Nhà văn Văn Lê được biết đến nhiều sau những giải thưởng dành cho phim Long Thành cầm giả ca. Nhưng không chỉ có thế, những tác phẩm văn học viết về chiến tranh của ông cũng không kém nổi tiếng. Ðặc biệt, bộ ba tiểu thuyết về Chiến dịch Mậu Thân 1968 với những cái tên phảng phất chất thơ lãng mạn: Nếu anh còn được sống, Cao hơn bầu trời và Mùa hè giá buốt..., trong đó cuốn Mùa hè giá buốt sau khi nhận giải B (không có giải A) của Bộ Quốc phòng lại tiếp tục nhận giải A, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 5 năm 2006-2011 của TP.HCM.
![]() |
Chiến tranh không phải trò đùa
Thưa ông, năm nay kỷ niệm 45 năm Chiến dịch Mậu Thân 1968, ông có bộ ba tiểu thuyết về chiến dịch này, chưa kể một bộ phim tài liệu Sài Gòn xuân 68 được trao giải thưởng Galaxy của Nhật Bản. Tại sao ông lại chọn Mậu Thân 1968?
Trước hết, tôi đã trực tiếp tham gia cả 3 đợt tổng tiến công của chiến dịch, những gì tôi được chứng kiến, được biết, kể cả sau này qua tư liệu từ nhiều nguồn, đây là chiến dịch ám ảnh suốt cuộc đời tôi. Từ một tâm thế bước vào chiến dịch này như cầm chắc chiến thắng trong tay thì sau đó là những cuộc chiến trong vô vọng của tổn thất nặng nề. Chỉ riêng mặt trận Sài Gòn mất gần 55.000 chiến sĩ. Chưa khi nào nỗi đau lại vò xé những người lính chúng tôi thời đó như thế. Chứng kiến đồng đội mình lần lượt ngã xuống, chứng kiến cảnh bộ đội phải rút sang nước bạn Campuchia, Lào để xây dựng và củng cố lại lực lượng, để lại nhiều đồng đội ở thành phố và vùng sâu bị địch truy sát, chà sát trắng. Đau lắm, nỗi đau như vô tận không nguôi được. Chiến dịch này đã ám ảnh hầu hết những người trong cuộc còn sống sót, đồng thời cũng là nỗi bức xúc của nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp về sự thành bại của nó. Tôi viết về Mậu Thân 1968 để mọi người chiêm nghiệm, suy ngẫm về thành bại đó.
Còn Mùa hè giá buốt?
Nó xuất phát từ những câu chuyện của các vị tướng trận, ngày ấy, họ trực tiếp chỉ huy các mũi quân đánh vào nội đô trong các đợt của chiến dịch. Tôi ấn tượng với sự trải lòng của họ khi nhận được các bức điện của cấp trên lệnh tiếp tục đưa quân vào đánh, họ đã “lạnh buốt” cả sống lưng vì biết chắc sẽ lại chịu tổn thất thương vong. Nơi được chỉ định đánh, họ không biết ở đâu, công tác tình báo chiến sự, trinh sát địa hình không có... Bản thân tôi sau này cũng có được một tập tư liệu về chiến dịch rất quý giá, đó là hơn 3.000 bức điện của cấp chỉ huy cao nhất đưa vào chiến trường. Nội dung một số bức điện đã cho tôi hiểu rõ hơn cái cảm giác “lạnh buốt” như thế nào.
Mùa hè giá buốt là câu chuyện về số phận một đơn vị sau 100 ngày chiến đấu trong thành phố trong Chiến dịch Mậu Thân 1968, đơn vị bị thương vong, hi sinh nặng nề, được lệnh rút quân. Trong tác phẩm có một mối tình đẹp giữa cô giao liên nội thành với người tiểu đoàn trưởng, có cả kẻ hèn nhát, người dũng cảm, tốt- xấu, những dằn vặt, ưu tư trước sự sống- chết, đan xen nhau trong hoàn cảnh khốc liệt...
Một số tác phẩm viết về chiến tranh gần đây đã không một chiều, viết về chiến tranh không chỉ là chiến thắng. Nhưng hình như vẫn có những “vùng cấm” chưa khai thác như các vấn đề mang tính “cao cấp” hơn trong các quân lệnh, gây thất bại các chiến dịch?
Chiến tranh không phải trò đùa mà là sự mất mát, hy sinh, sự tàn phá hủy diệt sự sống và còn hệ lụy lâu dài trong con người, trong cuộc sống… Không phải là sự thể nghiệm hay là sự thể hiện quyền lực sức mạnh của bất kỳ đại diện nào hay cá nhân nào. Thật sự không có một văn bản hay quy định “vùng cấm” nào, nhưng cách nhìn và cách nghĩ về chiến tranh của ta hình như chưa có sự thay đổi bao nhiêu. Vì thế, khi viết về chiến tranh, những người cầm bút như chúng tôi đôi khi cũng phải tự “kìm chế” lại những ý tưởng, suy nghĩ của mình, khống chế ở một mức độ chấp nhận được chứ chưa dám đụng đến cấp cao. Nhưng trong Mùa hè giá buốt cũng đã có “bóng dáng” cấp chỉ huy cao nhất của chiến dịch, thông qua những bức điện “lạnh buốt sống lưng”.
Chiến thắng được tựu thành bởi tình yêu
Vì sao ông lại chọn đề tài chiến tranh trong rất nhiều tác phẩm của mình?
Chiến tranh là đề tài lớn. Tôi viết về chiến tranh cũng là một cách để tiệm cận lý giải vì sao, bằng cách gì mà trong hoàn cảnh ác liệt, cùng cực như thế, người Việt chúng ta vẫn gượng dậy được và chiến thắng. Lý giải về phẩm chất Anh hùng của người lính ngoài chiến trường. Họ chiến đấu vì tình yêu Tổ quốc hay sự căm thù?
Vậy ông đã lý giải được?
Theo tôi, xuất phát từ Tình Yêu - tình yêu viết hoa, mang hàm ý khái quát và rất rộng. Đó là tình yêu sự sống, tình yêu con người, tình yêu Tổ quốc, tình yêu hòa bình… Tình yêu có sức mạnh để vượt qua tất cả, để làm nên chiến thắng và cũng là để hòa giải mọi mâu thuẫn đối nghịch. Nhưng tôi vẫn cảm thấy vô cùng khó lý giải, rằng vì sao, vì lẽ gì, bằng tình yêu như thế nào mà người lính vẫn ra đi dù họ biết sẽ chết? Phải chăng chỉ có dân tộc này mới có sức chịu đựng đến mức lạnh lùng như thế, để tồn tại, để chiến thắng?
Và vì thế ông vẫn chọn đề tài chiến tranh?
Đúng thế, nhưng có thể nó có gương mặt khác. Không bắt phải có súng đạn khói lửa bom mìn…, những cuộc giao chiến đầy sát khí mới là chiến tranh.
Khi ông viết về đối phương, cảm xúc ông dành cho những nhân vật này thế nào?
Trước đây, tư duy “địch” là phải xấu đã thay đổi, vì nếu thế thì ta có thắng cũng chỉ thắng một kẻ tầm thường, còn gì vinh quang. Gần đây, có một số tác phẩm viết về chiến tranh, viết về đối phương, tôi cho là có sự đổi mới trong cái nhìn về địch như: Hồng Nhị - Ngày rất dài, Phạm Ngọc Tuấn - Khúc bi tráng cuối cùng (Chu Lai), Nguyễn Quốc Hùng - Thượng Đức (Nguyễn Bảo)... là những người có lý tưởng, học thức, tài năng quân sự, mẫn cán, nhiệt tình, có lòng tự trọng, sống lành mạnh. Riêng tôi, tiếp xúc với các sĩ quan cao cấp quân đội Sài Gòn không nhiều, nhưng vẫn để lại trong tôi ấn tượng họ là “trí thức mặc áo lính”. Hơn nữa, có một thực tế ở miền Nam, nhiều gia đình có con cái hoặc là theo lính quân đội Sài Gòn, hoặc theo lính Giải phóng nên tình cảm của họ làm gì thì cũng là anh em một nhà. Đối phương trong tác phẩm của tôi trước hết là con người, do thời cuộc đưa đẩy, buộc họ phải chọn lựa một phía và phục vụ lợi ích của phía họ đang phụng sự. Cho dù họ có xấu nhất thì vẫn có lúc họ là con người có những suy tư trăn trở, có những xung đột trong chính họ… Khi tôi viết về những nhân vật này, tôi không yêu, không ghét, vì tất cả họ đều là nhân vật của tôi tạo ra.
Đề tài chiến tranh Việt Nam nhiều năm nay vẫn như một món “nợ” văn chương với các nhà văn Việt Nam nhiều thế hệ và sự mong đợi của độc giả. Nhưng sao nó vẫn cứ èo uột?
Thế hệ chúng tôi, những người từng trải nghiệm các cuộc chiến - những nhân chứng chiến tranh đã vào tuổi “xưa nay hiếm” hay đã lên lão, “lực bất tòng tâm”, viết như trả nợ đồng đội, trả nợ cuộc đời khi còn có thể, nhưng không thể sung sức như thời trai trẻ. Những thế hệ kế tiếp, họ hình như không hứng thú với đề tài chiến tranh, mà họ thích những gì thuộc về thế hệ họ. Các cuộc chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, trong khi sự cạnh tranh hiện tại diễn ra gay gắt và quyết liệt, khi mà lối sống hưởng thụ đang ngự trị như giá trị sống, thước đo của sự thành đạt... thì nhiều người ngại không muốn viết về đề tài này nữa.
Năm 2013, ông viết gì?
Tôi đang viết một tác phẩm lịch sử về thời Hùng Vương. Lý do đơn giản: Nhiều thế hệ người Việt chúng ta gần như vẫn rất lơ mơ về tổ tiên của mình. Những gì hiểu biết thì lại gần như dựa vào văn bản lịch sử của các quốc gia lân cận nên thiếu sự chính xác vì nhiều lý do.
Cảm ơn ông! Năm mới, chúc ông sức khỏe và có thêm nhiều trang viết về những đề tài ông ưa thích.
Minh Châu (thực hiện)