Viết về bác sĩ như một lẽ tự nhiên

18-08-2017 15:41 | Y tế
google news

SKĐS - Nhà báo trẻ Hà Văn Đạo là phóng viên báo Lao động&Xã hội khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

LTS: Nhà báo trẻ Hà Văn Đạo là phóng viên báo Lao động&Xã hội khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Anh từng đoạt giải Nhất cuộc thi Phóng sự - Ký sự trên báo Nhân Dân 2012-2014, nhiều lần đoạt giải báo chí tỉnh Khánh Hòa... Tại cuộc thi viết “Sự hy sinh thầm lặng” lần thứ IV do báo Sức khỏe&Đời sống tổ chức, anh đã giành giải Nhất với bài dự thi “Người bác sĩ chốn rừng sâu, núi thẳm”. Mời các bạn đọc bài viết mới này của Hà Văn Đạo để hiểu hơn hành trình một nhà báo đã đi tìm nhân vật của mình, biến những câu chuyện cảm động có thật thành một chân dung bác sĩ có số phận, có sức lay động hàng triệu trái tim.

1. Từ thuở nhỏ, tôi đã luôn nghĩ là dù bền lòng theo đuổi đến hết cuộc đời hay chỉ là ít năm tháng ngắn ngủi thì thường trực trong tâm tưởng những người mặc áo blouse trắng luôn là những xúc cảm, hành động nhân văn. Với họ, xem việc chữa bệnh cứu người là mệnh lệnh từ trái tim.

Niềm tin ấy đến giờ vẫn ấm nóng dù có lúc nao núng, chạnh lòng trước cảnh “con sâu làm rầu nồi canh”. Đó là những ngày tháng đằng đẵng đưa mẹ mình là một thương binh chống Mỹ vào các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội chữa trị căn bệnh ung thư quái ác. Nhiều lần như tụt xuống hố sâu khi trực tiếp bị một vài bác sĩ vòi tiền trắng trợn, quát tháo bệnh nhân như kẻ ăn xin. Nỗi niềm càng xáo trộn hơn khi mấy ông bán phong bì trước cổng bệnh viện quy chụp, vơ đũa cả nắm rằng: Bác sĩ giờ ở đâu cũng thế, chỉ thích bì thư nằng nặng chui vào túi áo thì mới tận tình. Lúc ấy, tôi thấy nước mắt mẹ mình ứa ra và nằng nặc đòi về. Tôi hứa với bà và nhiều bệnh nhân khác sẽ chứng minh lời nói của mấy ông bán phong bì hoàn toàn sai. Việc có tiêu cực trong bệnh viện chỉ là cá biệt mà thôi, phải tin vào bác sĩ bởi niềm tin cũng chính là liều thuốc quý.

Bác sĩ Dũng thăm khám cho bệnh nhân.

Bác sĩ Dũng thăm khám cho bệnh nhân.

2. Từ đó, tôi âm thầm lê la đến các cơ sở y tế tìm hiểu và đã thấy hình ảnh hàng trăm y, bác sĩ ngày đêm trăn trở vì người bệnh như: bác sĩ Diệp Bảo Tuấn (TP.HCM), bác sĩ Nguyễn Đức Phước (Đồng Nai), cô y tá Y Khuyên (Kon Tum), bác sĩ Võ Thanh Dũng (Đăk Lăk)...

Duyên cớ khiến tôi nghĩ nhiều hơn đến bác sĩ Võ Thanh Dũng khi nghe anh xe ôm, chị bán phế liệu, những người thợ phát rẫy bằng giọng điệu tự nhiên, hồn hậu, họ đều nói về cách chữa bệnh, cách chăm sóc bệnh nhân của bác sĩ Dũng rất chu đáo, tận tâm. Nhớ lại, từ 10 năm trước khi cầm bằng cử nhân văn chương với hai bàn tay trắng lao vào cuộc sống để chèo chống tất cả những biến cố liên tục ập đến, tôi viết bất cứ đề tài nào mình bắt gặp, nhưng có một câu nhắn nhủ của người thầy trân quý không thể nào quên là “âm thầm quan sát cho thật kỹ càng”. Vậy nên, chưa vội cả tin ngay những chuyện về bác sĩ Dũng, cứ cất điều mình vừa thu nhận được vào ý nghĩ, tiếp tục đứng ở cổng Trạm Y tế xã Yang Réh quan sát cách ông Dũng làm việc và nghe ngóng.

Tốp bệnh nhân là phụ nữ mang bầu hồ hởi chuyện trò với nhau: Ưng cái bụng lắm. Chưa thấy ông bác sĩ nào nhẹ nhàng, chào đón bệnh nhân như người thân giống ông này. Ông ấy chỉ đạo siêu âm thai rất kỹ, giải thích cặn kẽ, chẳng qua quýt như nơi khác. Tốp người già có vấn đề về tim mạch thì hồ hởi bàn tán: Bây giờ không còn ám ảnh khi đến chầu chực ở các bệnh viện ở xa nữa rồi. Nó (bác sĩ Dũng) vận hành máy điện tim, làm xét nghiệm rất thạo. Vừa thăm khám vừa động viên thấy nhẹ cái ngực mình hơn, không còn thấy khó thở nữa rồi...

Câu chuyện ở chỗ này lại nối tiếp đến câu chuyện ở điểm khác. Khi rời cổng Trạm Y tế Yang Réh, đang nghỉ mệt bên hồ thủy lợi xã Ea Trul, tôi lại vô tình bắt gặp người đàn ông trạc ngoài 50 tuổi, dáng hình khắc khổ nhưng ẩn chứa sự chất phác, nhân hậu nói về bác sĩ Dũng bằng giọng điệu cảm mến, ánh mắt tươi vui. Ngước nhìn ra hồ thủy lợi Ea Trul, người đàn ông ấy kéo quần mình lên, chỉ vào vết sẹo dài ngoằng bộc bạch: Tôi sống lại nhờ ông Dũng phẫu thuật cứu chữa trong cái chòi tạm ở đây, từ rất lâu rồi. Mỗi lần đi ngang qua hồ này lại nhớ lúc “thập tử nhất sinh”. Hay thật, điện đóm chả có, cái lán thôi mà ông Dũng ấy cứ cứu người liên tục.

Tiếp tục đến thôn 4 (xã Yang Réh) nơi mà cách đây mấy năm được nhiều người ám ảnh đặt cho cái tên là “Làng dịch bệnh và ung thư”. Thôn 4 giờ đã tươi sáng hơn, dịch không còn hoành hành, bệnh ung thư cũng giảm. Nhiều người bảo nhờ ông Dũng tuyên truyền và chỉ ra cụ thể rằng một phần dịch bệnh như dịch tả, viêm hô hấp... là do cách ăn uống và cách vệ sinh không đảm bảo. Một số người ung thư thì một phần do ô nhiễm môi trường. Ai cũng sợ cái chết tìm đến mình nên răm rắp thay đổi cách sinh hoạt thiếu khoa học và vệ sinh. Ở cổng vào thôn 4 lại có vài cụ già đang cẩn thận chăm sóc rẫy bắp (ngô) rồi nhỏ to với nhau: Nếu bắp ngon cho thằng Dũng mấy cái. Để có trực khuya cứu người nó ăn cho khỏe. Bao nhiêu năm nay chả thấy nó nặng lời với các thôn buôn mình bao giờ cả. Cái bụng nó tốt thật.

3. Với các chuyện thu nhận được, tôi quyết định quay về Trạm Y tế xã Yang Réh khi trời gần xế trưa để gặp bác sĩ Võ Thanh Dũng. Câu đầu tiên, ông bảo: Cơ thể người bệnh cũng như cơ thể chính mình, cơ thể người thân mình vậy thôi. Cứ cảm giác có bệnh là khổ và đau đớn, lo lắng lắm, mình phải cứu chữa ngay, giảm áp lực cho họ. Thêm liệu pháp tâm lý để người bệnh khỏi bấn loạn nữa, là ổn. Đây là công việc hiển nhiên của bác sĩ chứ có gì to tát đâu. Bác sĩ mà không tận tâm cứu người thì như thợ lặn thờ ơ với người sắp đuối nước, người công an thờ ơ với tội phạm cướp bóc đó mà.

Cuộc trò chuyện với bác sĩ Dũng tiếp tục xoay quanh cuộc sống của những người dân ở vùng sâu Tây Nguyên, về những chiếc cáng tay bằng gỗ, những chiếc xe cày tự chế vừa phục vụ sản xuất trên nương rẫy vừa chở bệnh nhân. Rồi đến cả những chiếc đèn dầu đã tiếp thêm bao nhiêu nghị lực vươn lên của những đứa trẻ nơi sâu xa này. Câu chuyện nào cũng có liên quan đến biến cố về sức khỏe con người. Và, những điều ấy đọng lại rất sâu trong tâm trí của bác sĩ Dũng. Không nói ra nhưng tôi hiểu đó cũng là một lý do để ông gắn bó với y tế vùng sâu hơn 30 năm qua.

4. Chia tay với bác sĩ Dũng, trở về nhà mình trên chiếc xe đò ọc ạch, hành khách trên xe lao xao kể đủ thứ chuyện, chuyện về người này ganh ghét, tị hiềm chơi xấu người kia, chuyện ông nọ bày mưu xô ngã ông khác, chuyện về cúi luồn, lạy lục, tráo trở... mọi thứ hỗn độn đó tôi cho chạy qua ý nghĩ của mình một cách nhẹ nhàng bởi trong tâm khảm mình đã thức dậy niềm tin mãnh liệt vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống này. Cái xấu xa, đểu cáng chỉ tồn tại trong một góc rất nhỏ của xã hội mà thôi.

Và rồi, khuya hôm ấy, những câu chuyện về bác sĩ Võ Thanh Dũng thôi thúc tôi ngồi vào bàn viết về ông với tiêu đề Người bác sĩ chốn rừng sâu, núi thẳm như một lẽ tự nhiên. Những ngày cuối cùng của năm 2016, tôi quay về miền Bắc thăm mẹ mình đang hóa trị lần thứ 15 đồng thời gặp nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo cùng mấy ông bán phong bì lần trước kể cho họ nghe những chuyện cảm động về các bác sĩ giàu nhân đức, về những điều tươi sáng của ngành y mà trực tiếp tôi đã tỉ mỉ ghi chép được. Cùng với đó, tôi đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể về các chỉ đạo quyết liệt, cách xử lý thấu đáo của lãnh đạo Bộ Y tế về một số hạn chế, tiêu cực nhỏ xảy ra trong ngành y. Lúc ấy, tôi đã thấy những ông bán phong bì gật gù, lặng rút vào trong. Những bệnh nhân thì nở nụ cười chất chứa niềm tin và hy vọng giữa buổi chiều Hà Nội mưa phùn, rét mướt.


HÀ VĂN ĐẠO
Ý kiến của bạn