Vĩnh biệt Nhà giáo Nhân dân GS.BS. Nguyễn Thị Trúc

19-05-2017 13:22 | Y tế

SKĐS - GS. Nguyễn Thị Trúc sinh năm 1926, lớn lên tại Thủ đô Hà Nội trong một gia đình trí thức có công với cách mạng.Giáo sư đã có những đóng góp cho ngành...

GS. Nguyễn Thị Trúc sinh năm 1926, lớn lên tại Thủ đô Hà Nội trong một gia đình trí thức có công với cách mạng.Giáo sư đã có những đóng góp cho ngành, cho sự nghiệp phục vụ sức khỏe nhân dân với bề dày thành tích sáng chói.

Bà là sinh viên Trường đại học Y của Hà Nội thời tạm chiếm, đã kết hôn với người bạn cùng lớp là sinh viên Trần Văn Sáng, người gốc Sài Gòn. Ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, tháng 11/1954, Trường đại học Y Dược khoa Hà Nội khai giảng năm học mới, có hai sinh viên y khoa năm thứ 5 là vợ chồng Nguyễn Thị Trúc - Trần Văn Sáng, trong khi nhiều gia đình và bạn đồng khóa đã vào Nam.

Năm 1956, sau khi tốt nghiệp ra trường, BS. Trúc được nhận công tác tại Trường đại học  Y Dược khoa Hà Nội, làm giảng viên Bộ môn Nội khoa, BS. Sáng là bác sĩ ngoại  khoa tại BV Việt Đức. Năm 1959, Bộ Y tế điều động ông bà đi Nghệ An. Bà là Chủ nhiệm Khoa Nội của bệnh viện tỉnh, kiêm Trưởng Bộ môn của Trường Y sĩ Nghệ An. Tại đây ông bà rất được tín nhiệm, đã tham gia đào tạo được 8 khóa y sĩ và bà được bầu là đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Y tế  Phạm Ngọc Thạch, BS. Nguyễn Thị Trúc (thứ ba , từ trái sang) và các cán bộ y tế tại khu giải phóng.

Bộ trưởng Bộ Y tế  Phạm Ngọc Thạch, BS. Nguyễn Thị Trúc (thứ ba , từ trái sang) và các cán bộ y tế tại khu giải phóng.

Vượt Trường Sơn  góp sức cùng đồng bào giải phóng đất nước

Hưởng ứng  lời kêu gọi “Con em nhân dân miền Nam đang công tác ở miền Bắc trở về quê hương góp sức cùng đồng bào giải phóng đất nước”. Đầu năm 1966, BS. Sáng trở về Bộ Y tế chuẩn bị đi chiến trường, BS. Trúc có thể ở lại làm việc tại hậu phương miền Bắc, nhưng bà đã đề nghị Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch cho bà theo chồng cùng đi vào chiến trường miền Nam.

Cũng như mọi người, bà phải trải qua  một thử thách lớn với những ngày tập luyện tại Hòa Bình. Mọi cán bộ phải tập mang ba lô  nặng, hành quân đi bộ, trèo đèo lội suối, băng rừng. Hôm đầu tiên tập đi hành quân đường núi, chỉ mới lên dốc được một đoạn, bà đã ngất xỉu. Mọi người đều khuyên nên ở lại, nhưng bà vẫn quyết tâm chịu đựng vượt qua mọi khó khăn, kiên trì luyện tập và chấp nhận sự xa cha mẹ, gia đình ở Hà Nội, để đi theo lời Tổ quốc kêu gọi, vào Nam chiến đấu.

BS. Trúc cùng chồng lên đường đi chiến trường B vào ngày 24/11/1966. Trên đường đi, mang chiếc ba lô nặng 15kg, nhiều lúc bà tưởng chừng như không vượt nổi những gian khổ dọc đường như dốc cao, rừng thẳm, đói, khát và khổ nhất là không có nước để giặt giũ, tắm rửa cho phụ nữ khi cần. Trên đường dài đã có đồng chí hy sinh dưới đạn bom máy bay địch hay bị sốt rét ác tính. Dọc đường hành quân, anh em bộ đội trông thấy bà yếu quá nên nói vui, bà đã “vượt Trường Sơn bằng cái đầu chứ không phải bằng đôi chân”... Các đồng chí lãnh đạo thường nêu gương BS. Trúc, một cán bộ phụ nữ miền Bắc để động viên anh chị em khác lên đường về Nam.

Sau 6 tháng đeo ba lô, trèo đèo, lội suối, bà đã đến chiến trường B2 vào tháng 5/1967.  Sau khi sức khỏe ổn định, bà được Ban Dân y miền Nam phân công làm hai nhiệm vụ: dạy học tại Trường đào tạo cán bộ y tế miền Nam và bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Hoàng Lệ Kha và Bệnh viện liên cơ.

Các thầy thuốc ra tiền phương

Tháng 1/1968,  Mặt trận dân tộc giải phóng mở các đợt tổng công kích vào tất cả các đô thị - dinh lũy của Mỹ - ngụy trên toàn miền Nam. Đêm giao thừa và đêm mồng 1 Tết Mậu Thân (30 và 31/1/1968), cuộc tổng tiến công và nổi dậy nổ ra trên khắp các chiến trường với hướng chính là các đô thị, trung tâm quân sự, chính trị của địch.

Mọi người hăng hái “xuống đường”, rời căn cứ đi phục vụ các chiến dịch. BS. Trúc, BS. Sáng, được bố trí đến nhận nhiệm vụ tại một bệnh viện tiền phương của Đoàn Phẫu thuật 100, gần Ba Thu - trên trục của ba đường dây tải thương từ Sài Gòn chuyển ra. Tại bệnh viện, BS. Sáng là người phẫu thuật, BS. Trúc phụ mổ, có lúc là người gây mê, hồi sức.

Trong một khu rừng nhỏ, một bệnh viện dã chiến chỉ có khoảng 20 nhân viên, vậy mà mỗi đêm phải đón số lượng lớn các thương binh đầy thương tích. Các thầy thuốc phải khám bệnh, phân loại chấn thương, lựa chọn những ca cần phẫu thuật sớm để tiến hành mổ ngay. Các ca mổ bận rộn đến xế chiều ngày hôm sau mới xong, mọi người lại lao vào chuẩn bị sấy hấp dụng cụ, tiếp tục chuẩn bị đón các đợt thương binh mới. Mọi người làm việc như vậy  khoảng hơn một tháng trời. Bà kể: “Trong đời tôi, chưa có thời gian nào tôi lại làm việc với năng suất cao như vậy. Làm liên tiếp cả ngày và cả đêm, không hề biết đến sự  nghỉ ngơi”. Bà là bác sĩ nội khoa, ngày thì tổ chức phòng mổ, kiêm cả gây mê hồi sức cho bác sĩ phẫu thuật là BS. Sáng, bà  kiêm cả chăm sóc hậu phẫu, nghĩa là vừa làm công việc của một bác sĩ, một y sĩ, một y tá. Ngày ngày, những thương binh được chuyển về tuyến sau điều trị vào lúc nửa đêm, rồi ngay sau đó đơn vị lại đón những thương binh mới từ mặt trận Sài Gòn - Gia Định - Long An chuyển tới bằng xuồng, theo các con kênh. Mọi người chỉ tranh thủ chợp mắt ngoài trời, dưới tấm tăng nilon như lúc đi hành quân trên đường Trường Sơn. Bà nói: “Gian khổ nhưng rất vui, chúng tôi sống trong tình thương yêu đồng đội, đồng chí rất thắm thiết. Chưa bao giờ tôi thấy lời Bác dạy “Lương y như từ mẫu” lại được thể hiện đẹp đẽ và cao quý như những ngày đó”. Tại Đoàn 100, tối 6/7/1968 BS. Nguyễn Thị Trúc đã được kết nạp Đảng.

Tháng 7/1968, vợ chồng BS. Trần Văn Sáng, BS. Nguyễn Thị Trúc được trở về căn cứ ở rừng sâu, tiếp tục công việc dạy học. Trong 8 năm ở chiến trường, bà đã trực tiếp tham gia đào tạo được 3 khóa bác sĩ, mỗi khóa khoảng từ 40-80 người và 3 khóa y sĩ. Các học viên thấy nữ bác sĩ người Hà Nội trong khó khăn gian khổ công tác rất tận tụy, luôn hết lòng giúp đỡ các học viên, từ việc dạy văn hóa đến dạy chuyên môn nên họ rất quý mến. Thấy BS. Trúc mặc áo bà ba, đầu búi tóc, cổ quàng khăn rằn giống hệt một phụ nữ Nam bộ thì họ rất cảm động, rất quý mến. Bà kể: “Anh chị em ngày chủ nhật đi cải thiện, hái được một ít rau rừng về cũng dành cho một nắm. Mỗi lần rời cứ, đến chỗ mới phải dựng nhà, đào giếng, thông cảm với vợ chồng tôi không biết làm, anh em giúp chúng tôi đẵn cây, dựng nhà (gọi là nhà nhưng chỉ là một cái nóc và bốn cái cột”.Các bác sĩ, y sĩ được đào tạo, đã tích cực phát huy chuyên môn, phục vụ đồng bào. Sau ngày giải phóng, đa số anh chị em đều giữ những cương vị phụ trách trong ngành tại nhiều tỉnh thành. Mỗi lần bà đi công tác về địa phương, gặp lại anh chị em, ôn lại những ngày đồng cam, cộng khổ ở chiến khu, thật là cảm động.

Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, bà còn tham gia công tác điều trị tại Bệnh viện đa khoa R, tham gia khám sức khỏe cho cấp ủy, cho Trung ương Cục.

Vợ chồng Giáo sư Trần Văn Sáng và Nguyễn Thị Trúc.

Vợ chồng Giáo sư Trần Văn Sáng và Nguyễn Thị Trúc.

Sau ngày chiến thắng

Các năm ở chiến trường gian khổ, các cán bộ luôn luôn phải đối phó với máy bay B52, với những trận càn quét của giặc mỗi mùa khô, đói phó với với biệt kích... luôn luôn bị đe dọa bởi những cơn sốt rét, sốt ve mò, sức khỏe mỗi người đều giảm sút. Đầu năm 1974, bà và ông ra Bắc, rồi được Bộ Y tế chuyển đi an dưỡng tại nước ngoài rồi làm thực tập sinh, bổ túc thêm về nội khoa và ngoại khoa tại nước Cộng hòa nhân dân Hungari trong 3 năm để chuẩn bị về là cán bộ khung, công tác tại các trường đại học sau chiến thắng.

Đầu năm 1978, về nước, trở lại TP. Hồ Chí Minh, bà tiếp tục công tác giảng dạy và là Phó trưởng Bộ môn Nội, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Bà đã đóng góp tích cực cho việc quản lý của bộ môn về nhiều mặt và tổ chức mở rộng đào tạo tuyến dưới, tổ chức bồi dưỡng sau đại học cho các bác sĩ tại các địa phương. BS. Nguyễn Thị Trúc được Nhà nước công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1984, rồi Giáo sư năm 1992.

GS. Trúc đã hướng dẫn thành công 7 luận án tiến sĩ, đào tạo được 19 thạc sĩ và hàng trăm bác sĩ. GS. Nguyễn Thị Trúc là Chiến sĩ thi đua của ngành y tế năm 2000 và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

GS. Nguyễn Thị Trúc là nhà khoa học tài  năng, thầy thuốc tận tụy và còn là người vợ hiền của GS. Trần Văn Sáng. Bà là điểm tựa, là người chắp cánh để GS. Trần Văn Sáng phát huy tài năng. Bà là nguồn động viên khi ông thành công và chia sẻ lúc ông có khó khăn để ông trở thành một chuyên gia giỏi của ngành ngoại khoa Việt Nam, một nhà phẫu thuật tài năng về ghép thận và phẫu thuật thận.

GS. Trúc nghỉ hưu năm 1999. Các năm tiếp theo, với sức khỏe, trí tuệ minh mẫn và tác phong nhanh nhẹn, giáo sư vẫn tiếp tục công việc giảng dạy và điều trị tại Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Bà nói: “Tôi rất yêu nghề giảng dạy. Những năm cuối cùng cuộc đời hoạt động của tôi, tôi nguyện đem hết nhiệt tình ra đóng góp vào việc đào tạo cho thế hệ trẻ, mong sao họ trở thành những người thầy thuốc giỏi, có tài, có đạo đức xã hội chủ nghĩa”.

Nhà giáo Nhân dân GS.BS. NGUYỄN THỊ TRÚC

Sinh ngày 24-12-1926.

Từ trần ngày 17-5-2017, hưởng thọ 92 tuổi.

Quê quán Hà Nội.

Nguyên Trưởng Bộ môn Nội Tổng quát, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh

Tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1956. Được công nhận chức danh giáo sư y học năm 1992 .

Đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng, Danh hiệu Nhà giáo nhân dân.


TRẦN GIỮU
Ý kiến của bạn