Theo nguồn tin từ Vietnam Airlines, hãng đang triển khai dự án quản lý rủi ro bắt nguồn từ sự mệt mỏi của tổ bay mang tên FRMS (Fatigue Risk Management System). Bắt đầu nghiên cứu từ cuối năm ngoái, dự kiến dự án này sẽ hoàn thành và đưa vào áp dụng từ đầu năm 2017.
Đây là chương trình do Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO xây dựng và yêu cầu các thành viên áp dụng. FRMS hình thành dựa trên các nghiên cứu khoa học, cho phép hãng hàng không quản lý rủi ro tiềm ẩn do sự mệt mỏi của người lái và tổ bay có thể gây ra. Hệ thống áp dụng các nguyên tắc nhằm đảm bảo chuyến bay an toàn khi xuất hiện dấu hiệu cho thấy sự mệt mỏi của tổ bay có thể ảnh hưởng đến chuyến bay và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. FRMS theo dõi tất cả chế độ nghỉ ngơi, ăn ngủ của phi công và tiếp viên, giúp đưa ra lịch bay hiệu quả hơn, tổ bay luôn giữ được sự tỉnh táo nhất khi đang làm việc.
Trong giai đoạn đầu, Vietnam Airlines tổ chức phát phiếu điều tra để có những nhận định ban đầu về tình trạng sức khỏe, độ mệt mỏi của phi công và tiếp viên. Kết quả phiếu điều tra sẽ là cơ sở để chuyên gia FRMS từ nước ngoài đưa ra các đánh giá, khuyến cáo cần thiết. Đồng thời hãng trong quá trình xây dựng chính sách để hoàn thành dự án, báo cáo lên Cục Hàng không vào năm 2017.
Ngoài hệ thống nói trên, Vietnam Airlines cũng đang áp dụng hệ thống nhận dạng mối nguy hiểm và quản lý rủi ro HIRA (Hazard Identification& Risk Assessment). Hệ thống này đưa ra phương pháp nhận biết nguy cơ tiềm ẩn rủi ro, trong đó có những rủi ro liên quan đến sức khỏe của tổ bay.
Sau sự cố máy bay của hãng hàng không Germanwings rơi khiến 150 người thiệt mạng có thể vì do chủ đích của lái phụ, Cục Hàng không Việt Nam đã gửi chỉ thị trong đó yêu cầu rà soát Quy chế an toàn hàng không. Cục đề xuất Quy chế này cần có nội dung về kiểm tra tâm, sinh lý phi công trong các đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ.