Nhà máy sữa bột Việt Nam – một trong 2 siêu nhà máy Vinamilk vừa khánh thành trong năm 2013, với công suất 54.000 tấn/năm. |
Bên cạnh việc mạnh dạn đầu tư công nghệ sản xuất mới nhất, Vinamilk đã chủ động nguồn nguyên liệu ổn định với chất lượng cao. Vinamilk hiện liên kết với hơn 5.000 hộ dân chăn nuôi bò sữa, với tổng số 65.000 con bò, thu mua sản lượng 460 tấn sữa nguyên liệu/ngày. Hiện Vinamilk thu mua hơn 60% lượng sữa tươi nguyên liệu của nông dân trên cả nước. Giá thu mua sữa tươi nguyên liệu của Vinamilk hiện nay tính trung bình khoảng 13.600 đồng/lít.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2007, Vinamilk đã đầu tư hơn 500 tỷ đồng xây dựng 5 trang trại bò sữa tại Tuyên Quang, Lâm Đồng, Bình Định, Nghệ An, Thanh Hóa, nhập khẩu bò giống bò cao sản thuần chủng HF từ Australia. Sắp tới, Vinamilk sẽ đầu tư thêm 4 trang trại mới với tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng tại Tây Ninh (10.000 con bò); Hà Tĩnh (3.000 con bò); Thanh Hóa 1 (Thống Nhất) với 20.000 con bò và Thanh Hóa 2 (Như Thanh) với 3.000 con bò.
Một góc siêu Nhà máy sữa Việt Nam, công suất thiết kế giai đoạn I của nhà máy là 400 triệu lít sữa/năm, là nhà máy sữa tiên tiến nhất thế giới về công nghệ tự động và tích hợp mà tập đoàn Tetra Pak (Thụy Điển) từng xây dựng trên thế giới. |
Mới đây, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã tham gia góp vốn thành lập Công ty TNHH Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa trong một dự án chăn nuôi bò sữa lớn nhất cả nước từ trước tới nay. Với 17 ngành nghề kinh doanh chính, công ty mới chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, với vốn điều lệ 600 tỷ đồng (Vinamilk góp 570 tỷ đồng, chiếm 95%). Tại Thanh Hóa, Công ty TNHH một thành viên Thống Nhất đang quản lý và sử dụng hơn 2.494 ha đất. Sau khi liên kết với Vinamilk, phần đất này được coi là tài sản để góp vốn, sẽ chuyển đổi sang xây dựng hệ thống chuồng trại và trồng cỏ để cung cấp thức ăn cho 20.000 con bò sữa.
Một trong những trang trại của Vinamilk tại Lâm Đồng. |
Nguyễn Quỳnh