Vĩnh biệt nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân Một nhân cách lớn

31-10-2014 13:55 | Văn hóa – Giải trí

Vào hồi 5 giờ 5 phút sáng ngày 29/10/2014, ông Mai Thúc Lân - nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam...

Vào hồi 5 giờ 5 phút sáng ngày 29/10/2014, ông Mai Thúc Lân -  nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 79 tuổi.

Từ truyền thống gia đình

Ông Mai Thúc Lân sinh ngày 6/1/1935 tại làng Nông Sơn thuộc xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình công chức nghèo có truyền thống Nho học, yêu nước và cách mạng. Trong gia đình và họ hàng ông còn có Tiến sĩ Mai Thúc Luân - nguyên Tổng Biên tập báo Văn hóa; Giáo sư, Tiến sĩ Mai Hồng Quì - Hiệu trưởng Đại học Luật TP.HCM và Giáo sư, Tiến sĩ Mai Quốc Liên - giảng viên văn học Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quốc học thuộc Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam.

Thuở thiếu thời, ông Mai Thúc Lân theo học ở trường làng, thi đỗ lớp Nhì (cours Moyen - Sơ học yếu lược) ở trường Phong Thử. Sau đó, ông làm liên lạc và đánh máy chữ cho Huyện ủy Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Tại đây, ông được cơ quan cho đi học hết cấp 2. Sau khi hòa bình lập lại, ông tập kết ra Bắc, học ở Trường Trung cấp Nông - Lâm, Hà Nội.

Đến năm 1957, ông về công tác tại Ty Nông nghiệp Bắc Giang rồi học tiếp Đại học Nông nghiệp. Nhưng có lẽ điều ông không thể ngờ được rằng chính Bắc Giang lại là mảnh đất ông vừa lập gia, vừa lập nghiệp và thành danh. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 9/1959. Và từ đấy, cuộc đời ông đã mở ra một trang mới.

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân.

Tại đây, điều bất ngờ đã xảy ra với ông Mai Thúc Lân là đã tìm được “một nửa của mình” sau khi gặp được bà Dương Thị Khanh quê Lạng Giang làm việc ở trại lúa giống Tân Dĩnh thuộc Ty Nông nghiệp Bắc Giang. Từ đấy, ông coi Bắc Giang nói riêng và Hà Bắc nói chung là quê hương thứ hai của mình. Trong gần 2/3 quãng đời, gần 40 năm công tác tại Bắc Giang rồi Hà Bắc, ông Mai Thúc Lân từng giữ nhiều chức vụ như Phó Chủ tịch tỉnh; Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc. Sau đấy, ông Mai Thúc Lân đã từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác như Ủy viên Thường vụ Quốc hội; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội khóa 9; Ủy viên Trung ương Đảng khóa VII và VIII, rồi làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Trước khi nghỉ hưu, ông là Phó Chủ tịch Quốc hội khóa X (1997 - 2002). Năm 2007, ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

Đến một tính cách mang đậm chất xứ Quảng

Bất cứ ai đã từng cộng tác với nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân đều thấy toát lên ở con người ông một tính cách cương cường, thẳng thắn, một niềm đam mê công việc duy chỉ một mục đích là vì dân, vì Đảng và một tình cảm sâu nặng với quê hương đất nước. Trong hồi ký Chuyện đời ấm lạnh, buồn vui xuất bản năm 2010, ông đã từng viết: ...Bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu công việc, bao nhiêu chức danh được Đảng và Nhà nước, nhân dân giao phó, tôi vô cùng biết ơn các thế hệ đàn anh đã hướng dẫn, bồi dưỡng tôi cũng như anh em, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp đã giúp đỡ, động viên, chia sẻ những khó khăn, thuận lợi, buồn vui... Cũng nhờ đó mà tôi đã trưởng thành. Còn đồng chí, đồng nghiệp thì cho rằng ông là người mang đậm tính cách của một người con xứ Quảng với một lối diễn đạt thẳng thắn đến mức như có vẻ gay gắt vì không chịu được lối nói vòng vo nhưng thực chất bên trong ông vẫn là một con người tâm sáng, lòng trong vì sự nghiệp chung của dân, của Đảng.

Ông là người đấu tranh không khoan nhượng với lối làm ăn khuất tất, giả dối vì lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm của một số cán bộ lãnh đạo trong thời kỳ bao cấp ở Bắc Giang. Trong Hồi ký, ông cho biết, khi còn là tổ trưởng tổ công tác cải tạo đất bạc màu và chỉ đạo kỹ thuật nông nghiệp tại huyện Hiệp Hoà, trọng điểm là HTX Trung Hoà (xã Mai Trung) có sự giúp đỡ của chuyên gia nước ngoài thực hiện quy trình sản xuất khoai lang giống mới, đưa năng suất lên gấp nhiều lần so với giống khoai lang truyền thống; rồi đưa lúa xuân giống mới từ thí điểm ra đại trà, kiểm soát sâu bệnh, hạn hán…, ông đã từng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, ngăn cản việc phát triển sản xuất nông nghiệp ở địa phương này. Nhưng ông vẫn kiên quyết đưa ra và áp dụng công thức 4L (lúa-lang-lạc-lợn) trong phát triển nông nghiệp ở Hà Bắc. Cùng với đó là chiến dịch 3 năm làm thuỷ lợi, cải tạo đất rồi thực hiện thắng lợi Chỉ thị 100 của Trung ương về khoán sản phẩm cuối cùng đến hộ gia đình. Lúc đầu, chủ trương theo Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI và xa hơn là Chỉ thị 100 của Ban Bí thư khóa IV, xác định hộ xã viên là đơn vị kinh tế tự chủ và chủ trương khoán theo đơn giá, khoán gọn theo sáng kiến của một số đơn vị cơ sở trong đó có xã Ngọc Thành, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc không được nhiều người ủng hộ.

Mặc dù lúc đầu, tư duy bao cấp còn ăn sâu trong đầu óc của số đông cán bộ lãnh đạo địa phương nên rất khó tìm được tiếng nói đồng thuận nhưng ông Mai Thúc Lân vẫn kiên trì chủ trương đổi mới để phát triển, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.

Như là một người sinh ra và lớn lên cùng với quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp của Hà Bắc, ông Mai Thúc Lân đã gắn bó với nông nghiệp của địa phương ngay từ khi hòa bình vừa mới được lập lại trên miền Bắc được vài ba năm. Dấu chân của ông đã từng lặn lội khắp mọi nơi trong tỉnh những mong đóng góp công sức, trí tuệ vào thành công của các phong trào nông nghiệp mà điển hình là phong trào thủy lợi và cải tạo đất ở Hợp tác xã Trung Hòa, huyện Hiệp Hòa. Thời ấy, các phong trào do ông khởi xướng và hướng dẫn thực hiện như một hình mẫu điển hình đã làm nức lòng bà con nông dân cả nước. Có thể nói, bất kỳ ai đã từng cộng tác với kỹ sư nông nghiệp Mai Thúc Lân những năm trước thời kỳ đổi mới sẽ không thể nào quên dấu ấn của một quyết định táo bạo là năm 1986, ông đã cùng tập thể lãnh đạo tỉnh Hà Bắc quyết đoán và đưa ra phương án xử lý thành công “sự cố đê Nội Doi”, tránh được thảm họa lũ lụt cho hàng vạn người dân ở các huyện phía Bắc Bắc Ninh.

Với tư cách là một cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, kỹ sư Mai Thúc Lân đã lặn lội khắp trên những cánh đồng, gắn bó mật thiết với người dân để lắng nghe ý kiến của họ. Từ thực tiễn, ông đã chắt lọc, đúc kết, rồi đề xuất những chủ trương, chính sách và giải pháp phù hợp, ngõ hầu đem lại hiệu quả kinh tế và quyền lợi chính đáng, thiết thực cho người dân.

Điều không ai có thể quên được là dù ở cương vị công tác nào, ông Mai Thúc Lân vẫn là một người thẳng thắn nêu quan điểm cá nhân, sẵn sàng đối thoại trực tiếp với dân cũng như với lãnh đạo các cấp những mong tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất có lợi cho dân mà vẫn thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tư duy độc lập, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm của nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân vừa là thế mạnh, vừa mang rõ tính cách của con người xứ Quảng. Đấy không chỉ là biểu hiện lòng dũng cảm của cá nhân ông mà chỗ sâu xa nhất còn biểu hiện rõ trách nhiệm của một con người vì dân, vì Đảng dù đôi khi ông đã vấp phải sự chống đối, ngăn cản của một vài người sợ trách nhiệm hoặc có đầu óc thủ cựu, ngại phấn đấu vươn lên vì lợi ích chung của cộng đồng.

Điều ấy khiến nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân đôi khi phải buồn lòng nhưng ông coi đó âu cũng là chuyện đời ấm lạnh, buồn vui. Có lẽ với một người có tư tưởng đổi mới như ông thì việc vấp phải lực cản từ những tư tưởng bảo thủ là không thể nào tránh khỏi. Vấn đề là cuộc sống đã chứng minh rằng phương cách đi trước đón đầu của ông là đúng. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đứng về phía ông, phía những con người suốt đời tận tụy vì sự nghiệp chung lấy sự phát triển kinh tế - xã hội đem lại cuộc sống ấm no cho dân là kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ và hành động của ông.

Có thể nói, chỉ những người có bản lĩnh văn hóa cao với tầm hiểu biết sâu rộng, một trí tuệ uyên thâm và một tấm lòng tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc như nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân mới dám suy nghĩ và hành động như vậy. Cầu chúc ông dưới suối vàng an nghỉ ngàn thu vì sự nghiệp mà ông để lại đã và đang được các thế hệ con cháu tiếp tục gìn giữ và phát huy hiệu quả.

Dự kiến, tang lễ nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân sẽ được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng và truy điệu diễn ra từ 7 giờ đến 11 giờ ngày 4/11/2014.

Ðảng ủy, Ban biên tập và tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo Sức khỏe&Ðời sống thành kính chia buồn với toàn thể gia quyến nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Mai Thúc Lân!

Đăng Đạt

 

 


Ý kiến của bạn