Trong niềm xúc động và tiếc thương vô hạn, Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các đồng nghiệp, bạn bè và gia đình tổ chức trọng thể Lễ tang với nghi thức cấp Nhà nước tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông vào sáng ngày 23/7/2018 để truy điệu và tiễn đưa giáo sư Hoàng Thủy Nguyên về cõi vĩnh hằng.
GS. Hoàng Thủy Nguyên sinh ngày 18/3/1929 tại Hà Nội trong một gia đình trí thức yêu nước, có nhiều người là trí thức ngành y đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp y tế và y học nước nhà. Ông là con trai trưởng của cố GS. Hoàng Tích Trí, Bộ trưởng Bộ Y tế nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1946 - 1958.
Tuổi thanh niên ông được rèn luyện và trưởng thành trong kháng chiến lần thứ nhất. Năm 1947-1949 ông là sinh viên y khoa, tham gia công tác tại Văn phòng Bộ Y tế và Trường đại học Y Dược khoa ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Từ 1949-1954, sinh viên y khoa Hoàng Thủy Nguyên vừa học đại học vừa tham gia phục vụ bộ đội chiến đấu với nhiệm vụ quân y sĩ tại các đơn vị quân y tiền phương trong nhiều chiến dịch. Ông được giao nhiệm vụ Phụ trách phòng thí nghiệm chống chiến tranh vi trùng ở chiến trường Điện Biên Phủ. Sau đó ông hoàn thành chương trình đại học rồi tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1954.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao tặng phần thưởng của Nhà nước cho GS. Hoàng Thủy Nguyên trong Lễ công bố Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000 (15/12/2000).
Năm 1955, BS. Hoàng Thủy Nguyên về công tác tại Viện Vệ sinh Dịch tễ (VSDT) Trung ương. Trong các năm1955-1958: ông là nghiên cứu sinh tại Đức và được cấp bằng tiến sĩ năm 1958, bằng tiến sĩ khoa học năm 1962. Tiến sĩ Hoàng Thủy Nguyên được Bộ Y tế bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện VSDT Trung ương trong 20 năm, từ năm 1974-1994.
GS. Hoàng Thủy Nguyên là nhà khoa học tài năng, là người trí thức luôn phấn đấu hết lòng vì sự nghiệp vẻ vang của ngành trong công tác phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân. Ông là giáo sư đầu ngành y học dự phòng, là người đặt nền móng xây dựng và phát triển Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thành trung tâm nghiên cứu y học dự phòng lớn nhất của cả nước.
GS. Hoàng Thủy Nguyên thọ 90 tuổi, nhưng ông có thâm niên làm việc liên tục hơn 70 năm, ông là một đảng viên ưu tú với hơn 50 năm tuổi Đảng. Giáo sư đã được Nhà nước bổ nhiệm đảm đương nhiều chức vụ quan trọng trong nhiều thời kỳ như: Viện trưởng Viện VSDT Trung ương, Phó Bí thư Đảng ủy Viện, Chủ tịch Hội đồng chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Khoa học công nghệ, Bộ Y tế, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Nhà nước số 11, Chủ tịch Hội đồng chức danh khoa học liên ngành y học quân dân y. Chủ tịch Hội Vi sinh vật học Việt Nam; Chủ tịch Hội Y học dự phòng Việt Nam. Giáo sư cũng là Ủy viên Tổ chức ICRO-UNESCO, là thành viên Tổ chức Dịch tễ học Quốc tế.
Nhớ lại năm 1962, năm đầu tiên Việt Nam sản xuất được vắc-xin sabin phòng bại liệt, từ 2 triệu liều/1 năm sau đó đã tăng lên gấp 20 lần. GS. Hoàng Thủy Nguyên là người đã được Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cử sang Liên Xô tiếp nhận công nghệ trong thời gian 3 tháng. Trở về nước, kiên trì vượt qua nhiều khó khăn, ông đã tổ chức sản xuất thành công vắc-xin này tại Việt Nam với số lượng lớn. Ngày ấy ngành y tế chưa có trung tâm kiểm định vắc-xin, để chứng minh tính an toàn của việc sử dụng vắc-xin sabin, GS. Nguyên đã cùng Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch, mỗi người uống tới 50 liều thử nghiệm mà vẫn an toàn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chúc mừng GS. Hoàng Thủy Nguyên nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2015.
Từ thành công ban đầu này, ông nung nấu ý tưởng thanh toán bệnh bại liệt do virut Polio hoang dại gây ra. Để làm được việc đó, ngoài nguồn vắc-xin tự sản xuất được, Bộ Y tế còn phải lo củng cố mạng lưới y tế cộng đồng trên khắp mọi miền của đất nước. Ông tích cực vận động bạn bè và các tổ chức từ thiện nhiều nước viện trợ có hiệu quả xe ô tô lưu động, tủ lạnh và nhiều trang thiết bị cho các viện, cho Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, các huyện.
Viện VSDT Trung ương dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Viện trưởng Hoàng Thủy Nguyên đã làm tốt việc đó. Ngày 15/12/2000, tại Hà Nội, lễ công bố Việt Nam thanh toán bệnh bại liệt hoàn toàn bằng vắc-xin do Việt Nam tự sản xuất, đã được tổ chức với sự công nhận của Ủy ban Quốc gia xác nhận thanh toán bệnh bại liệt và Tổ chức Y tế Thế giới.Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh, nước Việt Nam ta được thế giới ca ngợi về chiến công vẻ vang này và biểu dương vai trò của GS.TSKH. Hoàng Thủy Nguyên trong sự kiện trọng đại này. Bộ trưởng Bộ Y tế, GS. Đỗ Nguyên Phương cũng ghi nhận: “GS. Hoàng Thủy Nguyên đã đóng góp to lớn cho công tác y học dự phòng, đặc biệt là việc sản xuất thành công vắc-xin sabin phòng bại liệt, vắc-xin viêm não Nhật Bản B, vắc-xin viêm gan B. Và cũng chính với các công trình khoa học suốt 4 thập kỷ này mà GS. Hoàng Thủy Nguyên được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật năm 2000. Giáo sư được Nhà nước tuyên dương là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới trong Đại hội Thi đua Toàn quốc lần thứ VI tổ chức tại Hà Nội tháng 11 năm 2000”.
Giáo sư là chủ nhiệm và trực tiếp tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước có tầm chiến lược như: Chương trình KHCN 64B, KY, KC, KHCN 11, về các tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong phác đồ xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị đã được chuẩn hóa theo đặc điểm của Việt Nam.
Trong mấy năm gần đây, giáo sư Hoàng Thủy Nguyên đã tham gia tư vấn cho Bộ Y tế, cho viện về xây dựng đường lối giám sát nghiên cứu phòng chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện và tái xuất hiện, trong nghiên cứu vắc-xin cúm H5N1, H1N1 và vắc-xin dại trên tế bào.
Về hợp tác nghiên cứu khoa học, Giáo sư đã cùng ban lãnh đạo viện thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ hợp tác quốc tế. Với uy tín của Giáo sư, viện đã tranh thủ được các nguồn viện trợ của các nước, của các tổ chức quốc tế, đặc biệt trong những năm 70-80 của thế kỷ trước, nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn khoa học kỹ thuật có trình độ cao, và đổi mới nâng cấp trang thiết bị đồng bộ cho viện Trung ương và các viện địa phương.
Là Viện trưởng, Giáo sư luôn luôn xây dựng được khối đoàn kết nhất trí trong ban lãnh đạo, trong đảng bộ và trong cơ quan. Giáo sư luôn chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân, viên chức của viện. GS. Đặng Đức Trạch, nguyên Phó Viện trưởng, nguyên Chủ tịch Tổng hội Y Dược học Việt Nam, người bạn đồng hành tuyệt đối đặc biệt của GS. Nguyên đã nói: “Cùng hoạt động chuyên môn, quản lý với nhau suốt 40 năm qua, điều đặc biệt nhất ở GS. Nguyên mà tôi cảm nhận được, đó là tầm nhìn xa và chính xác. Những bước phát triển, những thành công lớn lao của Viện VSDT Trung ương trong hơn 40 năm qua chứng minh những hoạch định của GS. Nguyên là đúng đắn”.
GS. Hoàng Thủy Nguyên (giữa) nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất (2016).
Từ những năm 70 của thế kỷ XX, GS. Nguyên, đã rất chú trọng đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận. Viện VSDT Trung ương là một cơ quan khoa học ở nước ta có một đội ngũ cán bộ trình độ cao đáp ứng được các yêu cầu công việc của khoa học đang phát triển không ngừng. Giáo sư là người thầy đã tích cực giảng dạy cho cán bộ chuyên khoa các cấp, cho nhiều khóa nghiên cứu sinh và đã hướng dẫn cho 22 nghiên cứu sinh trong, ngoài nước bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và tiến sĩ khoa học.
Những năm tuổi già nhưng trí tuệ sáng suốt của ông vẫn vẹn nguyên, ông vẫn tiếp tục những công việc cả cuộc đời mình đã gắn bó. Giáo sư tiếp tục đảm nhận các nhiệm vụ tư vấn chiến lược phát triển cho Viện VSDT Trung ương, là chuyên viên cao cấp bậc 3 của ngành.
Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân Hoàng Thủy Nguyên, người thầy của ngành y học dự phòng Việt Nam là một cán bộ gương mẫu với những phẩm chất cao đẹp và y đức trong sáng, một nhà khoa học tận tụy và chuẩn mực. Giáo sư sống giản dị, luôn gần gũi, tôn trọng, giúp đỡ, bao dung, luôn tạo điều kiện cho đồng nghiệp và cấp dưới hoàn thành công việc được giao. Giáo sư được nhiều đồng nghiệp và các thế hệ học trò biết ơn với nhiều tình cảm, quý mến, kính trọng. Giáo sư Hoàng Thủy Nguyên là một tấm gương sáng, là Anh hùng của đồng chí, đồng bào, là Thầy thuốc của nhân dân vì nhân dân.