LTS: BS Trần Hữu Ngoạn là một nhân vật trong loạt bài viết về sự hy sinh thầm lặng của cán bộ y tế do Báo Sức khỏe & Đời sống phát động. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất kinh kỳ nhưng người thầy thuốc ấy đã chọn cho mình con đường dấn thân và gắn bó với những bệnh nhân phong tại nơi gần như tách biệt với cuộc sống bên ngoài, bởi thời ấy bệnh phong còn là một cái gì đó rất khủng khiếp với xã hội. Ngày 22/5/2014, người bạn của bệnh nhân phong đã ra đi mãi mãi trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, đồng nghiệp và hàng vạn bệnh nhân phong đã được ông cứu chữa.
BS. Trần Hữu Ngoạn, nguyên giám đốc BV Phong - Da liễu Quy Hòa.
Tự nhận mình là “bạn của bệnh nhân phong”, BS Trần Hữu Ngoạn, nguyên Giám đốc BV Phong –Da liễu Quy Hòa, nguyên cán bộ Vụ Điều trị (nay là Cục quản lý Khám, chữa bệnh) đã gắn bó cả cuộc đời mình để nghiên cứu và chăm sóc điều trị bệnh nhân phong. Ông cũng là người tiên phong trong cuộc chiến nhằm xóa đi mặc cảm của xã hội và kỳ thị đối với bệnh nhân phong.
Sinh ra và lớn lên tại làng cổ Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, Hà Nội, nhưng ngay sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y, chuyên khoa Da liễu về bệnh phong năm 1961, BS trẻ Trần Hữu Ngoạn đã tình nguyện nhận công tác tại BV Phong-Da liễu Quỳnh Lập (Nghệ An). Lúc đó, bệnh phong là căn bệnh khủng khiếp, ấn tượng của xã hội còn nặng nề. Người mắc bệnh phong bị lùa vào rừng, bị xua khỏi làng, có người đến khám, biết mình mắc bệnh phong đã về nhà tự tử vì biết không thể sống với những định kiến của xã hội. Trong khi thực tế bệnh phong là bệnh khó lây và nếu được phát hiện sớm, vẫn có thể chữa trị mà không để lại di chứng. Nhưng ngay nơi được trang bị kiến thức về bệnh phong, nhiều nhân viên y tế vẫn sợ lây nhiễm. Khu làm việc của cán bộ y tế biệt lập với khu điều trị bệnh nhân tới 2 cây số. Khi ấy, BS Ngoạn hiểu rằng “khắc phục một tâm lý sai lầm còn gay go hơn cách chữa một căn bệnh”. Thấu hiểu nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần của bệnh nhân phong, việc đầu tiên ông làm để chống lại tâm lý ấy là tự nguyện vào sống chung với bệnh nhân phong. Sau khi nhận cương vị Giám đốc Trại phong-Da liễu Quỳnh Lập, ông quyết định đưa khu làm việc sát với khu bệnh nhân, đồng thời lấy một số bệnh nhân đã được điều trị làm nhân viên lái xe, tạp vụ và cả điều dưỡng. Không ít đồng nghiệp gọi hành động đó của ông là “điên”, là “khùng”.
Công việc của người bác sỹ, bạn của những bệnh nhân phong, cứ cuốn ông xa biền biệt gia đình, để chăm sóc và điều trị bệnh cho hàng ngàn người bệnh bệnh phong đau đớn về thể xác, suy sụp về tinh thần. Năm thì mười họa, ông mới về thăm nhà. Mọi công việc gia đình và chăm sóc con cái đều nhờ một tay người vợ thảo hiền. Trong khi đó, cuộc chiến với những định kiến xã hội với bệnh nhân phong mà ông tình nguyện bước vào vẫn ở phía trước. Ông không khỏi bận lòng khi thấy, người mắc bệnh bị gia đình và cộng đồng xa lánh đã đành, nhưng ngay cả khi đã khỏi bệnh rồi, những người này cũng không thể tái hòa nhập với cộng đồng vì đã trót mang trong mang tiếng “hủi”. Nhiều người sau khi khỏi bệnh không còn con đường nào khác là tình nguyện ở lại khu điều trị. Nỗi buồn và sự đau đớn của bệnh nhân cứ đeo bám ông, để rồi ông lại tiếp tục “dấn thân” với bệnh phong.
Năm 1974, khi đã 40 tuổi, ông lại được điều về làm Giám đốc BV Phong Quy Hòa, Qui Nhơn - Bình Định. Tại đây ông đã gặp những bà xơ thuộc dòng thánhFanciscaine, “những người đã tâm nguyện sống hết mình và hy sinh không đắn đo cả cuộc đời cho những người mắc bệnh phong.” Ông đã thấy ở họ sự nhẫn nại đến dịu dàng, sự chăm sóc bệnh nhân quên cả bản thân mình. Cũng chính từ những con người giản dị mà vĩ đại đó, ông đã “tìm được chân lý của sự yêu thương” và ông thấy mình nhỏ bé trước những con người ấy. Cảm phục trước tấm lòng cao cả đó, ngay tại cổng Bệnh viện Phong Quy Hòa, ông đã cho gắn dòng chữ “Xã hội sẽ tốt đẹp hơn khi chúng ta sống với nhau bằng lòng nhân ái”. Không những vậy, trong 10 năm ông làm giám đốc, nhằm xoá bỏ sự kỳ thị và xa lánh bệnh nhân phong, ông đã nỗ lực biến trại phong Quy Hòa xơ xác ngày nào đã trở thành một khu Du lịch văn hóa vườn tượng danh nhân Y học và sân khấu ngoài trời ngay bên bờ biển, trong khuôn viên khu điều trị. Khi Bộ Y tế đồng ý đầu tư để Bệnh viện xây dựng con đường qua đèo Ghềnh Ráng vào Quy Hòa, nhiều chủ thầy muốn ông nhượng lại công trình và bù lại ông sẽ được hưởng khoản hoa hồng không ít. Nhưng ông đã không làm vậy. Ông đã chọn cách huy động bệnh nhân cùng làm, vừa tạo công việc, vừa tạo thu nhập, vừa để họ xóa đi mặc cảm là người không có ích cho xã hội.
Để thay đổi những quan niệm sai lầm và xóa bỏ đi định kiến nghiệt ngã, năm 1984, trong một lần về thăm bệnh viện Da liễu Phú Khánh, khi nhận thấy nỗi sợ hãi của không ít cán bộ y tế, trước sự chứng kiến của nhiều người, BS Trần Hữu Ngoạn đã cho mẫu bệnh phẩm lấy từ bệnh nhân phong ác tính vào cơ thể ông bằng 3 đường: Uống, nhỏ mũi và tiêm vào 4 điểm: Hai khuỷu tay, hai dáy tai là những vùng rất thuận lợi cho sự phát triển của trực khuẩn phong. Việc làm của bác sĩ Ngoạn thực sự là một cuộc "cách mạng" chống lại những quan điểm ấu trĩ, sai lầm về bệnh phong. Bản thân bác sỹ đã từng sống chung với bệnh nhân phong hơn 30 năm nhưng không hề bị lây nhiễm. Cứ như thế, ông cứ đi khắp cả nước, đến những nơi bệnh nhân phong bị ghẻ lạnh để tuyên truyền, để chăm sóc và giúp đỡ họ.
Ngay cả khi không còn làm công tác quản lý nữa, hễ có dịp ông lại đến nơi những bệnh nhân phong để gặp gỡ, thăm hỏi và làm công tác từ thiện. Cả cuộc đời sống giản dị, âm thầm và gắn bó với bệnh nhân phong, ông chỉ biết ‘cho” mà không “nhận”, thậm chí khi được đề nghị làm hồ sơ để công nhận thầy thuốc ưu tú, anh hùng lao động, hay nhận giải thưởng giải thưởng quốc tế Ghandi, ông cũng không muốn. Đồng nghiệp và bạn bè của ông nói rằng ông đã chọn cho mình “một con đường hẹp”, có lẽ bởi ông chỉ coi mình là “bạn của bệnh nhân phong” mà thôi.
Hoàng Hảo