Vĩnh biệt vị tướng của nhân dân!

09-10-2013 20:44 | Thời sự
google news

Nếu ai đã từng dự Ngày Âm nhạc Việt Nam 3/9/2013 ở Nhà hát Lớn Hà Nội hẳn sẽ không quên những giai điệu tràn đầy niềm tự hào và đầy ắp tình cảm thiêng liêng trong bản hợp xướng Có một khu rừng như thế .Đây chính là bản hợp xướng được nhạc sĩ Doãn Nho ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp

* Một huyền thoại thời đại
* "Không có sự vĩ đại nào không bắt đầu từ tình yêu"
* Hạnh phúc khi sáng tác ngợi ca Đại tướng
* Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn quan tâm đến Đông y Việt Nam
 
Vĩnh biệt vị tướng của nhân dân! 1
 Khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến là nơi an nghỉ của
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Kính viếng anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp
 
Thông báo chính thức về thời gian Lễ viếng
Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Để phục vụ chu đáo nhất việc viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Lễ viếng ở Hà Nội, Quảng Bình và TP. Hồ Chí Minh, Ban tổ chức Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp xin thông báo:

Lễ viếng tại Nhà tang lễ Quốc gia Trần Thánh Tông, Hà Nội: Lễ viếng bắt đầu từ 7 giờ 30 phút đến 21 giờ ngày 12 tháng 10 năm 2013.

Buổi sáng, từ 7 giờ 30 phút đến 12 giờ: Các đoàn viếng của Ban Chấp hành Trung ương, đoàn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đoàn của Chủ tịch nước, đoàn của Chính phủ, đoàn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn Quân ủy Trung ương, gia quyến Đại tướng Võ Nguyên Giáp; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước;

Các đoàn viếng của lãnh đạo cấp cao nước ngoài; Các đoàn viếng của Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ TP. Hà Nội; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Các đoàn quốc tế và ngoại giao; Đoàn Cựu chiến binh Việt Nam.

Buổi chiều, từ 12 giờ đến 14 giờ: Các đoàn viếng của các tỉnh, thành phố; từ 14 giờ đến 15 giờ: Các đoàn viếng của các bộ, ban, ngành đoàn thể Trung ương; từ 15 giờ đến 21 giờ: Các đoàn viếng còn lại và các cá nhân.

Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tỉnh Quảng Bình và TP. Hồ Chí Minh:

Tại tỉnh Quảng Bình: Lễ viếng được tổ chức tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, cùng thời gian tổ chức lễ viếng tại Hà Nội;

Tại TP. Hồ Chí Minh: Lễ viếng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, cùng thời gian tổ chức Lễ viếng tại Hà Nội; Kính mời các cơ quan, đơn vị, cá nhân; các đoàn ngoại giao và quốc tế khu vực miền Nam đến viếng.

Cũng theo đại diện gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến (tỉnh Quảng Bình) đã được gia đình chọn làm nơi an nghỉ vĩnh hằng của ông.
TTXVN
Một huyền thoại thời đại
 
Vị tướng già đón thêm một mùa xuân
tuổi vượt qua một thế kỷ biến động
hơn một thế kỷ cách mạng Tân Hợi, hơn một thế kỷ Nhà hát Lớn
hơn một thế kỷ từ bến nhà Rồng
người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành
xuống tàu lênh đênh bốn biển năm châu tìm đường cứu nước
 
vị tướng già nhìn lên ảnh Bác
nước mắt thương nhớ ứa ra
từ một thầy dạy sử và rất yêu sử nước nhà
ông đã đi theo Hồ Chí Minh viết thêm trang sử mới
từ những ngày chiến khu lập nên trung đội
luyện tập cùng những người lính Mỹ - toán Con Nai
hạ Phay Khắt Nà Ngần rồi đến Võ Nhai
ông thành người chỉ huy quân đội
đội quân cách mạng Việt Nam cùng dân tộc phá xích xiềng nô lệ
lớn nhanh như Phù Đổng bộ đội Cụ Hồ
 
Ông cùng dân tộc hành trình bất ngờ
từ chiến lũy Thủ Đô đến Điện Biên lòng chảo
ngửa chiếc mũ thiên nhiên dồn đối phương vào và dập dồn nã pháo
lòng chảo thành nơi xóa sổ kẻ thù
lòng chảo thành chiến lược của ta
dựng tầm vóc giữa tinh cầu, nhân loại
như tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi
dù thăng trầm, dù bão tố thời gian
 
ông đã sống với những suy tư như lòng chảo trong mình
biết đau đớn trước sai lầm nông nổi
biết đứng cùng nhân dân chống lại những lộng hành giả dối
hóa giải mọi bất đồng, đại đoàn kết Việt Nam
 
Giờ thì ông mãi mãi nằm im
giữa thu vàng xác xao Hà Nội
heo may như lạnh hơn cùng tin buồn không chịu nổi
lá vàng rơi theo bước bước dòng người
họ yêu ông như thể chính cuộc đời
vì có cuộc đời, họ yêu ông vô hạn
họ đến viếng ông bởi thúc gọi của con tim nồng ấm
hình ảnh ông "Chào đồng bào tôi đi"
khiến bao người rưng lệ chia ly
khiến bao người rưng lệ chia ly
khiến bao người bắt đầu sống trong huyền thoại
huyền thoại về ông - một huyền thoại thời đại
bắt đầu từ thuở nào và không kết thúc ở đâu...
                            Đầu Xuân 2011 – Cuối Thu 2013
                                                  Nguyễn Thụy Kha
 
Vĩnh biệt vị tướng của nhân dân! 2
 Dòng người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày một dài.
Ảnh: Trần Minh
Nhà viết kịch Lê Quý Hiền:
"Không có sự vĩ đại nào không bắt đầu từ tình yêu"
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người Anh hùng dân tộc đã vĩnh biệt chúng ta. Trong niềm tiếc thương vô hạn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, SK&ĐS đã tìm đến nhà viết kịch Lê Quý Hiền - người có tác phẩm Dấu ấn Điện Biên viết về Bác Hồ và Đại tướng đã được Hội NSSK Việt Nam trao giải B (không có giải A) để trao đổi về hình tượng nhân vật "Tướng Giáp" trong tác phẩm qua góc nhìn của văn nghệ sĩ.

- Được biết Dấu ấn Điện Biên của ông tuy được giải cao nhưng Nhà hát kịch Quân đội vẫn chưa dựng mà găm lại để dành cho năm 2014 nhân Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Thắc mắc đầu tiên của tôi là các nhân vật được hư cấu, riêng nhân vật Bác Hồ và Tướng Giáp ông lấy tên thật là sao?

- Vì đấy là hai vị thánh trong lòng tôi cũng như của triệu con tim nước Việt.

- Chiến dịch Điện Biên Phủ xảy ra khi ông vừa 1 tuổi...

- Cứ theo logic này thì không ai dám viết về Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lê Lợi, Nguyễn Trãi...

- Kịch là xung đột, vậy nhân vật "Tướng Giáp" của ông xung đột với ai?

- Với chính ông, xung đột trong lòng nhân vật!

- Cụ thể?

Vĩnh biệt vị tướng của nhân dân! 3
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi chiến lược trận đánh tại mặt trận ĐBP.
Ảnh: TL

- Trong quyết định thay đổi cách đánh từ "đánh nhanh thắng nhanh" được Đảng ủy Mặt trận và cố vấn quân sự nước ngoài nhất trí là bắt đầu tấn công từ 20/1 với kế hoạch tập trung 4 đại đoàn tấn công quyết liệt vào trung tâm Mường Thanh, giải quyết chiến dịch trong vài ngày. Đại tướng đến Điện Biên sau, quan sát thực tế đã đề ra kế hoạch "đánh chắc tiến chắc" và hoãn ngày tấn công lại 5 ngày đến 25/1 vẫn chưa cho nổ súng. Lùi tiếp sang ngày 26 rồi lại hoãn cho đến hơn 5 chục ngày sau như chị đã biết... Quyết định đó không dễ dàng khi tập thể đã quyết định. Trong bối cảnh cá nhân phục tùng tập thể bấy giờ mà Đại tướng là người luôn tôn trọng nguyên tắc nhất định sẽ xung đột với chính ông khi nghĩ tới tổn thất xương máu chiến sĩ là rất lớn. Xung đột này bắt đầu từ lòng thương dân yêu lính trong ông bởi không thể chiến thắng bằng mọi giá, bởi những người lính là những con người, sau họ còn cha mẹ, anh em, vợ con. Và cũng chính lòng thương dân yêu lính cộng với trí tuệ của một thiên tài quân sự trong ông đã thuyết phục được cả tập thể, kể cả cố vấn nước ngoài.

- Đẩy xung đột lên, ông có hư cấu không?

- Tôi viết kịch chứ không viết sử và phải tưởng tượng là tất nhiên, miễn là hợp lý. Với tập thể đã nói trên còn dễ chứ với bộ đội chắc không dễ. Bộ đội đang khí thế mà nghe tin hoãn sẽ thế nào? Anh em kéo pháo vào đầy vất vả lại phải kéo pháo ra sẽ nghĩ sao? Như cuộc phỏng vấn này cứ hoãn với chị hoài chắc chị cũng mất hứng và trong binh pháp mà hoãn thế sẽ gọi là gây mất nhuệ khí. Những "thế nào", "nghĩ sao" vừa nói ấy ảnh hưởng tới uy tín vị tướng cầm quân lắm chứ, nhưng Đại tướng đã không quan tâm tới uy tín cá nhân bởi: "Thay đổi thời gian tấn công, thay đổi phương án tác chiến có thể làm chúng ta mất uy tín trước quân đội, với Trung ương và Chính phủ nhưng lớn hơn uy tín ấy là máu xương đồng đội... Không thể thắng bằng mọi giá..." (lời kịch). Đại tướng vĩ đại là vì thế và mọi sự vĩ đại đều bắt đầu từ tình yêu lớn.

Tôi hư cấu một trung đoàn trưởng tìm tới tranh luận với Đại tướng về tâm tư chiến sĩ trước lệnh hoãn nổ súng và thay đổi cách đánh. Đại tướng chăm chú nghe chứ không ra mệnh lệnh bởi ông "cần nghe những người trung thực chứ không cần những người lựa theo ý cấp trên để làm vừa lòng" (lời kịch) và ông tin "chính những cấp dưới dám phản biện là những người khi hiểu ra sẽ tận tụy và dũng cảm nhất".

- Mong mỏi của Tướng Giáp ở thời Điện Biên mà sao giống hôm nay khi đang có những cấp dưới chỉ biết hùa theo cấp trên...

- Con người thì thời nào cũng như nhau thôi, vấn đề là trình độ, nhân cách từng người thế nào! Chính vì nhiều thủ trưởng thấy mình nói gì cũng đúng trước cấp dưới nên khi ra ngoài cứ chủ quan, phát biểu bừa như ở trong cơ quan nên báo chí mới có những câu trích "buồn và cười" của một số thủ trưởng. Còn cấp dưới không có trình độ năng lực thì chuyện hùa theo, nịnh hót cũng là tất nhiên!

- Ngoài việc tưởng tượng, chắc ông phải tìm tư liệu dữ lắm và cách ông biến tư liệu thành kịch?

- Tướng Giáp là nhân vật có thật ngoài đời, ai cũng biết, không tìm tài liệu để mà "chết" à? Để cắt nghĩa việc thay đổi cách đánh và hoãn nổ súng, tìm tài liệu ở từng giai đoạn chiến dịch vất vả lắm mới có được lời kịch: "Chúng ta vẫn nói lý luận phải gắn với thực tế nhưng lúc nghị quyết ra, địch ở đây chỉ có 6 tiểu đoàn, mới xây được 10 cứ điểm, công sự dã chiến sơ sài, chưa có nhiều trọng pháo xe tăng... Còn lúc này, địch tăng cường tới 12 tiểu đoàn tinh nhuệ với 49 cứ điểm liên hoàn... Không thể duy ý chí thực hiện nghị quyết khi tình hình không còn như lúc ra nghị quyết".

- Nghe nói ông còn lên tận Điện Biên để nhìn thực tế địa hình mà tìm cảm xúc?

- Cứ ngồi nhà trong cái hộp bê tông sẽ không tưởng tượng và viết được đâu. Đứng ở cánh đồng Mường Thanh, tôi nhìn từ chân núi nơi xuất kích của bộ đội ta đến các ngọn đồi có cứ điểm địch là vài cây số mà rùng mình khi nghĩ đến chuyện nếu Đại tướng không thay đổi cách đánh. Chị tính, nếu cả 4 đại đoàn cùng ồ ạt tấn công suốt 2 - 3 ngày theo kế hoạch cũ, tức là trên 1 vạn chiến sĩ ta chạy trên cánh đồng đất lồi lõm bị hàng trăm khẩu pháo, máy bay bắn chặn sẽ phơi lưng ra trước hỏa lực địch thì kết cục sẽ thế nào? Hôm đó, tôi đã khóc với những giọt nước mắt biết ơn Đại tướng.

- Và hôm nay, hàng triệu người cũng đang khóc trước sự ra đi của Đại tướng dù ai cũng biết quy luật của tạo hóa. Những giọt nước mắt ấy là những giọt nước mắt biết ơn và kính trọng một vị tướng thiên tài rất thương dân, yêu lính...

- Vâng, những giọt nước mắt ấy giúp rửa sạch tâm hồn bởi sự vĩ đại của người bắt đầu từ tình yêu lớn và đồng bào chiến sĩ cả nước cũng đáp lại bằng tình yêu...

- Xin cảm ơn ông!

Lan Hương
(thực hiện)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn quan tâm đến Đông y Việt Nam
 
Khi đang công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô (nay là Bệnh viện Hữu nghị), tôi được Bộ Y tế giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước về Đông y. Ngày 23/9/1993, tôi được Tổ y tế 10 (thuộc Văn phòng TW Đảng) mời khám bệnh cho Đại tướng Võ nguyên Giáp theo yêu cầu của Hội đồng Sức khỏe Trung ương.
 
Vĩnh biệt vị tướng của nhân dân! 4
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp và BS. Trần Hữu Tước với các chiến sĩ
Trung đoàn Thủ đô (2/1947).
Khi BS. Nhựa - bác sĩ riêng của Đại tướng dẫn tôi vào phòng khách, giới thiệu tôi với Đại tướng, tuy tôi còn ít tuổi, lại là cấp dưới rất xa, nhưng Đại tướng đứng dậy bắt tay, tôi vô cùng xúc động. Phút đầu tiên, Đại tướng hỏi thăm gia đình vợ con, hỏi quá trình học tập Đông y của tôi. Đại tướng khen: "Hà Tĩnh nghèo nhưng có nhiều người hiếu học". Sau đó, tôi xin phép được xem mạch cho Đại tướng. Hàng năm, theo yêu cầu của Hội đồng Sức khỏe Trung ương hoặc do yêu cầu của Đại tướng, thỉnh thoảng, tôi khám bệnh, điều trị bằng Đông y cho Đại tướng.
 
Đến năm 2003, tôi chuyển sang công tác Hội Đông y, không tham gia chăm sóc sức khỏe cho cán bộ cao cấp nữa. Có lần sau khi xem mạch xong, thấy mạch của Đại tướng khí vượng, tôi hỏi BS. Nhựa huyết áp của Đại tướng bao nhiêu, BS. Nhựa trả lời thường xuyên 120/80. Tôi nói: Huyết áp như vậy kết hợp với khí vượng của mạch Đông y, Đại tướng sẽ sống 100 tuổi. Đại tướng vừa cười vừa nói: "Tôi sẽ sống 105 tuổi", sau đó, Đại tướng lại nói tiếp "103 tuổi là chắc".
 
Vĩnh biệt vị tướng của nhân dân! 5
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp và PGS.VS. Tôn Thất Bách.
 Đại tướng rất quan tâm đến nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam. Khi tôi làm Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam, mỗi kỳ đại hội, tôi thường lên báo cáo với Đại tướng và mời Đại tướng dự đại hội. Vì bận công tác, không đến dự đại hội được nhưng lần nào Đại tướng cũng có thư chúc mừng Đại hội. Năm 1997, tôi trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa X tỉnh Quảng Bình, khi đến thăm sức khỏe Đại tướng, Đại tướng chúc mừng và nói: "Quảng Bình quê tôi nghèo nhưng nhân dân sống rất tình cảm, cần cù và trung thực".
 
Quốc hội khóa X kỳ họp thứ hai, Đại tướng đến dự khai mạc, giờ giải lao, Đại tướng gọi tôi và Thiếu tướng Cao Lương Bằng - Tỉnh đội trưởng Quảng Bình, cũng là Đại biểu Quốc hội lại chụp ảnh chung, Đại tướng dặn anh phóng viên chụp ảnh nhớ gửi cho BS. Hướng và anh Bằng mỗi người 1 tấm ảnh. Quốc hội khóa X Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Bình 3 lần đến chào Đại tướng. Sau khi nghe đồng chí Lê Công Minh - Phó Bí thư tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội báo cáo tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh với Đại tướng, cả 3 lần Đại tướng đều căn dặn: "Quảng Bình là tỉnh nghèo, làm kinh tế đầu vào phải chú ý đầu ra.
 
Phải biết trọng dụng người tài, người tài có khi có tật nhưng đừng quan tâm cái tật cỏn con của họ mà quên cái tài, phải biết sử dụng cái tài của họ mới khó. Cán bộ phải gương mẫu, phải đoàn kết, không được tham nhũng. Công cuộc đổi mới đất nước của Đảng hết sức quan trọng, phải bàn bạc thật kỹ, triển khai cho tốt". Cả 3 lần căn dặn ấy của Đại tướng, bản thân tôi thấy rất sâu sắc và luôn nhớ nhập tâm để thực hiện và trong quá trình công tác, tôi đã thực hiện tốt.

Hôm nay, Đại tướng đã đi xa, đúng như lời tiên đoán 20 năm trước của Đại tướng. Cá nhân tôi vô cùng thương tiếc Đại tướng - nhà quân sự thiên tài của đất nước, của quân đội có cuộc sống thường ngày đầy nhân văn sâu sắc mà không phải ai cũng có được.

Đêm 5/10/2013
TTND.BS cao cấp Nguyễn xuân Hướng (Nguyên Chủ tịch TW Hội Đông y Việt Nam)
 
Nhạc sĩ Doãn Nho: Hạnh phúc khi sáng tác ngợi ca Đại tướng
 
Nếu ai đã từng dự Ngày Âm nhạc Việt Nam 3/9/2013 ở Nhà hát Lớn Hà Nội hẳn sẽ không quên những giai điệu tràn đầy niềm tự hào và đầy ắp tình cảm thiêng liêng trong bản hợp xướng Có một khu rừng như thế do các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam thể hiện. Đây chính là bản hợp xướng được nhạc sĩ Doãn Nho sáng tác năm 2000 và hoàn thành năm 2001 ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và được cất lên lần đầu đúng dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của người. Nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ kỷ niệm của ông với vị Đại tướng của Quân đội nhân dân.

Thưa nhạc sĩ Doãn Nho! Là một nhạc sĩ gắn bó cả cuộc đời với quân đội, chắc ông có nhiều kỉ niệm về Đại tướng?

Không phải là riêng tôi mà tất cả cán bộ trong quân đội ta đều dành cho người anh cả một tình cảm thân thương, kính trọng và đặc biệt gắn bó keo sơn. Bởi vì đây là một Đại tướng tài ba được Bác đề cử ngay từ ngày đầu tiên đứng ra thành lập đội Giải phóng quân với 34 chiến sĩ tại khu rừng Tuyên Quang, để sau này trở thành Quân đội nhân dân Việt Nam, anh hùng đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Với một người cả đời gắn bó với trận mạc đầy gian khổ và hi sinh như vậy lại rất dễ gần, nhất là đối với chúng tôi cũng là người lính, những người lính văn nghệ trong lực lượng vũ trang. Có dịp được gặp mới thấy Đại tướng không chỉ là một vị tướng tài giỏi mà còn là một nhà văn hóa am hiểu về văn học nghệ thuật. Chính vì vậy, viết ca khúc Có một khu rừng như thế để ca ngợi hình ảnh Đại tướng, bản thân tôi coi đây một niềm hạnh phúc.

Vĩnh biệt vị tướng của nhân dân! 6
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Doãn Nho.

Vậy ý tưởng để sáng tác ca khúc này từ lúc nào, thưa nhạc sĩ?

Rất nhiều văn nghệ sĩ muốn viết về Đại tướng ngay từ thời chống Pháp, riêng tôi đến khi được đọc truyện trong tập Người thường gặp của nhà thơ Trần Đăng Khoa, trong đó có truyện ngắn với tựa đề là Rừng Đại tướng nói về khu rừng Mường Phăng thì lúc đó có thể gọi là giọt nước cuối cùng trong cảm xúc đối với tôi làm tràn li và lập tức viết ngay Có một khu rừng như thế.

Tại sao ca khúc lại được đặt tênCó một khu rừng như thế để nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Nó chính là Rừng Đại tướng theo như bà con vẫn gọi, nhưng khi vào tác phẩm, tôi đặt tên Có một khu rừng như thế, ca khúc mang tính gợi mở cho người nghe. Ở bài này toát lên tấm lòng ca ngợi về Đại tướng thông qua khu rừng nơi đặt sở chỉ huy trận Điện Biên Phủ. Một Đại tướng ở đó đã làm nên chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu và sau này còn là trận Điện Biên Phủ trên không, cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh thống nhất nước nhà. Chính ở nơi đó, vị Đại tướng của chúng ta đã phất cao lá cờ của Bác, quyết chiến, quyết thắng để làm nên lịch sử và đem lại hết chiến công này đến chiến công khác. Lấy tên Có một khu rừng như thế hoàn toàn đúng với cảm xúc rất thật của tôi.

Thường các nhạc sĩ vận dụng chất hành khúc viết về người lính nhưng trong bài này, tính chất âm nhạc lại rất trữ tình, sâu lắng. Nhạc sĩ có thể chia sẻ điều này?

Đúng vậy, nhưng bài này nói về người anh cả của quân đội ta, vị tổng tư lệnh tối cao phải mang âm hưởng ngợi ca. Bà con nhân dân đã đặt cho những người lính một cái tên hết sức gần gũi là bộ đội Cụ Hồ và tôi từ trái tim của anh bộ đội Cụ Hồ khi nói về người anh cả của mình thì phải trong một trạng thái xúc động như thế mới toát lên được tình cảm chan chứa yêu thương, tự hào và gắn bó keo sơn. Cho nên tôi đã sử dụng chất liệu âm nhạc cũng như tiết tấu nhịp điệu trữ tình, sâu lắng có khai thác chút chất liệu âm hưởng miền núi, cụ thể là tiếng hát nói của đồng bào Tây Bắc để nói lên đúng cảm xúc của mình.

Có vẻ những ca khúc nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn rất ít, vì sao lại như vậy thưa nhạc sĩ?

Thực ra, muốn viết đề tài về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là không dễ, hơn nữa, viết xong lại lo làm sao phổ biến tác phẩm sâu rộng được tới người nghe. Tôi viết tác phẩm này năm 2000 nhằm vào kỉ niệm sinh nhật Đại tướng năm 2001. Tức là thai nghén viết từ năm 2000 nhưng hoàn thành ca khúc hợp xướng Có một khu rừng như thế vào năm 2001 để kịp ngày mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 90 tuổi. Tôi không bao giờ quên dịp cùng với các sĩ quan lục quân khóa V và tôi lại học ở khóa VI nhưng được đại diện đi cùng với đoàn khóa V vào thăm Đại tướng đúng dịp đấy. Tôi đã trực tiếp hát cho Đại tướng nghe bài này. Tôi rất mừng bài hát được phát rất nhiều lần trên Đài Tiếng nói Việt Nam và gần đây, Ngày âm nhạc VN 3/9/2013 với ý định giới thiệu những tác phẩm hợp xướng, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đề nghị giới thiệu tác phẩm Có một khu rừng như thế.

Nguyễn Thanh Sơn(thực hiện)


Ý kiến của bạn