Hà Nội

Vĩnh biệt GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân: Người thầy thuốc Anh hùng

10-07-2017 08:30 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân suốt đời mình đã làm việc, cống hiến hết mình.

Những năm tháng cuối đời, vượt lên trên bệnh tật, ông vẫn miệt mài làm việc, trăn trở và phát triển ngành nhãn khoa, công tác phòng chống mù lòa... trên cương vị Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam, ông luôn là người thầy kính mến, với điểm tựa vững chắc, là tấm gương sáng ngời cho lớp lớp cán bộ, thầy thuốc nhãn khoa Việt Nam noi theo, học tập, rèn luyện và phấn đấu.

Vĩnh biệt GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân: Người thầy thuốc Anh hùngGS.TS. Nguyễn Trọng Nhân.

Ông thường tự hào là sinh vào năm thành lập Đảng (1930) và được kết nạp Đảng đúng vào ngày sinh của Bác Hồ (19/5/1950). “Kỳ duyên” ấy càng được nhân lên, hiển hiện trong hành động, nếp nghĩ của ông: sống và làm việc theo gương Bác, suốt đời gắn bó với cách mạng, với Đảng, phục vụ nhân dân hết mình.

Bất kỳ ai khi tiếp xúc và làm việc với ông đều thừa nhận ở GS. Nhân hội tụ đầy đủ những phẩm chất “ba nhà” trong một con người: Nhà khoa học - Nhà chính trị - Nhà ngoại giao nhân dân.

Giờ đây, GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân đã yên giấc ngàn thu, mỉm cười nơi chín suối, bởi những cống hiến của ông trên mọi lĩnh vực: nghiên cứu khoa học, quản lý nhà nước hay sự nghiệp giáo dục, đào tạo cho ngành và cho đất nước đã được các thế hệ cán bộ, học trò lĩnh hội, tiếp thu, không ngừng hoàn thiện và phát triển theo đúng những tâm niệm của ông lúc sinh thời.

Những năm tháng ngắn ngủi vinh dự được gần gũi, phụ tá ông trong công tác văn phòng Hội, nhiều lần được trò chuyện cùng ông mới phần nào hiểu được sức làm việc, tinh thần cống hiến và bản lĩnh của một Thầy thuốc Anh hùng. Bài viết này như nén hương thơm, xin nghiêng mình vĩnh biệt ông, Thầy thuốc Nhân dân, GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân, “cây đại thụ” trong ngành Nhãn khoa Việt Nam.

Cống hiến sức trẻ

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức, cậu bé Nhân lớn lên trong bối cảnh đất nước “một cổ hai tròng” bị thực dân Pháp và phát xít Nhật xâu xé cướp phá. 15 tuổi cậu bé Nhân đã phải chứng kiến sự kiện đau thương và bi tráng nhất của đất nước thời đó: Nạn đói năm 1945 đã khiến cho 2 triêụ người dân Việt Nam bị chết. Những hình ảnh đau thương của nạn đói luôn đọng lại trong trái tim nóng hổi của ông, thúc giục ông, hòa vào phương châm sống của ông tự lúc nào: chia sẻ, cảm thông với người nghèo, khiêm nhường, cần kiệm trong lối sống, cương trực trong tính cách, nghiêm khắc với bản thân, tận tụy với công việc, phẫn nộ trước cái xấu, cái ác.

Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông Nhân đã tham gia cuộc biểu tình cùng nhân dân Hưng Yên giành chính quyền. Đầu năm 1950, ông tình nguyện nhập ngũ, tham gia một số chiến dịch ở Tây Bắc, Hòa Bình..., thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân đi đến hồi kết, ông được cử đi học Đại học Y ở Mát-xcơ-va (Liên Xô cũ). Sau 7 năm miệt mài đèn sách tốt nghiệp loại ưu, Nhà nước đề nghị ông ở lại học tiếp. “Duyên phận” thế nào đã “dẫn dắt” người sĩ quan pháo binh Nguyễn Trọng Nhân được chọn đi học ngành mắt. Từ việc khiêng khẩu pháo nặng hàng tấn, bắn nổ rầm trời, giờ chuyển sang cầm con dao bé tí tẹo, xử lý con mắt mong manh đến tinh tế, quả thật là bước ngoặt trong đời! Đầu năm 1964, tại Viện Phi-la-tốp, ông bảo vệ Luận án Tiến sĩ xuất sắc với đề tài ghép giác mạc, sau đó ông trở về nước công tác tại Viện Mắt (nay là Bệnh viện Mắt TW).

Về nước không bao lâu thì giặc Mỹ bắn phá miền Bắc khốc liệt, ông Nhân thấu hiểu trước những khó khăn, thiếu thốn của ngành y nói chung và ngành mắt nói riêng. Thiếu đến từng cái kim, sợi chỉ để phẫu thuật! Ông đã mạnh dạn nghiên cứu sản xuất chỉ khâu mắt tự tiêu làm từ gân đuôi chuột đồng, chuột cống. Nhờ đó, nhiều khoa mắt ở các tỉnh đã tự túc được chỉ dùng trong phẫu thuật mắt. Năm 1984, GS. Nhân giữ chức Viện trưởng Viện Mắt.  30 năm công tác tại đây, GS. Nhân đã có nhiều công trình khoa học, sáng kiến cải tiến trong lĩnh vực nhãn khoa: về ghép giác mạc, phục hồi chức năng thị giác cho người mù, lắp giác mạc nhân tạo, phát hiện sớm và điều trị bệnh cao nhãn áp, phẫu thuật đục thủy tinh thể, lắp thủy tinh thể nhân tạo, bong võng mạc, ấu trùng sản nội nhãn... Trên cơ sở tiếp thu những thành tựu nhãn khoa thế giới, GS. Nhân  đã nghiên cứu một phương pháp mổ mới - phẫu thuật kẹt củng mạc được áp dụng ở các nước Mỹ, Nhật Bản, Bỉ, Pháp... đồng nghiệp trên thế giới hoan nghênh, gọi là “phẫu thuật Nhân” (Opération de Nhan)... Không ngừng học hỏi và miệt mài lao động sáng tạo, GS. Nhân đã mang lại ánh sáng niềm tin cho biết bao người bệnh, nhiều bệnh nhân xúc động gọi GS. Nhân là người “hồi sinh cuộc sống”. Những ca phẫu thuật gây tiếng vang thời đó như ca mổ mang lại ánh sáng cho họa sĩ thương binh Lê Duy Ứng; Hay trường hợp gần như tuyệt vọng của nhạc sĩ vĩ cầm Nguyễn Anh Giang, đã từng chữa trị ở nước ngoài không khỏi; Một ca khó nhất mà ít người biết đến: GS. Nhân đã lắp thành công giác mạc nhân tạo trên cơ địa mắt bị luộc chín do hóa chất của một nữ công nhân gang thép Thái Nguyên khiến nhiều chuyên gia Mỹ thán phục vì ngay ở Mỹ cũng rất ít người làm được điều đó. Say sưa với công tác nghiên cứu và đào tạo thế hệ kế tục, ông đã từ chối đi Liên Xô lần nữa để bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học. Năm 1985, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho GS. Nguyễn Trọng Nhân ghi nhận những cống hiến của ông đối với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Với sự tín nhiệm của Đảng, ông được bầu làm Ủy viên TW Đảng khóa VI và VII (1986-1996), Đại biểu Quốc hội khóa IX và X (1992-2002), Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam từ năm 1987-2003; Năm 1992 được cử làm Bộ trưởng Bộ Y tế; Năm 2004, dù đã nghỉ hưu ông vẫn được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Ở cương vị nào ông luôn giữ vững phẩm chất kiên trung của người chiến sĩ cách mạng, của một Đảng viên chân chính, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Câu chuyện với Bác Hồ

Mùa thu năm 2006, trong căn phòng làm việc nhỏ nhắn, ngăn nắp, GS. Nhân xúc động kể lại cho tôi nghe câu chuyện chữa bệnh gián tiếp cho Bác Hồ mà ít người biết đến.

...Mùa thu năm 1965, đang thay băng cho bệnh nhân, bác sĩ Nhân nhận được điện khẩn lên gặp đồng chí Phạm Ngọc Thạch - Bộ trưởng Bộ Y tế thời đó. Bác sĩ Nhân được giao nhiệm vụ khá đặc biệt và cũng khá kỳ lạ: cùng đồng chí Đào Xuân Trà (Chủ nhiệm khoa Mắt Viện Quân y 108) sang ngay Liên Xô để khảo sát một loại bệnh mắt gây vẩn đục dịch kính mà đồng bào miền Nam hiện đang mắc phải nhưng lại không được khám trên bệnh nhân nào, vì thế không có hướng cụ thể để chẩn đoán. Suốt hơn 10 ngày ở Liên Xô, GS. Nhân đến nhiều nơi ở Mát-xcơ-va, Lêningrat, Ô-đét-xa... tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu và đã tổng hợp các hình thái bệnh có triệu chứng tương tự như đồng chí Phạm Ngọc Thạch mô tả, rồi thảo ra những phác đồ điều trị tương ứng. Đồng chí Trà (trưởng đoàn) nhận kết quả tổng hợp, nghiên cứu đó để báo cáo đồng chí Phạm Ngọc Thạch. Chờ đợi trong thời gian khá dài mà không thấy đồng chí Trà thông tin lại. Nôn nóng muốn biết kết quả nghiên cứu có giúp cho đồng bào miền Nam hay không? GS. Nhân đã nhiều lần thăm dò, đồng chí Trà chỉ mỉm cười rồi lảng sang chuyện khác. GS. Nhân phán đoán có thể một đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng bị mắc căn bệnh đó nhưng vì giữ bí mật nên đã không được tiết lộ? Vì loại bệnh này thường xảy ra ở những người cao tuổi, có thể là Bác Hồ, Bác Tôn chăng...? Ông linh cảm rồi cứ nghĩ miên man...

Năm 1969, sau ngày Bác Hồ mất, bác sĩ Nhân gặp đồng chí Trà bày tỏ suy nghĩ của mình, hy vọng tìm lời giải cho sự băn khoăn như sợi dây vô hình cứ đeo đẳng ông suốt 4 năm qua. Lúc này, đồng chí Trà mới khẳng định người mắc bệnh về mắt lúc đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Trà kể lại: có báo cáo với Bác chuyện cùng đi với bác sĩ Nhân sang Liên Xô và đề nghị Bác cho bác sĩ Nhân vào cùng điều trị cho Bác chóng khỏi. Bác gạt đi và nói: “Bác bị bệnh ở mắt đã có chú (đồng chí Trà) chữa cho là tốt rồi. Ở ta còn thiếu nhiều bác sĩ lắm. Hãy để chú Nhân chăm sóc mắt cho nhân dân...”. Đồng chí Trà dựa trên kết quả tổng hợp mà hai ông đã nghiên cứu ở Liên Xô để điều trị, bệnh tình của Bác thuyên giảm nhiều.

Trở về phòng làm việc, những giọt nước mắt mặn chát lặng lẽ dòng nối dòng giằng xé tâm can ông... Bác mắc bệnh mà vẫn lo lắng cho dân, không cho nhiều người biết, không yêu cầu nhiều người chăm sóc. Bác Hồ là vị lãnh tụ của dân tộc, sức khỏe của Bác chính là tài sản vô giá của nhân dân, nhưng dù mắc bệnh Bác vẫn luôn quan tâm đến sức khỏe nhân dân, ở hoàn cảnh nào Bác cũng đặt lợi ích của dân cao hơn bản thân mình. Những lời nói của Bác thật giản dị mà sâu sắc, tấm lòng nhân hậu của Người và câu chuyện về Bác luôn nhắc nhở, soi sáng mỗi bước đi của ông trong suốt những năm tháng sau này.

Hành trình vì công lý

Năm 1992, ông nhận chức Bộ trưởng trong hoàn cảnh “phục tùng” tổ chức, trong lòng ao ước được tiếp tục nghiên cứu khoa học ở cơ sở. Ngành y tế nước ta lúc đó còn nhiều khó khăn, kinh phí đầu tư eo hẹp, lại lắm chuyện tiêu cực. Ông đã cho thanh tra phát hiện và cố gắng giải quyết làm trong sạch “ngành liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người”. Ông luôn mong muốn ngành y phải được chú trọng và đầu tư, cán bộ y tế cơ sở phải được quan tâm trả thù lao thỏa đáng thì mới thực hiện được lời Bác dạy “Thầy thuốc như mẹ hiền”. Thời ông làm Bộ trưởng Bộ Y tế, GS. Nhân đã góp phần soạn thảo Nghị quyết đầu tiên của BCH TW Đảng về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đã hướng cơ quan Bộ y tế vào quản lý nhà nước, chuyển việc quản lý các chương trình về các viện chuyên khoa đầu ngành... Trong các cuộc họp của BCH TW Đảng, Quốc hội, Chính phủ, ông cũng là người luôn tích cực đề cập đến vấn đề chống tham nhũng, chống tiêu cực, từ những vụ việc cụ thể trong ngành mình đến những giải pháp ngăn chặn...

Những việc ông làm, những điều ông nói có thể đã rơi vào quên lãng, nhưng ông đã nỗ lực hết mình đấu tranh vì công lý, làm đúng với lương tâm nên bây giờ ông cũng thanh thản phần nào. GS. Nhân luôn thấm thía nhủ lòng: Mỗi cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu tiên phong, phải vừa có đức, vừa có tài, vừa có tâm, vừa có tầm, phục vụ vì mọi lợi ích của dân; thấy người nghèo khó mà không giúp đỡ, thấy người bệnh mà không cứu chữa thì chính là sống vô trách nhiệm, là có tội với nhân dân... Vì vậy, dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải đấu tranh không khoan nhượng chống mọi biểu hiện tiêu cực. Trong cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại, bao người đã anh dũng ngã xuống, trong đó có những người thân, anh em ruột thịt, mình là người may mắn còn sống phải làm sao xứng đáng với sự hy sinh cao cả đó.

Trong quá trình công tác, ông đã gặp không ít những tình huống bất ngờ ngoài dự kiến, song với bản lĩnh kiên định ông đã “hóa giải” các vấn đề một cách hợp lý. GS. Nhân luôn nhớ câu Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò cụ Huỳnh Thúc Kháng trước khi đi Pháp dự Hội nghị Fontaineblau: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, xem đó là phương châm hành động cho mình.

Ông đã gặp cựu Tổng thống Mỹ G.Bush (cha) vào năm 1994 tại Mỹ và năm 1995 tại Việt Nam; năm 2000 gặp Tổng thống Mỹ  Bin Clintơn. Với tính tình bộc trực, khẩu khí khảng khái, GS. Nhân trong vai trò “sứ giả” đã chuyển tới những người đứng đầu Chính phủ Mỹ khát vọng hòa bình và tình hữu nghị của người Việt Nam, mong muốn sự hợp tác chặt chẽ sau chiến tranh giữa hai nước, yêu cầu Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, với những nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Trong nhiều năm, GS. Nhân cùng các đồng nghiệp của mình kiên trì đấu tranh đòi công lý và quyền lợi chính đáng của những nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam trong vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ, cũng như qua các cuộc tiếp xúc ngoại giao giữa hai quốc gia.

Trong cuộc đấu tranh ấy có nhiều khó khăn, nhưng ông luôn tin vào công lý cũng như tin vào con đường mình đã chọn để phục vụ nhân dân, thực hiện tâm nguyện và lời dạy của Người. Đúng như nhận định của nhiều nhà báo khi tiếp xúc với ông: GS. Nhân hội đủ những phẩm chất của “ba nhà” trong một con người: Nhà khoa học - Nhà chính trị - Nhà ngoại giao nhân dân.


Xuân Hồng
Ý kiến của bạn