Vĩnh biệt nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn của ‘Tạm biệt búp bê’

29-04-2020 21:31 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tác giả bài thơ nổi tiếng “Tạm biệt búp bê” – Tiến sĩ, Nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn vừa qua đời do bệnh ung thư, hưởng thọ 57 tuổi.

Nguyễn Trọng Hoàn là một thầy giáo đa tài. Ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm Hà Nội, tham gia giảng dạy, làm công tác quản lý giáo dục, đồng thời sáng tác thơ, văn xuôi, viết kịch bản phim, nghiên cứu phê bình văn học...Trước khi qua đời, TS. Nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn là Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT). Trong lĩnh vực sáng tác, dù viết nhiều thể loại nhưng độc giả biết tới anh nhiều hơn cả với tư cách nhà thơ. Thơ ông trữ tình, tinh tế và duy mĩ.

Tới nay, những tác phẩm của ông như: Sắc cỏ tình yêu, Và em khi ấy, Thả diều, Huyền cầm, Gió và nhớ, Màu áo thuở ban đầu, Ngẫu cảm, Tam ca, Cánh diều khao khát, Bến quê, Năng lượng của sự có mặt...đã được nhiều bạn đọc biết đến và yêu mến. Đặc biệt phải kể tới bài thơ nổi tiếng Tạm biệt búp bê gắn với tuổi thơ của lớp lớp thế hệ học sinh Việt Nam qua nhiều năm và đã được phổ nhạc: Tạm biệt búp bê thân yêu/ Tạm biệt gấu mi-sa nhé/ Tạm biệt thỏ trắng xinh xinh/ Mai tôi vào lớp một rồi/ Nhớ lắm, quên sao được/ Trường mầm non thân yêu". Ngoài ra, Nguyễn Trọng Hoàn cũng có 2 bài thơ được in trong sách giáo khoa, đó là bài Bàn tay cô giáo (Tiếng Việt lớp 3) và Nghe loài chim nói (Tiếng Việt lớp 4).

Nhà thơ – nhà giáo – Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàn sinh năm 1963, nguyên quán Ân Thi, Hưng Yên. Ông từng đoạt nhiều giải thưởng văn chương như: Giải A về thơ cuộc thi sáng tác văn học đề tài nhà trường (1989), Giải thưởng cuộc thi Thơ hay về biển (1991), Giải thưởng thơ cuộc thi sáng tác văn học cho trẻ em (1997), Giải thưởng thơ Tài hoa trẻ (1999).

Nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn (1963 - 2020) và bài thơ "Tạm biệt búp bê" nổi tiếng

Biết tin nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn qua đời vì bạo bệnh, nhiều bạn bè văn chương với ông không khỏi tiếc thương. Nhà thơ Văn Công Hùng chia sẻ, ông biết Nguyễn Trọng Hoàn từ năm 1996 khi ra Đại Lải dự trại sáng tác và ông giao cho Văn Công Hùng cái xe máy Dream, khi ấy là một tài sản hết sức quý chỉ đứng sau... vợ. Nhờ cái xe máy mà nhà thơ đến từ Tây Nguyên nắng gió có dịp khám phá Đại Lải, Vĩnh Yên nơi Nhà thơ Vĩnh Mai “để một mình tôi lên Vĩnh Yên” ngày nào.

Mới nhất, Nguyễn Trọng Hoàn vào Kon Tum khai giảng một lớp tập huấn, gọi Văn Công Hùng, nói em ở Pleiku 2 tiếng, anh em mình gặp nhau. “Chúng tôi ăn chiều và... hát. Tôi lôi về nhà, lục ở cái tủ đầu giường chai sâm Ngọc Linh cốt, rót cho Hoàn một ly, uống đi, rất khỏe em ạ” – nhà thơ Văn Công Hùng chia sẻ. Sau ra Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn điện vào nói sẽ gửi Văn Công Hùng bộ ly uống rượu quê, “chứ ly nhà anh tây quá (Tôi rất kén ly, rượu nào phải đi với ly nấy, chứ không chung chạ như một số đứa khác, hôm Hoàn vào tôi rót rượu sâm Ngọc Linh vào ly uống trà Bát Tràng, hắn để ý kỹ thế). Và rồi thì một cái thùng xốp được gửi vào. 2 bộ ly luôn, rất đẹp”. Sau khi chia sẻ những kỷ niệm với nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn, nhà thơ Văn Công Hùng ngậm ngùi và đau xót: “Thôi đành Hoàn nhé, vĩnh biệt em”.

Một tập thơ của TS.nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn


Theo nhà thơ Anh Vũ, TS.nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn là một người bước chân ra từ nông thôn, ông lúc nào cũng giữ trọn một phong thái giản dị, gần gũi, đối với anh em bè bạn lần nào gặp nhau cũng chân tình, nồng ấm, luôn luôn di chuyển, hoạt động không ngừng, nhưng lại mang tôn chỉ sống chậm... Sau bao nhiêu năm, dù công việc bộn bề bởi trách nhiệm của một người làm công tác quản lý, Nguyễn Trọng Hoàn vẫn giữ nguyên vẹn tình yêu với thơ. Thơ với ông dường như là người bạn hàng ngày, trong mỗi bữa ăn giấc ngủ, trên mỗi chặng đường công tác, trong mỗi chuyến bay hay mỗi chuyến xe.

Lễ viếng nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn được tổ chức vào hồi 13h30’ ngày 4/5/2020 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang cùng ngày; hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội.

Ngoài thơ, tiểu luận phê bình Năng lượng của văn chương của nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn có 2 phần cũng được đánh giá cao. Phần một: Hình dung tác phẩm, tập hợp những phác thảo chân dung qua cảm nhận cuộc đời và sự nghiệp của các nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Bính, Nguyễn Minh Châu, Xuân Quỳnh, Ngô Ngọc Bội, Định Hải, Hoàng Cầm, Nguyễn Khoa Điềm, Y Phương; trao đổi chuyện văn, chuyện học của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Thanh Thảo. Phần hai: Tiếp cận tác phẩm. Tiếp cận một số tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam và nước ngoài - trong đó có những tác phẩm thuộc chương trình Ngữ văn ở nhà trường phổ thông. Từ những tác phẩm thơ cho đến lý luận phê bình người ta nhận thấy nhà thơ, thầy giáo Nguyễn Trọng Hoàn luôn "trằn mình" trên tác phẩm, "ngụp lặn" vào cuộc đời.


Phạm Hoa
Ý kiến của bạn