Hà Nội

Vinh dự khi được đóng góp trong lĩnh vực y tế giữa hai nước Việt – Pháp

18-03-2009 17:00 | Thời sự
google news

Ngày 9/2/2009, Tổng thống nước Cộng hòa Pháp đã quyết định tặng thưởng Huân chương Bắc đẩu bội tinh cho PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến vì những đóng góp cho việc phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp trong lĩnh vực y tế.

Ngày 24/2/2009, Đại sứ quán nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam có Công hàm số 701/CHA gửi PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế thông báo: ngày 9/2/2009, Tổng thống nước Cộng hòa Pháp đã quyết định tặng thưởng Huân chương Bắc đẩu bội tinh cho PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến vì những đóng góp cho việc phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp trong lĩnh vực y tế. Đây là một vinh dự không chỉ dành riêng PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến mà là vinh dự chung của toàn ngành y tế. Nhân dịp này, báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến.

Thầy thuốc ưu tú, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng khóa X, Thứ trưởng Bộ Y tế. 

PV: Thưa Thứ trưởng, là cán bộ của ngành y tế được nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh - huân chương cao quý nhất của Nhà nước Pháp, xin Thứ trưởng chia sẻ cảm xúc của mình trước sự kiện này!

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Mỗi người khi được nhận một phần thưởng cao quý nào đó đều có cảm giác vui mừng, phấn khởi và tự hào, tôi cũng không phải là trường hợp ngoại lệ và rất vinh dự khi nhận phần thưởng này.

PV: Thưa Thứ trưởng, được biết Thứ trưởng đã từng có thời gian học tập và nghiên cứu chuyên sâu tại Pháp. Vậy, quá trình này đã ảnh hưởng đến những công việc chuyên môn của Thứ trưởng sau này như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Ngành y tế Việt Nam và Cộng hòa Pháp có mối quan hệ truyền thống, lâu đời ngay từ những năm 80 của thế kỷ 19, hợp tác về đào tạo y khoa giữa Cộng hòa Pháp và Việt Nam đã chính thức triển khai, hợp tác ngày càng mở rộng và phát triển về chất lượng cũng như số lượng, đặc biệt sau khi Chính phủ hai nước ký Hiệp định hợp tác y dược, tháng 2/1993. Mối quan hệ hợp tác y tế Việt - Pháp rất có hệ thống, từ đào tạo nhân lực chất lượng cao đến đầu tư trang thiết bị và chuyển giao công nghệ. Nhiều thế hệ các thầy thuốc như cố Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch, GS. Hồ Đắc Di, GS. Đặng Văn Chung..., các nhà khoa học nghiên cứu về y tế, các chuyên gia đầu ngành trong hệ thống y tế dự phòng và điều trị... được học tập sau đại học, nghiên cứu khoa học tại Pháp tạo nên nguồn cán bộ có chất lượng cao trong ngành y tế nước nhà. Trường đại học Y Hà Nội ngày nay và hầu hết các bệnh viện tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều được Pháp xây dựng từ thế kỷ 19.

Quá trình làm việc 20 năm tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh (là viện Pasteur đầu tiên ở hải ngoại và viện Pasteur thứ hai trên thế giới được thành lập năm 1891 sau Viện Pasteur Paris) đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, đầu tư từ đào tạo nhân lực, trang thiết bị đến chuyển giao công nghệ của Viện Pasteur Paris đã tạo điều kiện cho tôi được đào tạo lấy bằng nghiên cứu chuyên sâu (là cán bộ đầu tiên của ngành y tế dự phòng Việt Nam theo học sau đại học về chuyên ngành này tại Pháp) và các khóa học ngắn hạn khác, tham gia nghiên cứu, tham gia chủ trì hội thảo khoa học... tại nước Pháp. Quá trình này đã giúp tôi không chỉ học thêm được một ngoại ngữ, hiểu biết thêm về vốn văn hóa mà còn được bổ sung thêm nhiều kiến thức về tư duy khoa học, phương pháp làm việc, tư duy kinh tế tri thức, hệ thống nghiên cứu y học, hệ thống an sinh xã hội về y tế và cả phương pháp quản lý... để áp dụng và nâng cao hiệu quả công việc tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cũng như học tập và quản lý sau này. Bên cạnh đó là những mối quan hệ thân hữu với các bạn đồng nghiệp trong hệ thống viện Pasteur trên thế giới thông qua Viện Pasteur Paris, đã tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho tôi  mà nhiều cán bộ khác của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh được tiếp cận với nhiều đề tài, dự án về y tế dự phòng sau này...

PV: Huân chương Bắc đẩu bội tinh được trao tặng cho những người nước ngoài có công trạng lớn đối với nước Pháp, xin Thứ trưởng cho biết một số đóng góp của mình trong các hoạt động hợp tác nghiên cứu nhằm tăng cường thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước trong lĩnh vực y tế và những đóng góp đó đã mang lại hiệu quả trong thực tiễn như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Như tôi đã nói ở trên, tôi được đi học tập, nghiên cứu... tại Pháp là do mối quan hệ hợp tác y tế bền vững, lâu dài giữa hai nước Việt - Pháp; mối quan hệ đoàn kết lâu bền của hệ thống các viện Pasteur và cả tổ chức các trường ĐH nói tiếng Pháp. Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác y tế Việt - Pháp, trong đó có mối quan hệ lâu dài giữa Viện Pasteur  TP. Hồ Chí Minh và Viện Pasteur Paris và hệ thống viện Pasteur, với vai trò là Viện trưởng (năm 2001, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến được bổ nhiệm là Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh và là viện trưởng trẻ nhất trong hệ thống 22 viện Pasteur trên thế giới - PV)  tôi và các cộng sự đã tiến hành thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học vừa mang tính thực tiễn cấp bách vừa mang tính lâu dài trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phục vụ công tác điều trị ở Việt Nam như: Dự án bệnh tiêu chảy ở Đồng bằng sông Cửu Long (gần 20 năm trước, bệnh tiêu chảy diễn ra khá phổ biến ở khu vực này); Bệnh đường truyền qua nước ở miền Nam; Bệnh HIV/AIDS lây truyền từ mẹ sang con; Bệnh viêm gan; Bệnh dại; Sốt xuất huyết; Chân tay miệng và các bệnh truyền qua đường hô hấp như SARS, cúm A H5N1... Bên cạnh đó, với vai trò là 1 trong 7 thành viên của Hội đồng quản trị về hành chính của 22 viện Pasteur trên thế giới đã giúp tôi có nhiều hoạt động trong việc ủng hộ sự phát triển bền vững và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác về nhiều lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ, dịch vụ kinh tế y tế không chỉ riêng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh mà còn cả hệ thống các viện Pasteur trong nước và các viện Pasteur khác trong hệ thống 22 viện Pasteur trên thế giới. Ngoài ra, tôi cũng tham gia giảng dạy, báo cáo khoa học trong hệ thống y học của các nước nói tiếng Pháp... Ngay cả hiện nay, khi tôi đang làm công tác quản lý, tôi vẫn tiếp tục làm đầu mối của một số hoạt động hợp tác trao đổi về khoa học, chuyển giao công nghệ với không chỉ nước Pháp mà còn với nhiều quốc gia khác là Mỹ, Úc... và vẫn làm cố vấn khoa học của một số dự án nghiên cứu khoa học lớn và chủ nhiệm đề tài của Pháp.

      Huân chương Bắc đẩu bội tinh là huân chương cao quý nhất của Nhà nước Pháp. Huân chương này được Napoléon Bonaparte lập ra ngày 19/5/1802 để tặng thưởng cho những cá nhân hoặc tổ chức (cả dân sự và quân sự) có đóng góp đặc biệt cho nước Pháp. Những người được tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh sẽ trở thành một thành viên trong Légion d'honneur (Quân đoàn danh dự), họ được gọi là các légionnaire. Không chỉ là danh hiệu dành riêng cho người Pháp, Bắc đẩu bội tinh còn được trao tặng cho những người nước ngoài có công trạng lớn đối với nước Pháp.

Qua quá trình hợp tác với các bạn quốc tế, tôi rút ra kinh nghiệm là mình cần phải đề ra nguyên tắc chân thành và hiệu quả. Cũng chính vì thế mà mối quan hệ hợp tác quốc tế của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh với các đối tác trong hệ thống Viện Pasteur cũng như bên ngoài luôn mang tính bền vững và hiệu quả thiết thực. Có lẽ vì thế mà trong những tình huống xảy ra dịch bệnh cần phải khẩn trương tìm nguyên nhân, nguồn gốc của dịch bệnh, chúng tôi đã luôn nhận được sự giúp đỡ chân thành, nhanh nhất của các bạn quốc tế cả về công nghệ, hóa chất, phác đồ điều trị và nguồn nhân lực có chất lượng..., đã tạo nên hiệu quả cao không chỉ trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân mà còn cả trong sự ổn định phát triển kinh tế xã hội.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, mối quan hệ hợp tác giữa Pháp và Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực y học nói riêng cũng có một thời gian tạm lắng. Từ những năm 1985, Viện Pasteur Paris đã tìm lại mối quan hệ truyền thống xa xưa với Viện Pasteur TP. HCM để từ đó các mối quan hệ hợp tác khoa học công nghệ, y tế giữa các viện Pasteur ở Việt Nam nói riêng và của ngành y tế nói chung, Việt Nam và Pháp lại tiếp tục phát triển bền vững hiệu quả cho đến hiện nay. Chính vì thông qua các hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ mà tôi và các đồng nghiệp khác tích cực tham gia đã tạo cầu nối để các nhà khoa học nghiên cứu sinh, sinh viên Pháp cũng sang Việt Nam, sang Viện Pasteur TP. HCM để thực hiện nghiên cứu các lĩnh vực, các bệnh nhiệt đới mà ở Pháp không có nhiều và thông qua đó người Việt Nam hiểu biết nhiều hơn về kinh tế, khoa học, văn hóa, nghệ thuật... của nước Pháp, giúp cho mối quan hệ hợp tác nói chung và y tế nói riêng của Pháp - Việt ngày càng phát triển.

PV: Trong thời gian tới, chúng ta sẽ có những hoạt động gì để tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực  y tế giữa hai nước Việt - Pháp, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Hợp tác về đào tạo y khoa giữa Cộng hòa Pháp và Việt Nam đã chính thức triển khai, hợp tác ngày càng mở rộng và phát triển về chất lượng cũng như số lượng, đặc biệt sau khi Chính phủ hai nước ký Hiệp định hợp tác y dược, tháng 2/1993. Theo hiệp định này, hai bên đã và đang triển khai chương trình hợp tác đào tạo bác sĩ nội trú, hằng năm có hàng trăm thực tập sinh, nghiên cứu sinh, bác sĩ và các kỹ thuật viên Việt Nam được đào tạo, thực tập và làm chức năng nội trú (FFI) tại Cộng hòa Pháp. Bộ Y tế cũng đã ký với Trung tâm quốc gia nghiên cứu SIDA và các virut viêm gan của Cộng hòa Pháp một bản thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS; Ký thỏa thuận khung về "Sáng kiến Đoàn kết điều trị trong hệ thống bệnh viện" (ESTHER) trong điều trị và phòng, chống bệnh AIDS tại Việt Nam.

Trên cơ sở hợp tác y tế giữa hai nước Việt - Pháp, hợp tác giữa  các viện của Việt Nam và Viện Pasteur Paris cũng như Viện Pasteur các nước trong hệ thống viện Pasteur thế giới luôn được duy trì và phát triển. Tháng 9/2006, Chính phủ Pháp đã thông qua Viện Pasteur Paris đã ký kết dự án "Giám sát dịch tại châu Á" với 3 Viện của Việt Nam (Viện Vệ sinh dịch tễ TW, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh). Tiếp đó, tháng 1/2009, Cơ quan Phát triển Pháp đã viện trợ 80.000 euro để xây dựng dự án "Hiện đại hóa Đại học Y Hà Nội và xây dựng bệnh viện thực hành".

Ngoài ra, từ năm 1993 đến nay đã có nhiều thỏa thuận, kết nghĩa hợp tác được ký kết giữa các cơ sở y tế của Cộng hòa Pháp với các cơ sở y tế Việt Nam về các lĩnh vực đào tạo, trao đổi chuyên gia, thực tập sinh và trao đổi trang thiết bị y tế, thuốc men... Các doanh nghiệp của Pháp đã đầu tư 100% vốn xây dựng 2 bệnh viện Việt - Pháp tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và 1 phòng xét nghiệm Lad Groupe tại TP. Hồ Chí Minh. Về lĩnh vực dược phẩm, hiện có 2 doanh nghiệp sản xuất thuốc của Pháp là Aventis và Sanofi đang thực hiện liên doanh, liên kết sản xuất, kinh doanh dược phẩm tại Việt Nam.

Hợp tác với Chính phủ Pháp về y tế trong những năm qua được đánh giá là hiệu quả và đặc biệt thiết thực trong công tác đào tạo, hầu hết số cán bộ có chuyên môn cao và lãnh đạo các bệnh viện lớn trong cả nước đã qua thực tập tại Pháp. Các dự án viện trợ của Chính phủ Pháp đã hỗ trợ đáng kể ở những cơ sở, những vùng được hưởng dự án cho việc nâng cao chất lượng phòng bệnh, khám chữa bệnh và trình độ chuyên môn của bác sĩ các cấp.

Với vai trò là tham mưu giúp việc cho đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế, trong thời gian tới, cá nhân tôi và ngành y tế Việt Nam mong muốn được Pháp tiếp tục chương trình hợp tác đào tạo bác sĩ nội trú (FFI), cán bộ y tế chuyên sâu về chuyên ngành lâm sàng và cận lâm sàng..., nghiên cứu thuốc, thử nghiệm lâm sàng... và tiếp tục đào tạo tiến sĩ cho cán bộ y tế đã được đào tạo thạc sĩ ở Pháp. Bên cạnh đó, cũng đề nghị các nhà  đầu tư của Pháp tăng cường đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thuốc, đặc biệt là kháng sinh thế hệ mới, thuốc chuyên khoa, thuốc có công nghệ bào chế đặc biệt... dưới nhiều hình thức như liên doanh, liên kết, đầu tư 100% vốn...

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Thái Bình - Trần Minh (thực hiện)


Ý kiến của bạn