Vietinbank bị đòi trả tiền Huyền Như chiếm đoạt

09-01-2014 09:45 | Thời sự
google news

Khẳng định số tiền bị chiếm đoạt đều do ký hợp đồng với Vietinbank, tất cả các nguyên đơn dân sự và bị hại đều đề nghị tòa xác định ngân hàng này phải là bị đơn dân sự của vụ án, chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Khẳng định số tiền bị chiếm đoạt đều do ký hợp đồng với Vietinbank, tất cả các nguyên đơn dân sự và bị hại đều đề nghị tòa xác định ngân hàng này phải là bị đơn dân sự của vụ án, chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

dan-giai-huyen-nhu-6821-1389183823.jpg

Hiện số tài sản tịch thu được của Huyền Như chỉ có hơn 200 tỷ đồng. Ảnh: Hải Duyên.

Trong phiên xét xử chiều 8/1, TAND TP HCM tập trung làm rõ những yêu cầu của các cá nhân, tổ chức là bị hại trong vụ lừa đảo gần 4.000 tỷ đồng do Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn thực hiện.

Trình bày với HĐXX, diện ngân hàng VIB cho biết, hiện Huyền Như còn nợ đơn vị này 180 tỷ đồng thông qua hợp đồng với 12 cá nhân do Như nhờ đứng ra vay. Do vậy việc cáo trạng chỉ truy tố 3 trong số 12 người là thiếu sót, cần thiết phải xem xét trách nhiệm hình sự tất cả những người này. Đại diện ngân hàng VIB cũng yêu cầu tòa buộc những người giúp sức cho Huyền Như chiếm đoạt tiền của ngân hàng phải liên đới trách nhiệm cũng như phong tỏa tài sản của họ để đảm bảo cho việc bồi thường thiệt hại. Đồng thời đại diện VIB cũng đề nghị tòa buộc Vietinbank phải có trách nhiệm trả số tiền nợ.

Còn với số tiền 15 tỷ đồng mà bị cáo Lành tự nguyện khắc phục trước đó, VIB cũng đề nghị toà tuyên trả cho họ.

Được mời lên thẩm vấn nhưng đại diện của ACB và Navibank không có mặt. Trong khi đó, Công ty chứng khoán Phương Đông xác nhận bị thiệt hại 380 tỷ đồng và yêu cầu tòa xác định lại tư cách tham gia tố tụng của Vietinbank. "Tiền chúng tôi gửi vào Vietinbank và bị chiếm đoạt thì ngân hàng này phải có trách nhiệm bồi thường. Vì vậy, Vietinbank phải là bị đơn dân sự chứ không phải là các bị cáo", Công ty chứng khoán Phương Đông nêu quan điểm.

Tương tự, đại diện của các công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên (Hà Nội) xác nhận, thiệt hại khoảng 1.600 tỷ đồng và yêu cầu Vietinbank "phải là đơn vị chịu trách nhiệm trả cả gốc và lãi không kỳ hạn theo như hợp đồng". Các công ty còn lại như An Lộc (thiệt hại là 170 tỷ đồng), Bảo hiểm Toàn Cầu (thiệt hại 125 tỷ đồng), công ty cổ phần chứng khoán SaiGonbank - Berjaya (thiệt hại 210 tỷ đồng), công ty cổ phần Dầu khí Thái Bình Dương (thiệt hại 80 tỷ) và 3 cá nhân (bị Như chiếm đoạt gần 300 tỷ) cũng yêu cầu VietinBank phải trả số tiền này.

Trước các đề nghị đồng loạt thay đổi tư cách tố tụng của Ngân hàng Vietinbank, HĐXX cho rằng, việc xem xét tư cách tham gia tố tụng trong vụ án này là dựa vào cáo trạng nên những yêu cầu này tòa sẽ xem xét trong phần nghị án. Nếu không chấp nhận việc các bị cáo có trách nhiệm bồi thường thì các cá nhân, tổ chức sẽ mất quyền lợi nếu bị cáo là người phải trả.

Trước khi kết thúc ngày làm việc thứ ba, chủ tọa đã chuyển sang xét hỏi các bị cáo để kiểm tra về số tài sản đã bị kê biên. Trong đó, Huyền Như thừa nhận bị thu giữ nhiều tài sản, khoản tiền trị giá hơn 220 tỷ đồng bao gồm nhiều căn hộ cao cấp tại TP HCM (Ruby 1 tại tòa pháp Ruby khu dân cư Sài Gon Pearl…), biệt thự, bất động sản khác tại các tỉnh, 3 ôtô…

Một trong những người bị kê biên lượng tài sản lớn trong vụ án là “trùm” cho vay nặng lãi Nguyễn Thiên Lý với tổng giá trị trên 300 tỷ đồng. Trong đó, có 4 sổ tiết kiệm trị giá hơn 133 tỷ đông, nhiều bất động sản, căn hộ cao cấp tại TP HCM…

Theo chủ tọa Nguyễn Đức Sáu, trong 2 ngày làm việc sắp tới, HĐXX sẽ dành thời gian cho đại diện VKS và luật sư tham gia xét hỏi. Đồng thời, chủ tọa đề nghị những bị hại, nguyên đơn dân sự gửi tất cả yêu cầu của mình đã trình bày bằng văn bản để HĐXX xem xét trong quá trình giải quyết vụ án.

Sáng 9/1, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần xét hỏi của VKS.

 


Ý kiến của bạn