. Đáng chú ý là có nhiều trận động đất kích thích xảy ra ở Bắc Trà My (Quảng Nam), Kon Plông ( Kon Tum), Sơn La, Lai Châu, Thừa Thiên Huế với độ lớn không quá 5…
Một số trận động đất ở xa (Vân Nam, Trung Quốc, Lào…) gây rung lắc ở một số nhà cao tầng ở các đô thị Việt Nam. Những trận động đất này không gây thiệt hại lớn, phần lớn các trận động đất ở mức độ trung bình và dưới mức trung bình. Đáng chú ý là ở khu vực Quan Sơn (Thanh Hóa), động đất có gây ra nứt nhà, ở Trùng Khánh, Cao Bằng gây đá lăn từ trên núi làm người dân lo lắng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 3/3: Thiếu Tướng Đinh Văn Nơi Trao Quyết Định Bổ Nhiệm Phó Giám Đốc Công An Quảng Ninh | SKĐS