Tự hào về những di sản xanh của Việt Nam
Việc vinh danh và gắn bia Cây Di sản Việt Nam cũng nhằm góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gene quý hiếm, bảo vệ màu xanh trong các xóm làng, trong các thành đô, trong các đền chùa,... và bảo vệ đa dạng sinh học của nước nhà, đồng thời đánh dấu một mốc quan trọng mang ý nghĩa khoa học và nhân văn trong sự nghiệp bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường Việt Nam. Bảo vệ và chăm sóc từng cây, từng khu rừng trong đất liền, trên các vùng biển đảo xa xôi của Tổ quốc chính là hành động thiết thực nhằm hưởng ứng lời kêu gọi chung của thế giới: bảo vệ hành tinh xanh.
Vì một hành tinh xanh, vì môi trường sinh thái, hãy bảo vệ cây xanh.
Thiên nhiên trên hành tinh nói chung và Việt Nam nói riêng, giới thực vật là một thành phần cơ bản tạo nên tính đa dạng sinh học vô cùng phong phú. Sự đa dạng của hệ thực vật không những về thành phần loài, về cấu trúc, về vùng phân bố địa lý mà còn có sự khác nhau về dạng sống và tuổi đời, có những loài cây có tuổi đời rất ngắn chỉ một năm, một số năm, nhưng cũng có những cây sống được lâu năm.
Ở Việt Nam có cây chò (Terminalia myriocorpa) đã sống trên 1.000 năm đang hiện hữu ở Vườn Quốc gia Cúc Phương - Ninh Bình; cây sa mu dầu (Cunninghamia Konishii hayata) trên 1.000 năm tuổi, cao trên 50 mét trong khu rừng nguyên sinh ở Khe Bu tại Vườn Quốc gia Pù Mát - Nghệ An, cây nghiến (Burretio dendron hsienmu) trên 1.000 năm tuổi ở bản Lũng Tùng, huyện Hạ Long, tỉnh Cao Bằng rất đẹp, xanh tốt quanh năm, quần thể cây ruối (Streblus asper) ở dọc đường vào xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, hay cây đa chùa Viên Giác, xã Cẩm Phô, Hội An đã tồn tại trên vùng đất đầy sóng gió của Cửa Đại, Quảng Nam; cây dã hương ở Tiên Lục - Bắc Giang cũng trên nghìn tuổi đang chống chọi với thiên nhiên và đang đứng vững trên vùng đất quan họ thật kỳ vĩ, hoành tráng, đây là một trong hai cây dã hương cổ nhất trên thế giới đã có tên trong Từ điển Bách khoa của Pháp năm 1932 (Larouse Lecamphrier de tiên lục, deuxieme Camphriere du monde)...
Dù là cây sống trong rừng hay do con người trồng có khả năng sống lâu năm đều được dân gian Việt Nam phong tặng cho cái tên cây “cổ thụ”. Nếu có dịp đi vòng quanh đất nước, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các quần thể cây cổ thụ với hàng ngàn vạn cây được cộng đồng người Việt chung tay bảo vệ.
Hãy bảo vệ màu xanh
Cây cổ thụ tập trung nhiều trên các con đường, các đình, chùa, miếu mạo ở nông thôn Việt Nam. Nhưng tiếc là, khi kinh tế thị trường ùa về, phần do mở đường rộng thêm, phần do nhu cầu đất ở, đất kinh doanh, đất dành cho khu công nghiệp, những cây cổ thụ thường là nạn nhân đầu tiên bị đưa ra thanh lý, chặt hạ. Đấy là chưa kể đến những nguyên nhân khách quan nằm ngoài sự kiểm soát của con người.
Ở Huế, cây xanh được coi là một phần của di sản văn hóa, làm nên giá trị độc đáo, đặc sắc cho nơi này. Bởi vậy, vấn đề nghiên cứu, phục hồi cảnh quan môi trường khu di sản là 1 trong 3 nội dung trọng tâm của các dự án chiến lược về bảo tồn di sản văn hóa Huế (bảo tồn văn hóa vật thể, bảo tồn văn hóa phi vật thể, và bảo tồn cảnh quan môi trường khu di sản) từ trước đến nay. Khi đi thăm Đại Nội, chúng ta sẽ nhìn thấy hai cây tếch cổ thụ nằm ở sân phía Tây Điện Thái Hòa. Loại cây này có hoa màu hồng nhạt, nở hai lần trong năm vào đầu hè và đầu đông. Tếch là loại cây có giá trị và có khả năng chịu đựng thời tiết khắc nghiệt của Huế. Bằng chứng là trải qua nhiều đợt mưa bão lớn, hai cây tếch này vẫn không hề bị ảnh hưởng mà ngày càng trở nên to lớn như thể hai chú lính gác khổng lồ cho di tích mặc cho bao năm tháng qua đi. Đến nay, ở nhiều khu di tích tại Huế vẫn còn lưu giữ nhiều cây trồng cổ thụ đặc trưng, thể hiện tính cách của từng vị vua, hay đánh dấu một điểm mốc lịch sử.
Tuy vậy, thực trạng cây xanh trong khu di sản là một vấn đề rất phức tạp, bởi hiện có tới 80% cây xanh trong địa bàn khu di sản là cây tạp, cây mọc tự nhiên... Do đó, việc nghiên cứu, điều chỉnh (bao gồm sắp xếp, trồng mới, bố trí lại...) cho hệ thống cây xanh trong địa bàn khu di sản là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cần phải có chiến lược để nghiên cứu, bổ sung những giống cây chiến lược, cây cảnh quý để phục vụ việc tôn tạo, phục hồi cảnh quan mà đặc biệt là các khu vườn thượng uyển, vườn ngự sau này.
Trước tình hình đô thị hóa và những biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, những di sản văn hóa của chúng ta đang bị xâm hại nặng nề bởi thiên tai thì thông điệp: “Vì một hành tinh xanh, vì môi trường sinh thái hiền hòa, hãy chung tay bảo vệ môi trường, bảo tồn các di sản thiên nhiên của đất nước, đó cũng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta” sẽ phải được thực hiện quyết liệt hơn nữa.